Hoạt động của ngành

Quảng Nam: Thúc đẩy du lịch nông nghiệp

Cập nhật: 26/08/2019 14:48:08
Số lần đọc: 868
Trong bối cảnh xu hướng du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm ngày càng phát triển mạnh mẽ, các khu vực có tiềm năng lớn về du lịch nông nghiệp cần nắm bắt cơ hội, tạo ra sản phẩm có bản sắc riêng để thu hút du khách. 


Nhiều khu vực làng quê trên địa bàn tỉnh có tiềm năng lớn để khai phá, cải tạo phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh: Q.T

Những trải nghiệm thú vị

Chiếc cần câu giật giật giữa bao la bọt sóng, từng đợt ồ lên thích thú của du khách “Tây” có, “ta” có vì lần đầu tự tay buông cần đã làm cá cắn câu. Đó là chuyến đi chơi thú vị ở biển Điện Dương (Điện Bàn).

Hai năm nay, chàng trai trẻ Nguyễn Tiến - một người lớn lên từ làng chài Hà Quảng quê nhà đã đưa du khách đến gần hơn với cuộc sống thực của ngư dân, để khách được trải nghiệm câu mực, câu cá không cần mồi qua sự hướng dẫn kỹ năng của ngư dân địa phương. Câu ngày có, qua đêm cũng có, rồi chính cá mực mà khách câu được đem chế biến tại chỗ phục vụ cho cả tàu trong sự tò mò, háo hức. Có khi sóng biển, túi mực văng tung tóe áo quần nhưng chỉ càng tăng thêm sự hào hứng cho du khách.

Những ngày này, du khách nườm nượp đổ về bãi bồi Kỳ Lam (xã Điện Quang, Điện Bàn) để chiêm ngưỡng cánh đồng hoa hướng dương đầu tiên ở Quảng Nam rộng hơn 0,6ha. Khi ánh bình minh vừa hé mở, du khách từ Đà Nẵng, Hội An đã tranh thủ ghé đến đây, hào hứng “check-in” với loài hoa luôn hướng về phía mặt trời. Yếu tố mới lạ, đẹp mắt của cánh đồng hoa cộng với phong cảnh hữu tình bên dòng sông Thu Bồn đã và đang giúp nơi đây trở thành một điểm đến hút khách. Thầy Nguyễn Văn Đức (Trường Đại học Nông lâm Huế) - chủ nhiệm đề tài này chia sẻ: “Mô hình được ấp ủ triển khai từ năm 2015 nhưng do một số vướng mắc nên cách đây 2 tháng mới thực hiện và bước đầu thu được tín hiệu tích cực. Khu vực này có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp rất lớn và có thể triển khai thêm các ý tưởng mới trong tương lai”.

Hướng phát triển bền vững

Có thể xem, du lịch nông nghiệp là một thế mạnh của ngành du lịch nước ta để thu hút khách tham quan, trải nghiệm bởi từng vùng nông nghiệp có sự đa dạng và thú vị. Từ lâu, tại đô thị cổ Hội An, đã hình thành tour trải nghiệm “một ngày làm nông dân” và không ngớt du khách đăng ký tham gia. Ngoài các tour tuyến truyền thống trải nghiệm ở cánh đồng Trà Quế (Cẩm Hà), Cẩm Thanh, nhiều du khách còn hào hứng… đi xa hơn để đến ngôi làng ở Duy Nghĩa (Duy Xuyên) hay Triêm Tây, Điện Phương (Điện Bàn) “thử sức” xay cà phê, đan chiếu như một người nông dân thực thụ. Với sự ra đời của cánh đồng hoa hướng dương, hoạt động du lịch nông nghiệp ở vùng 3 xã Gò Nổi (Điện Bàn) cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra một sức bật mới vốn trước đó cũng đã manh nha thu hút được du khách với các địa điểm như làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú, làng hoa Phú Đông, biền dâu ven sông Thu Bồn…

Tuy nhiên, trên thực tế lợi ích mang lại cho cộng đồng, thu nhập cho cư dân bản địa từ hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn chưa lớn bởi chưa thể tổ chức được nhiều hoạt động trải nghiệm, tour tuyến bài bản. Theo TS.Chu Mạnh Trinh - Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, với các giá trị đặc sắc sẵn có cộng với lợi thế gần đô thị cổ Hội An, điều cần làm là định hướng cho nông dân các vùng ven đô Hội An có thể kiếm được nguồn thu từ cây lúa, con trâu… từ hoạt động du lịch chứ không chỉ đơn thuần là canh tác nông nghiệp như trước đây.

Phần đông du khách nước ngoài thích vẻ đẹp mộc mạc, bản địa khi đến du lịch Việt Nam nên du lịch nông nghiệp đang có thời cơ để “trở mình”. Đô thị cổ Hội An hồi tháng 7 vừa rồi được độc giả tạp chí Travel and Leisure bình chọn là thành phố du lịch quyến rũ nhất thế giới cũng bởi vẻ đẹp từ những phiên chợ cá buổi bình minh, trải nghiệm câu thúng cùng ngư dân, khám phá rừng dừa nước... Ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Homestay (Hiệp hội Du lịch tỉnh) cho hay: “Qua kinh nghiệm tham quan, học tập ở các nước trong khu vực có nhiều nét tương đồng với nước ta như Thái Lan hay Indonesia thì họ làm du lịch dựa rất nhiều vào thiên nhiên và cố gắng không phá vỡ các giá trị đó”. Song hiện nay trên địa bàn tỉnh nhiều khu vực có điều kiện thuận lợi để phát huy thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp lại tìm cách “bê tông hóa” với tầm nhìn ngắn hạn khiến cảnh quan bị phá vỡ và có thể ảnh hưởng đến cảnh quan, thương hiệu du lịch địa phương trong tương lai.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục