Hoạt động của ngành

Dấu hiệu phục hồi của du lịch Kiên Giang

Cập nhật: 30/11/2020 08:14:41
Số lần đọc: 715
Dịch bệnh Covid-19 đã gây thiệt hại nặng cho ngành du lịch cả nước, trong đó có tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, gần đây theo một vài số liệu cho thấy, ngành du lịch của Kiên Giang đã bắt đầu hồi phục, số lượng khách du lịch đến Kiên Giang tăng lên từng ngày dù chỉ là khách nội địa.


Cáp treo Hòn Thơm (Phú Quốc).

Thiệt hại khoảng 12.200 tỷ đồng

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm 2020 lượng khách đến tham quan du lịch ở Kiên Giang giảm mạnh so với năm trước. Tổng lượt khách đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh ước chỉ đạt trên 5,2 triệu lượt khách, giảm đến 40,7% so với cùng kỳ và chỉ đạt 55,8% so với kế hoạch đề ra.

Giảm mạnh nhất là khách quốc tế, tổng lượng chỉ ước đạt khoảng 184.000 lượt khách, giảm đến hơn 74% so với cùng kỳ và chỉ đạt 24,3% so với kế hoạch năm. Tổng thu về du lịch ước chỉ đạt khoảng 8.000 tỷ đồng, giảm đến 56,8% so với cùng kỳ, và chỉ đạt 40,1% so với kế hoạch năm.

Theo phân tích của Sở Du lịch Kiên Giang, thị trường khách du lịch quốc tế giảm hơn 74%, tương đương lượng khách giảm khoảng 528.000 lượt, thiệt hại về kinh tế khoảng 9.600 tỷ đồng. Thị trường khách du lịch nội địa giảm khoảng 34%, tương đương khoảng 1,2 triệu lượt, thiệt hại kinh tế khoảng 2.600 tỷ đồng. Như vậy, tổng thu từ du lịch của Kiên Giang bị sụt giảm khoảng 12.200 tỷ đồng.

Còn theo số liệu về hoạt động lưu trú, ước trong năm 2020 Kiên Giang chỉ đón và phục vụ khoảng 2,3 triệu lượt khách, giảm 37,7% so với cùng kỳ và chỉ đạt 56,5% so với kế hoạch. Công suất phòng thấp nhất từ trước đến nay, bình quân chỉ đạt khoảng 32,9%. Lao động trực tiếp trong ngành du lịch bị giảm trên 35%, tương đương khoảng 6.400 lao động.

“Thời điểm bùng phát dịch bệnh ra cộng đồng, các cơ sở lưu trú hầu như không có khách. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, tháng bảy các cơ sở lưu trú bắt đầu có khách trở lại, nhưng sau ca bệnh phát hiện tại Đà Nẳng thì các cơ sở lưu trú gần như không còn khách. Từ đầu tháng 10 đến nay, hệ thống cơ sở lưu trú đã hoạt động trở lại, nhưng chủ yếu là đón khách nội địa, đón khách lẻ và khách đặt phòng trực tuyến. Riêng các khách sạn chuyên phục vụ khách quốc tế vẫn ngừng hoạt động” - ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết.

Đối với hoạt động lữ hành còn thê thảm hơn, hiện tại số đơn vị hoạt động lữ hành được cấp phép là 54 doanh nghiệp, trong đó có 27 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 21 doanh nghiệp lữ hành nội địa, sáu chi nhánh, Văn phòng đại diện. Hiện nay, các đơn vị đã hoạt động trở lại và đang triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa với các tour khuyến mãi, giảm giá sâu để thu hút khách. Trong năm 2020, hoạt động lữ hành Kiên Giang chỉ đón và phục vụ khoảng 87.500 lượt khách, giảm đến hơn 75% so với năm trước và đạt chỉ 24,3% so với kế hoạch năm.

Những dấu hiệu hồi phục

Phú Quốc ngày cuối tuần, người đông như đi hội. Khu vực thị trấn Dương Đông xe du lịch cỡ lớn nối đuôi nhau. Trên lề đường, dưới lòng đường từng tốp người tấp nập, ngược xuôi. Tại một số điểm du lịch người xe đông nghịch, khách lẻ có, khách đoàn có. Quang cảnh này rất giống với mấy tháng trước đây khi dịch Covid-19 đợt một tạm thời lắng dịu. 

Anh Lê Quang Duy, Giám đốc Công viên san hô Seaworld nói: “Thời gian gần đây khách đến Phú Quốc bắt đầu tăng trở lại, nhất là từ tháng 10 đến nay khách đến Công viên san hô Seaworld ngày một đông hơn, riêng trong tháng 11 tăng hơn tháng 10 khoảng 50%. Chỉ mới tuần trước, cơ sở của chúng tôi phục vụ dịch vụ lặn biển cho hơn 4.000 lượt khách. Dấu hiệu này cho thấy, ngành du lịch đang dần ấm trở lại”.

Tại khu vực ga đi cáp treo Hòn Thơm, rất nhiều du khách đứng xếp hàng chờ đến lượt để trải nghiệm cáp treo vượt biển dài nhất thế giới. Trong số khách đang có mặt có rất người lần đầu tiên đến Phú Quốc, cũng có người đã đến Phú Quốc nhưng lần đầu tiên đi cáp treo. Có nhiều đoàn khách đi cả gia đình, họ hàng lên đến hàng chục người. Khách ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, miền Bắc có cả khách miền Trung.

Một nhân viên truyền thông của Tập đoàn Sun Group cho biết, lượng khách của khu du lịch tăng mạnh qua từng tháng. Trong tháng 10 tăng khoảng 20% so tháng trước, nhưng trong tháng 11 lại tăng hơn tháng 10 rất nhiểu lần.

Hà Tiên, một thành phố du lịch vùng biên của tỉnh Kiên Giang cũng bắt đầu vui dần khi lượng khách đến đây tuần sau cao hơn tuần trước. Các bãi tắm tại Khu du lịch Mũi Nai đã đông nghịch người trong những ngày cuối tuần. Buổi tối, khu Trung tâm trương mại của thành phố rất nhiều tốp người đi bộ.

Anh Nguyễn Văn Hạnh chủ nhà hàng Cánh Buồm toạ lạc tại số 1, đường Trường Sa, TP. Hà Tiên phấn khởi nói: “Hai tháng qua, khách du lịch đến Hà Tiên đã đông đúc trở lại. Mặc dù chỉ là khách nội địa, nhưng du lịch của Hà Tiên bắt đầu sống lại. Các điểm du lịch, nhà hang, khách sạn đã làm mới để đón khách. Từ nay, đến Tết âm lịch chính là thời cao điểm của du lịch, nên lượng khách sẽ còn tăng”.

Thông tin từ các địa phương cho biết, trong những ngày cuối tuần khách đến tham quan, thưởng ngoạn tại các đảo như Nam Du, Hòn Sơn, quần đảo Bà Lụa, quần đảo Hải Tặc cũng tang lên rất nhiều. Các tàu khách ra vào đảo luôn đầy ấp người, có hôm phải tăng chuyến mới đủ nhu cầu.

“Từ tháng 10 đến nay theo các báo cáo từ cơ quan Cảng vụ hàng hải và Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, số lượng các chuyến tàu và chuyến bay đến Phú Quốc tăng dần lên. Tính riêng các chuyến bay đến Phú Quốc, từ 10 chuyến trên ngày trước đây đã tăng lên, có ngày đến 40 chuyến bay đến Phú Quốc. Tính cả lượng khách đến Phú Quốc, Hà Tiên và các đảo thì mỗi ngày Kiên Giang đón trên 16.000 lượt” - ông Trần Chí Dũng chỉ ra.

Nỗ lực kích cầu du lịch

Ngành du lịch Kiên Giang đang có dấu hiệu phục hồi khá tốt một mặt là do các biện pháp kềm chế dịch bệnh Covid-19 của nước ta nói chung và Kiên Giang nói riêng được thực hiện rất tốt. Điều đó tạo được lòng tin và tâm lý an toàn cho người dân trong những chuyến đi du lịch. Mặc khác, do có sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp trong công tác kích cầu du lịch.

Bà Nguyễn Duy Linh Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch Kiên Giang (trung tâm) cho biết, Trung tâm được UBND tỉnh Kiên Giang giao nhiệm vụ xúc tiến trong đó có lĩnh vực du lịch. Trong năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên công tác xúc tiến gặp một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên sau khi dịch bệnh được khống chế và lắng dịu, Trung tâm đã bắt tay vào thực hiện các phần việc theo kế hoạch được giao.

Đối với lĩnh vực xúc tiến du lịch, trong tháng 10 vừa qua, Trung tâm đã cùng với một số đơn vị lữ hành đã có chuyến khảo sát ba ngày tại một số địa bàn, điểm có tiềm năng phát triển du lịch để các đơn vị này nghiên cứu chọn địa điểm đưa vào chương trình tour giới thiệu đến du khách trong và ngoài tỉnh. Đoàn đã khảo sát một số điểm như: Hòn Nghệ, Ba Hòn Đầm (huyện Kiên Lương); quần đảo Hải Tặc, đầm Đông Hồ (TP. Hà Tiên); chùa Cả Bần lớn, một số hợp tác xã nông nghiệp, vườn trái cây (huyện Gò Quao).

“Chuyến đi đã đạt được kết quả ngoài mong đợi. Qua chuyến đi một số đơn vị du lịch đã mở tour, tuyến đăng trên hệ thống giới thiệu đến khách hàng. Chỉ hơn một tháng, mà hầu hết các đơn vị có mặt trong chuyến đi đã đưa khách đến những địa điểm này. Rất mừng, một số địa điểm du lịch mới ở Kiên Giang đã được khách du lịch thích thú đón nhận. Tới đây, Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức một số hoạt động xúc tiến tương tự” - bà Nguyễn Duy Linh Thảo nói.

Ông Trần Chí Dũng thông tin, ngày 22-11 vừa qua, tại huyện đảo Phú Quốc, Tổng cục Du lịch cùng Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, Hội đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc đã tổ chức chương trình kích cầu du lịch Phú Quốc. Hoạt động này nằm trong chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. 150 khách mời là các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hàng không, du lịch, lữ hành, khách sạn cùng các chuyên gia…  đã tham gia chương trình.

“Ngành du lịch Kiên Giang hy vọng thông qua chương trình kích cầu du lịch này, hình ảnh du lịch Phú Quốc sẽ được du khách gần xa biết đến nhiều hơn, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, dịch vụ mới, cùng nhau liên kết để phát triển trong thời gian tới” - ông Trần Chí Dũng chia sẻ.

Cũng theo ông Trần Chí Dũng, hiện Sở Du lịch Kiên Giang đang xây dựng kế hoạch kích cầu du lịch cho giai đoạn từ nay đến cuối năm và những tháng đầu năm 2021. Theo đó, ngành du lịch Kiên Giang sẽ tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu hình ảnh của Kiên Giang rộng khắp trong và ngoài nước; tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo giới thiệu các sản phẩm du lịch của Kiên Giang đến các đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

“Chúng tôi sẽ vận động doanh nghiệp tiếp tục đầu tư sửa sang cơ sở, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đồng thời nghiên cứu một mức giá thật hợp lý để tất cả người dân có thể tiếp cận được. Đối với chính quyền địa phương, chúng tôi đang bàn bạc xem xét để hiện chính sách hỗ trợ giá vé vận tải cho khách du lịch” - ông Trần Chí Dũng cho hay./.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục