Hoạt động của ngành

Thừa Thiên-Huế phát triển du lịch thân thiện với môi trường

Cập nhật: 27/08/2019 08:20:33
Số lần đọc: 872
Mỗi năm, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đón từ 3,5-4 triệu lượt khách du lịch, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo vệ môi trường.


Khách du lịch Nhật Bản tham qua chùa Thiên Mụ, địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Hiện tại, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hướng đến phát triển du lịch một cách bền vững, thân thiện với môi trường.

Trước mắt, các điểm di tích Huế, đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, sẽ thực hiện nói “không” với túi nylon và động cơ xăng.

Cụ thể, tại các cửa vào của các điểm tham quan, các đơn vị chức năng chuẩn bị túi giấy với thông điệp “Khu di sản Huế: Nói không với túi nylon.”

Nếu các du khách cầm theo túi nylon, họ sẽ được trao túi giấy để thay thế.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tính toán thêm phương án nói “không” với động cơ xăng tại khu vực Đại Nội.

Lâu nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang sử dụng xe điện làm phương tiện phục vụ khách tham quan trong Đại Nội.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cho phép mở rộng hoạt động xe điện vận chuyển khách du lịch ở khu vực bờ Nam sông Hương.

Cụ thể, khu vực này đã có thêm 10 xe điện hoạt động tại 27 tuyến do Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Hoàng Thành khai thác phục vụ khách du lịch đến các điểm gồm Lăng Tự Đức, đàn Nam Giao, chùa Từ Hiếu, chùa Thiên Mụ, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan, chợ Đông Ba… và một số điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở vùng ven thành phố Huế.

Ông Trần Hữu Đình Lai (Giám sát điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Hoàng Thành) cho biết để phục vụ khách du lịch tham quan và đảm bảo an toàn giao thông trong các tuyến đường của thành phố Huế, Công ty quy định tài xế xe điện không chạy quá tốc độ 25km/h.

Việc mở rộng các tuyến xe điện phục vụ khách du lịch là một trong những nội dung của Đề án quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Võ Lê Nhật chia sẻ phương án “Nói không với động cơ xăng” được thực hiện với hàng trăm viên chức, người lao động của đơn vị khi đến làm việc trong Đại Nội.

Người lao động của Trung tâm đã đồng lòng ủng hộ và thực hiện các hoạt động thực tế để Thừa Thiên-Huế ngày càng xanh-sạch-sáng, Khu Di sản Huế luôn là điểm đến thân thiện.

Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tìm điểm để xe tập trung ngoài Đại Nội cho người lao động.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết “Khu Di sản Huế nói không với túi nylon” đang là một thông điệp ý nghĩa mà ngành Du lịch muốn gửi đến mỗi du khách.

Từng doanh nghiệp du lịch, đơn vị quản lý các điểm du lịch sẽ giải thích cho du khách hiểu rằng việc sử dụng các chất liệu nhựa quá nhiều đang làm ảnh hưởng đến môi trường sống, môi trường du lịch.

Huế mong muốn là địa phương tiên phong nói “không” với chất thải từ nhựa trong hoạt động du lịch; phát triển du lịch là quan trọng và đi đôi với đó là bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích, điểm du lịch.

Trước hết, ngành Du lịch sẽ tăng cường hoạt động vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các thành viên trong từng gia đình, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội du lịch và toàn xã hội; kêu gọi sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở.

Hiện tại, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có hơn 80 cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cùng ký vào bản cam kết nói “không” với các sản phẩm từ nhựa gây nguy hại môi trường.

Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch cam kết thực hiện không sử dụng sản phẩm nylon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần có thể tích 330-500ml trong các hội nghị, hội thảo của đơn vị.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch thu gom, phân loại, xử lý chất thải theo đúng quy định; định kỳ chủ nhật hàng tuần tổ chức vệ sinh môi trường, cảnh quan tại nơi ở, nơi làm việc…

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên-Huế thêm xanh-sạch-sáng” được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen do tỉnh đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân vào cuộc, làm thay đổi, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Từ phong trào này, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được nhiều bạn trẻ, người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện sôi nổi, rộng khắp, góp phần làm cho Huế đẹp hơn, thơ mộng hơn trong một không gian xanh-sạch-sáng./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục