Hoạt động của ngành

Phát triển bền vững du lịch miền Trung trong bối cảnh mới

Cập nhật: 29/08/2023 16:01:28
Số lần đọc: 601
Ngày 28.8, tại TP. Huế, Viện Khoa học xã hội Trung bộ phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững du lịch miền Trung trong bối cảnh mới”.


Vùng Trung Bộ với 14 tỉnh và thành phố, trải dài 1.900 km đường bờ biển cùng với các loại địa hình đồi núi, trung du, đồng bằng, ven biển. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch.

Hội thảo về phát triển bền vững du lịch miền Trung trong bối cảnh mới

Thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, một số địa phương trong vùng cũng đã và đang tạo những liên kết, hợp tác để khai thác tiềm năng du lịch của nhau. Đặc biệt là các chương trình xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, tăng thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu của du khách.

Đã có nhiều chương trình, nội dung về hợp tác phát triển của các địa phương trong khu vực; trong đó, có sự liên kết tổ chức các diễn đàn thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển du lịch... Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, các hoạt động hợp tác, liên kết này chỉ mới dừng lại ở việc tăng cường trao đổi, thảo luận chính sách, đưa ra các định hướng, giải pháp chung về phát triển du lịch vùng. Còn sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng chủ yếu dừng lại ở mức độ cam kết thỏa thuận giữa lãnh đạo các địa phương; phạm vi liên kết còn hẹp, các lĩnh vực liên kết mang tính tự phát, thiếu bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, vì có cùng điều kiện tự nhiên giáp biển, các sản phẩm du lịch ở các địa phương trong vùng khá tương đồng nhau; các địa phương chưa chú trọng tính toán lợi thế so sánh để xác định những sản phẩm du lịch đặc trưng cấp vùng. Điều này khiến các nội dung phối hợp phát triển du lịch giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, hay nói cách khác chưa xuất phát từ yêu cầu phối hợp thực tế trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường và phát triển bền vững trong bối cảnh mới hiện nay.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung như: Thực trạng, cơ hội, thách thức trong phát triển bền vững du lịch tại miền Trung, những vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới; vai trò và sự liên kết, phối hợp các bên liên quan và liên kết vùng trong hoạt động phát triển bền vững du lịch tại miền Trung; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững du lịch ở cấp độ vùng; gợi ý chính sách, giải pháp về phát triển bền vững du lịch tại miền Trung, cũng như các mô hình phát triển du lịch trong bối cảnh mới của vùng...

Trong đó, nhiều giải pháp, mô hình phát triển du lịch dựa trên lợi thế văn hóa đã được các chuyên gia quan tâm, thảo luận như: Du lịch sáng tạo - cơ hội cho điểm đến di sản UNESCO tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; liên kết du lịch miền Trung thông qua phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên lợi thế di sản địa phương; vai trò của cộng đồng trong bảo tồn di sản và phát triển du lịch ở làng cổ Phước Tích; phát triển du lịch đô thị cổ Hội An gắn với bảo vệ môi trường...

Tin, ảnh: S.Thùy

Nguồn: Báo Văn Hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 28/08/2023

Cùng chuyên mục