Hoạt động của ngành

Các địa phương phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

Cập nhật: 27/11/2020 09:02:50
Số lần đọc: 1162
Các địa phương đặt mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù để khai thác có hiệu quả lợi thế và tiềm năng vốn có, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của du lịch.


Khách du lịch tham quan hồ Ba Bể. Ảnh VGP/Nhật Thy

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm là du lịch hồ Ba Bể.

Khu du lịch hồ Ba Bể là di tích quốc gia đặc biệt, là khu du lịch trọng điểm của tỉnh nằm trong khu vực của Vườn quốc gia Ba Bể với nhiều thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp và độc đáo như  Ao Tiên, Đảo Bà Góa, Đền An Mã,… Vườn quốc gia Ba Bể đang trong quá trình phấn đấu trở thành Di sản thiên nhiên thế giới.

Điểm nổi bật nữa của Bắc Kạn là văn hóa của các dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao vẫn còn giữ được rất đặc sắc, với nhiều lễ hội truyền thống như lễ hội Lồng tồng Ba Bể, chợ tình Xuân Dương, lễ hội Mù Là Pác Nặm… và nền văn hóa ẩm thực truyền thống rất đặc sắc.

Bắc Kạn còn có một hệ thống các di tích lịch sử cách mạng đã được công nhận như khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn, điểm Bác Hồ dừng chân Nà Tu…

Với lợi thế trên nhưng Bắc Kạn hiện là một trong những tỉnh đón khách du lịch ít nhất khi chỉ có khoảng 500.000 khách du lịch một năm.

Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII yêu cầu các đơn vị chức năng cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; thực hiện lồng ghép nhiệm vụ bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đẩy mạnh công tác quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch; xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nhận diện du lịch địa phương gắn với bản sắc văn hóa riêng có của địa phương. Xây dựng các bản làng mẫu để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng làng nghề nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm. Lập Quy hoạch di tích Quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể tích hợp các quy hoạch liên quan như vườn quốc gia, xây dựng, nông nghiệp, giao thông… theo Nghị định 166/2018/NĐ-CP nhằm tạo nên hợp lực cho bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch.

Đối với Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn, xây dựng thành một quần thể di tích có kiến trúc hài hòa phù hợp với tính chất, ý nghĩa, tầm quan trọng và thời kỳ lịch sử, có dấu ấn đặc trưng, đặc thù, gắn với thiên nhiên và văn hóa khu vực, có trung tâm điều phối và giao thông kết nối nội bộ thuận tiện, kết nối liên thông với ATK Định hóa và ATK Tân Trào, tạo nên tam giác du lịch lịch sử để đón tiếp du khách.

Tại Ninh Thuận, điều kiện khí hậu ít mưa, nhiều nắng đã tạo cho địa phương nhiều sản phẩm nông nghiệp mang dấu ấn đặc trưng. Tận dụng lợi thế này, tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nông nghiệp đặc thù để thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Ninh Thuận không chỉ có du lịch trải nghiệm vườn nho, hiện nay, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đang trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng của các địa phương như các tour tham quan các trang trại táo, nho (huyện Ninh Phước); vườn trái cây sinh thái Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn); tham quan, chụp ảnh cánh đồng cừu An Hòa, Phước Trung (huyện Ninh Hải, Bác Ái); tour tham quan vườn cây ăn quả Phước Bình; mô hình tham quan vườn dâu tây; mô hình khu du lịch văn hóa sinh thái hồ sen gắn với tìm hiểu văn hóa đồng bào Chăm (huyện Ninh Phước)... đã thu hút một lượng lớn du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Những mô hình du lịch hộ gia đình cho đến mô hình trang trại tại các địa phương đã góp phần làm đa dạng hóa, phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm vẻ đẹp của quê hương, con người Ninh Thuận.

Để tạo sự thuận tiện cho du khách có nhu cầu tham quan, mua sắm, Ninh Thuận đang triển khai xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm đặc thù; triển khai ứng dụng dán “Tem điện tử thông minh” truy xuất chất lượng nguồn gốc 12 sản phẩm đặc thù từ khâu sản xuất đến khi đưa ra thị trường tiêu thụ; kết nối quảng bá sản phẩm nông nghiệp đặc thù gắn với quảng bá du lịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất du lịch; cải thiện môi trường, cảnh quan thiên nhiên và môi trường văn hóa; nâng cao ý thức, kiến thức và cách thức làm du lịch cho cộng đồng dân cư để xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện.

Tại Vĩnh Long, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long, với mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, làm cơ sở liên kết vùng nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế và tiềm năng cho phát triển du lịch, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của du lịch tỉnh.

Theo Đề án, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung xây dựng, phát triển 04 sản phẩm du lịch đặc thù, gồm: du lịch homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề và du lịch văn hóa.

Trong đó, Du lịch homestay được xác định là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tỉnh xây dựng mô hình du lịch homestay gắn với phát triển nông thôn mới, xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi thông thoáng, khu dân cư đảm bảo an ninh trật tự. Vận động nhân dân và các cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện mô hình xanh - sạch - đẹp an toàn tại khu vực sinh sống và kinh doanh. Tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm tại homestay thu hút du khách (nấu ăn, làm bánh, đạp xe khám phá nét đẹp làng quê, thưởng thức đờn ca tài tử, đốt đuốc đi xem hát bội,…)

Du lịch nông nghiệp và du lịch làng nghề được xác định là sản phẩm bổ trợ. Du lịch nông nghiệp thu hút du khách tham quan thông qua các hoạt động nông nghiệp tại địa phương, với các vườn cây ăn trái và khu vực trồng hoa màu đặc trưng ở Vĩnh Long giúp du khách trải nghiệm cuộc sống nhà nông, tham gia các hoạt động nông nghiệp trải nghiệm (trồng rau, lúa, thu hoạch nông sản, tát ao bắt cá,…) và góp phần tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, du lịch văn hóa sẽ là sản phẩm định hướng phát triển. Phát triển du lịch văn hóa dựa trên việc khai thác đặc điểm lịch sử của các di tích lịch sử - văn hóa và thân thế sự nghiệp các vị nguyên thủ, nhà khoa học, học giả, trí thức có tầm ảnh hưởng quốc gia qua các thời kỳ, qua đó khẳng định Vĩnh Long là vùng đất học, vùng đất "địa linh nhân kiệt". Đồng thời, khai thác các giá trị lễ hội, văn hóa tại các di tích để quảng bá thu hút du khách.

Để thực hiện đề án đạt hiệu quả, tỉnh đề ra các giải pháp tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và truyền thông về các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; đầu tư phát triển hạ tầng du lịch của tỉnh; tập trung phát triển sản phẩm du lịch gắn kết công tác bảo vệ môi trường theo hướng bền vững…

Nguồn: Báo Chính Phủ

Cùng chuyên mục