Phú Thọ: Làng cổ Hùng Lô - Nét đẹp bình dị
Miếu cổ Hùng Lô
Theo cuốn “An lão thần tích” và truyền thuyết để lại, vua Hùng cùng công chúa cưỡi ngựa hồng và các quần thần đi tuần du ngoại cảnh và săn thú đã được các bô lão và thần dân tại Trang Khả Lãm (tên địa danh xưa của Hùng Lô) nghênh tiếp khi dừng chân nghỉ tại nơi đây. Vua thấy đất ở đây màu mỡ, cây mọc xanh tươi lại có huyệt thiên tạo hướng giáp canh, có khí thiêng từ lòng đất bốc lên. Vua cho đây là chốn địa linh. Và quả thực, nhân dân nơi đây làm ăn rất phát đạt, vậy nên đã quần cư đông đúc như bây giờ. Từ đó, nhân dân đã lập miếu thờ vua Hùng để đời đời nhớ ơn Vương Tổ.
Đình và Lễ hội làng Hùng Lô
Đình Hùng Lô là nơi tập trung những giá trị kiến trúc nổi bật nhất trong quần thể di tích làng cổ Hùng Lô. Đình được xây dựng năm 1697, dưới thời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 18. Khi bắt đầu xây dựng đình có kiến trúc chữ Nhị, đến năm Bảo Đại XIII (1938) phần hậu cung đã được trùng tu lại và làm thêm long đình, có lầu chuông lầu trống hai bên nên hiện nay đình có kiến trúc chữ công. Đình thờ Tam vị Đại vương: Ất Sơn Đại vương (vua Hùng thứ 4), Viễn Sơn Đại vương (vua Hùng thứ 5), Áp đạo quan Đại vương - tướng bảo vệ vua Hùng được phong vương.
Kỹ thuật chạm ở đình Hùng Lô đạt đến trình độ cực kỳ tinh vi. Ngoài chạm trổ xung quanh tứ trụ và rồng ngậm ngọc ở các đầu bảy hiên ở tòa Đại Đình, những bức chạm đặc sắc, có giá trị nghệ thuật cao với đề tài rất phong phú, vừa mang màu sắc dân giã, vừa thể hiện dấu ấn Nho giáo rõ rệt.
Đình Hùng Lô còn được coi là bảo tàng thu nhỏ với hệ thống cổ vật có niên đại 300 năm tuổi, quý giá về lịch sử, kỹ thuật và mỹ thuật cổ như: 5 cỗ kiệu, 6 cỗ ngai thờ, nhiều đồ gốm, đồ đồng quý, hệ thống 43 câu đối ca ngợi công đức vua Hùng và cảnh trí thiên nhiên.
Đến đây đúng dịp hội lễ, du khách sẽ được hòa mình cùng lễ rước kiệu quy mô, đi tới đâu trống dong cờ mở, tiền hô hậu ủng náo động cả một vùng.
Đình cổ Hùng Lô hơn 300 năm tuổi nằm bên dòng Lô Giang
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào năm 2012. Nghi thức thờ cúng vua Hùng ở Hùng Lô diễn ra nghi thức rước kiệu từ đình Hùng Lô lên đền thờ các vua Hùng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh với quãng đường dài gần 10km để mời vua về dự lễ tại đình. Sau khi đoàn rước trở về, phần tế lễ bắt đầu với 1 tuần hương, 3 tuần rượu, hóa chúc, ẩm phước để gửi lời khấn nguyện đến các vua Hùng.
Bên cạnh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tại đình Hùng Lô còn diễn ra Hát Xoan - loại hình dân ca nghi lễ, hát trước cửa đình và thường hát vào mùa xuân. Hát Xoan được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp năm 2011.
Làng nghề truyền thống
Từ rất xưa, Hùng Lô là vùng đất nổi tiếng với các làng nghề như: làng nghề làm bánh chưng bánh giầy, làng nghề làm đậu, làng nghề làm miến gạo, bún, mì sợi… Nghề làm mì gạo với những bí quyết gia truyền, người dân làng nghề Hùng Lô đã tạo nên những sợi mì trắng, dai, được người dân gần xa ưa chuộng.
Những nếp nhà cổ
Bên cạnh những phong tục tập quán đặc sắc, làng nghề truyền thống, các di tích đình, chùa, miếu... thì làng cổ Hùng Lô vẫn lưu giữ được nhiều nếp nhà cổ độc đáo, còn nguyên giá trị kiến trúc với những biểu tượng lân, ly, quy phượng, tùng, cúc, trúc mai được chạm khắc trên những bồng chồn, kẻ bảy, câu đầu của những ngôi nhà.
Phiên chợ quê
Nhắc đến chợ quê tại Hùng Lô không thể không nhớ đến chợ Xốm. Chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, gắn bó mật thiết với đời sống người dân nơi đây, mà nó còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng mộc mạc, giản dị mà vẫn mang những nét riêng.
Chợ Xốm - Nơi lưu giữ giá trị văn hóa thấm đượm hồn Việt
Với hệ thống di sản cổ phong phú đa dạng, có thể cho thấy được sự trù phú giàu có của quần thể di tích làng cổ Hùng Lô. Đặc biệt hơn, những nhà cổ, đình làng, ao làng, lũy tre xanh vẫn được người dân bảo tồn, giữ gìn theo năm tháng, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng tại đây.
Lã Thị Hồng Thùy