Hoạt động của ngành

Phát huy các di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Định

Cập nhật: 23/11/2022 09:00:02
Số lần đọc: 575
Ngày 22/11, Sở Du lịch tỉnh Bình Định phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Hiệp hội Du lịch Bình Định tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Phát huy các di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh trong phát triển du lịch”.  


Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định trình bày tham luận tại Tọa đàm với chủ đề “Phát huy các di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh trong phát triển du lịch”.

Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý trên lĩnh vực văn hóa, du lịch, các nhà tổ chức tour du lịch, các công ty lữ hành… ​

Dấu tích đền tháp mà người Champa để lại trên mảnh đất Bình Định - Kinh đô Vương triều Vijaya, thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của Vương quốc Champa, trải dài gần 500 năm từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV là 8 cụm tháp với 14 ngôi tháp. Trong đó, cụm tháp Dương Long đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2015; các cụm tháp còn lại được xếp hạng Di tích quốc gia.

Hệ thống tháp Chăm tại Bình Định hầu hết còn khá nguyên vẹn, phản ánh một phong cách kiến trúc riêng của nghệ thuật Champa thời kỳ Vijaya; chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo và là một nguồn tài nguyên du lịch mang đặc trưng vùng miền.

Nhận thức rõ tiềm năng đó, nhiều năm qua, ngành du lịch đã phối hợp ngành văn hóa và thể thao tỉnh Bình Định triển khai các tour du lịch tham quan một số di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu là tour tham quan tháp Đôi (Quy Nhơn), tháp Bánh Ít (Tuy Phước), tháp Cánh Tiên (An Nhơn), tháp Dương Long (Tây Sơn)… Tuy nhiên, tiềm năng du lịch của các tháp Chăm chưa được phát huy đúng mức và cần được tiếp tục quan tâm để có những phương án khai thác, phục vụ hiệu quả hơn trong thời gian tới. ​

Quang cảnh Tọa đàm với chủ đề “Phát huy các di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh trong phát triển du lịch”.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, xây dựng những sản phẩm du lịch Chăm độc đáo sẽ thôi thúc du khách tới tìm hiểu, tránh sự nhàm chán như tổ chức các trò chơi dân gian, phục dựng làng nghề truyền thống điêu khắc Champa, tiến đến quy hoạch thành các làng nghề cụ thể. Ngoài ra, cần quan tâm nghiên cứu, ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật đầu tư các chương trình nghệ thuật có chất lượng tham gia phục vụ tại các địa điểm này.

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho rằng, đây là cơ hội tốt để chúng ta cùng nhau bàn bạc, trao đổi, đưa ra những giải pháp tối ưu trong việc bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị tháp Chăm Bình Định; đề xuất những giải pháp gắn kết các tour du lịch với hệ thống di tích tháp Chăm… trên cơ sở đồng lòng và tranh biện khoa học. Từ đó, định hướng phát huy giá trị các di tích tháp Chăm theo hướng phù hợp với xu thế phát triển của du lịch hiện nay.

Cát Hùng

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 22/11/2022

Cùng chuyên mục