Hoạt động của ngành

Phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở Tiền Phong (Hòa Bình)

Cập nhật: 01/12/2020 14:06:59
Số lần đọc: 1036
Nếu không có du lịch cộng đồng (DLCĐ), chắc hẳn không mấy ai biết tới các bản làng Mường ở xã Tiền Phong (Đà Bắc) xa xôi và nhiều gian khó. Cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường vùng hồ rất có thể sẽ bị lãng quên.


Du khách thăm quan, tìm hiểu mô hình "quán tự giác" của người Mường Ao Tá, xã Tiền Phong (Đà Bắc).

Từ năm 2015 trở lại đây, với sự hỗ trợ của Quỹ Australia vì nhân dân châu Á và Thái Bình Dương (AFAP), các bản làng nơi đây có bước chuyển mình, hình thành các điểm đến du lịch hấp dẫn. Trong hành trình khám phá du lịch vùng hồ Hòa Bình, nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đã dành trọn tình cảm yêu mến đối với con người và vùng đất này.

Nằm bên dòng sông Đà trải dài, thơ mộng, bản DLCĐ Đá Bia (nay là xóm Đức Phong) là nơi sinh sống của hơn 40 hộ dân, 100% là người Mường Ao Tá. Theo ông Đinh Văn Đại, Bí thư chi bộ xóm Đức Phong, cộng đồng người Mường Ao Tá trên địa bàn huyện hiện chỉ tập trung ở 2 xóm Đức Phong và Mực của xã Tiền Phong. Bên cạnh cảnh quan rừng núi, sông nước, môi trường, khí hậu mát mẻ, trong lành, Đá Bia khơi gợi trí tò mò, thu hút du khách bởi nét văn hóa đặc sắc của người Mường Ao Tá. Ở đây, hầu hết bà con bảo tồn được nhà sàn theo kiến trúc cổ. Nhiều phong tục, tập quán đẹp vẫn lưu giữ trong lời ăn, tiếng nói, đời sống sinh hoạt thường ngày.

Trước đây, người Mường ở Đá Bia chủ yếu mưu sinh bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, trồng rừng. Từ khi tiếp cận nghề làm du lịch, đã có 5 hộ cải tạo nhà cửa, tham gia xây dựng mô hình dịch vụ lưu trú homestay đón tiếp du khách đến trải nghiệm. Trên 40 người dân địa phương tham gia vào các hoạt động dịch vụ tàu thuyền, tổ ẩm thực, đội văn nghệ... Đến đây, bên cạnh cảm giác chinh phục thiên nhiên, du khách được trải nghiệm không gian văn hóa, đời sống sinh hoạt của người dân bản xứ. Ngoài ra, khám phá một điều thú vị về “quán tự giác” - hình thức mua bán, trao đổi giống siêu thị của người Mường Hòa Bình. Thưởng thức ẩm thực của người Mường Ao Tá, chủ yếu lấy từ nguồn tự cung, tự cấp như gà chạy bộ, lợn thả rông, cá sông Đà, rau rừng đồ... được chế biến với hương vị riêng, lạ miệng, đậm đà.

Tại xã Tiền Phong còn có một bản Mường khác tên gọi Mó Hém vừa bắt đầu phát triển DLCĐ. Bản là nơi sinh sống của hơn 30 hộ dân, đón khách từ năm 2019, là điểm đến mới nhất của dự án DLCĐ tại Đà Bắc. Đến đây, du khách được tận hưởng không khí trong lành vùng hồ, lưu trú tại các nhà nghỉ cộng đồng truyền thống, đi bộ thăm quan bản làng, tìm hiểu truyền thống của người Mường vùng hồ, tham gia các hoạt động đánh bắt cá, hoặc tự nấu những món ăn truyền thống của người bản địa, thưởng thức ẩm thực, giao lưu văn nghệ...

Đồng chí Bùi Văn Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: Cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, Công ty DLCĐ Đà Bắc, xã đã lựa chọn hướng đi mới để khai thác tiềm năng, thế mạnh là các giá trị cảnh quan thiên nhiên, văn hóa người Mường bản xứ. Nhằm tạo môi trường thân thiện, để lại trong du khách những ấn tượng đẹp, khó quên, các xóm, bản làm DLCĐ thực hiện, áp dụng tốt những quy tắc ứng xử văn hóa đã đề ra, như: không mua hàng, không sử dụng dịch vụ từ những người bán hàng rong chèo kéo, không mua bán sản phẩm săn bắt hoặc chặt phá rừng, tôn trọng phong tục, tập quán của địa phương... Đáng mừng là ngày càng có nhiều khách đến thăm quan, du lịch tại các bản DLCĐ Mó Hém, Đá Bia. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống người dân, đồng thời quảng bá, giới thiệu hình ảnh thiên nhiên, con người, văn hóa bản địa đến bạn bè trong nước, quốc tế.

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục