Hoạt động của ngành

Vĩnh Long xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

Cập nhật: 27/11/2020 08:43:18
Số lần đọc: 713
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã có Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long, với mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, làm cơ sở liên kết vùng nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế và tiềm năng cho phát triển du lịch, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của du lịch tỉnh nhà.  

Theo Đề án, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung xây dựng, phát triển 04 sản phẩm du lịch đặc thù, gồm: du lịch homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề và du lịch văn hóa.

Trong đó, Du lịch homestay được xác định là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tỉnh xây dựng mô hình du lịch homestay gắn với phát triển nông thôn mới, xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi thông thoáng, khu dân cư đảm bảo an ninh trật tự. Vận động nhân dân và các cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện mô hình xanh - sạch - đẹp an toàn tại khu vực sinh sống và kinh doanh. Tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm tại homestay thu hút du khách (nấu ăn, làm bánh, đạp xe khám phá nét đẹp làng quê, thưởng thức đờn ca tài tử, đốt đuốc đi xem hát bội,…)

Du lịch nông nghiệp và du lịch làng nghề được xác định là sản phẩm bổ trợ. Du lịch nông nghiệp thu hút du khách tham quan thông qua các hoạt động nông nghiệp tại địa phương, với các vườn cây ăn trái và khu vực trồng hoa màu đặc trưng ở Vĩnh Long giúp du khách trải nghiệm cuộc sống nhà nông, tham gia các hoạt động nông nghiệp trải nghiệm (trồng rau, lúa, thu hoạch nông sản, tát ao bắt cá,…) và góp phần tiêu thụ sản phẩm. Điểm chủ lực tham quan trong thời gian tới là Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi tái hiện các hoạt động, trưng bày nông cụ giúp du khách tham quan hiểu về sản xuất nông nghiệp Vĩnh Long và các tỉnh thành trong khu vực.

Làng nghề sản xuất tàu hủ ky tỉnh Vĩnh Long (Nguồn: http://vinhlongtourism.com.vn)

Phát triển du lịch làng nghề nhằm khai thác các giá trị văn hóa của các làng nghề hiện có của tỉnh để đưa vào chương trình tour du lịch, tăng cường quảng bá, giới thiệu nét độc đáo của các làng nghề đến du khách và dần tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Định hướng, hỗ trợ các làng nghề phát triển sản phẩm thành quà lưu niệm phục vụ nhu cầu của du khách với các sản phẩm từ lục bình, đan lát, dệt chiếu, gốm,…

Bên cạnh đó, du lịch văn hóa sẽ là sản phẩm định hướng phát triển. Phát triển du lịch văn hóa dựa trên việc khai thác đặc điểm lịch sử của các di tích lịch sử - văn hóa và thân thế sự nghiệp các vị nguyên thủ, nhà khoa học, học giả, trí thức có tầm ảnh hưởng quốc gia qua các thời kỳ, qua đó khẳng định Vĩnh Long là vùng đất học, vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Đồng thời, khai thác các giá trị lễ hội, văn hóa tại các di tích để quảng bá thu hút du khách.

Để thực hiện đề án đạt hiệu quả, tỉnh đề ra 07 giải pháp tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và truyền thông về các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; tăng cường mời gọi đầu tư phát triển các loại hình du lịch đặc thù; đầu tư phát triển hạ tầng du lịch của tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch; tăng cường liên kết phát triển du lịch trong các tour, tuyến du lịch gắn với sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; tập trung phát triển sản phẩm du lịch gắn kết công tác bảo vệ môi trường theo hướng bền vững; tập trung xây dựng thương hiệu du lịch Vĩnh Long; đẩy mạnh thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua nhiều hình thức để đưa nét đẹp du lịch Vĩnh Long đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.

Ngọc Lan

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Long

Cùng chuyên mục