Nhìn ra thế giới

Núi lửa bùn ở Azerbaijan

Cập nhật: 02/07/2021 09:34:04
Số lần đọc: 805
Núi bùn ở phía tây nam thủ đô Baku mang vẻ đẹp kỳ lạ, hấp dẫn. Người dân địa phương gọi núi lửa bùn này bằng nhiều cái tên khác nhau như “yanardagh” (ngọn núi đang cháy), “pilpila” (thềm đất cao), “gaynacha” (vũng nước sôi), “bozdag” (ngọn núi màu xám)...

Ngoài động đất, sóng thần, núi lửa bùn cũng là kết quả của sự va chạm giữa các mảng kiến tạo địa cầu. Núi lửa bùn nhỏ và ít được biết đến hơn núi lửa mắc ma thông thường. Chúng có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau, nhưng phổ biến nhất ở Azerbaijan là loại có hình nón nhỏ, hoặc hình ống, cao tới 4m, được tìm thấy nhiều ở các đỉnh đồi cao vài trăm mét. 

Nhìn bề ngoài, những ngọn đồi trông yên bình nhưng dưới lớp đất đá gồ ghề là "con quái thú đang ngủ say". Vùng đất khô cứng xung quanh miệng núi lửa trông như những lớp vảy. Bên trong miệng núi lửa, vũng bùn lớn được gọi là breccia, luôn trong trạng thái sủi bọt. Các túi khí ngầm được đẩy lên trên bề mặt, tạo thành những bong bóng xám khổng lồ. Khi vỡ, chúng giải phóng ra hỗn hợp bùn lạnh, nước và các chất khí như metan, cacbon, nitơ... Thỉnh thoảng, các khí này tác dụng với nhau gây nổ, có khi còn tạo thành ngọn lửa bắn lên khỏi mặt đất 200m, vẽ nên cảnh tượng ngoạn mục hiếm thấy.

Dù những ngọn núi có phụt lên cột lửa cao hàng trăm mét kèm bùn bắn ra rào rào, điều lạ là không hề có thương vong cũng như lời cảnh báo nào đại loại như "di dân" hay "cẩn thận" được đưa ra. Đó là vì, đây chỉ là các núi lửa "làm cảnh", tạo nên vẻ đẹp quyến rũ đặc trưng của Azerbaijan.

Bùn lỏng ở đây không bị nóng, thường giữ ở mức 22 – 23 độ C. Do đó, điểm đến này mang đến cho du khách trải nghiệm tắm bùn núi lửa độc đáo. Đất sét núi lửa được sử dụng trong điều trị các bệnh về da, thấp khớp cũng như liên quan đến hệ thần kinh. 

Có gần 400 núi lửa bùn đang hoạt động trên đất nước này và vùng biển Caspian, chiếm phân nửa trong tổng số núi lửa bùn trên toàn thế giới. Với độ cao 700m cùng đường kính rộng 10km do bùn bồi đắp theo thời gian, Turaghai và Boyuk Khanizadagh là hai trong số ngọn núi lửa bùn cao nhất thế giới tọa lạc tại Azerbaijan.

Núi lửa bùn đã trở thành một phần không thể bỏ qua trong các chương trình du lịch tại Azerbaijan./.

Phúc Lâm

Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT