Hoạt động của ngành

Quảng Nam tìm sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách trở lại

Cập nhật: 04/03/2020 08:08:04
Số lần đọc: 843
Đây cũng là lúc ngành du lịch tỉnh Quảng Nam tự “làm mới” mình để đưa ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách.


Thành phố Hội An đang giãn du khách ra vùng ven với những trải nghiệm thú vị.

Ảnh hưởng của dịch Covid- 19, khách Trung Quốc rồi khách Hàn Quốc lần lượt rời các điểm đến ở miền Trung, khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam, lượng khách lưu trú trong tháng 2 năm nay giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, ước thiệt hại đối với ngành du lịch lên đến cả ngàn tỷ đồng. Theo các chuyên gia du lịch, tình hình thiệt hại sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng tới. 

Rừng dừa nước Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam mấy năm trở lại đây thu hút rất đông khách châu Á, nhất là khách Hàn Quốc. Tại đây, các dịch vụ đưa khách tham quan rừng dừa bằng thúng chai để khách tận hưởng không khí trong lành, trải nghiệm các hoạt động đánh bắt thủy sản của người dân làm cho du khách rất thích thú. Đến đây, du khách còn được thưởng thức đặc sản của Hội An từ các nhà hàng ven sông. Vậy mà, dịch Covid-19 khiến nơi đây vắng ngắt.

Hàng trăm chiếc thuyền thúng phục vụ vui chơi, trải nghiệm trên sông phải nằm bờ. Anh Nguyễn Văn Thịnh, nhân viên kiểm soát vé tại rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh, thành phố Hội An cho biết, trước khi xảy ra dịch bệnh, trung bình mỗi ngày có hàng ngàn du khách mua vé tham quan, thuê thúng chai len lỏi trong rừng dừa trải nghiệm, ngắm cảnh sông nước. Nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lượng vé bán ra hằng ngày giảm đến 70% so với trước đây.

"Sau Tết đến giờ, so với 10 phần trước đây thì còn khoảng 3-4 phần. Chủ yếu giảm mạnh khách Hàn Quốc và Trung Quốc. Còn khách Tây có tăng nhẹ. Khách Hàn Quốc bữa ni gần như hết luôn rồi. Hoạt động du lịch ở đây tác động lớn. Trước đây mỗi ngày người dân đi được 4 đến 5 cuốc (chèo thuyền thúng đưa khách trải nghiệm rừng dừa), bây giờ có người được một vài cuốc, có người không có cuốc nào".

Trước tác động của dịch Covid-19, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND tỉnh giảm giá vé tham quan cho du khách vào phố cổ Hội An và Mỹ Sơn đối với lưu trú dài ngày. Đồng thời đề xuất xúc tiến kích cầu thị trường du lịch nội địa cũng như nâng cao chất lượng các dịch vụ, sản phẩm du lịch hiện có. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề xuất tỉnh có chủ trương, chính sách miễn giảm hoặc giãn nợ vay, giảm khoản thuế, giảm tiền thuê đất, miễn thị thực cho du khách các nước Châu Âu…

Các địa phương cần đầu tư nâng cấp, hoàn thiện các điểm du lịch như: Làng du lịch Cẩm Kim, Cù Lao Chàm, thành phố Hội An; Làng Du lịch cộng đồng Triêm Tây, thị xã Điện Bàn; Làng Bích họa Tam Thanh và địa đạo Kỳ Anh ở thành phố Tam Kỳ; Làng Du lịch cộng đồng xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành; Làng Đại Bình, huyện Nông Sơn… Mở rộng không gian phố cổ và chợ đêm Hội An, hoàn thành mục tiêu xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch… 

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đang xúc tiến xây dựng “Ngôi làng hạnh phúc” tại xã Cẩm Kim dựa theo mô hình của 1 thôn ở đất nước Hà Lan; Tổ chức các khu chợ đêm để khách châu Âu trải nghiệm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện lễ hội sau khi dịch kết thúc. Vừa rồi tạm dừng hàng loạt lễ hội truyền thống của Hội An. Sắp tới đây, trong tháng Tư tới, nếu hết dịch bệnh sẽ tổ chức lễ hội ẩm thực quốc tế. Trong tháng 3 này, sẽ khởi công xây dựng cầu Thanh Nam, biến nơi này thành cầu đi bộ sẽ kết nối phố đi bộ từ đường Bạch Đằng đến đường Phan Bội Châu để mở rộng không gian phố đi bộ”.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, ngay trong lúc khó khăn, ngành du lịch cần có sự chuyển hướng thị trường khách. Trước mắt cần hướng đến thị trường khách nội địa. Đồng thời triển khai kế hoạch hành động và xây dựng sản phẩm du lịch mới, phương pháp kích cầu trong và sau dịch. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị, cần triển khai ngay chương trình hành động xúc tiến du lịch năm 2020 và 2021, bổ sung vào tình huống dịch bệnh và những giải pháp tháo gỡ; Xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện để tạo niềm tin cho du khách.

"Làm thế nào để vừa khắc phục được khó khăn, vừa đảm bảo được sức khỏe cho cộng đồng, vừa phát triển du lịch, vừa xây dựng được thương hiệu và đặc biệt là phải giữ gìn cho được bản sắc văn hóa của con người Quảng Nam. Đó là điều rất khó khăn nhưng phải cương quyết làm. Chính chúng ta thực hiện được và thực hiện ngày càng tốt hơn thì đó là chúng ta đang biến khó khăn thành cơ hội để xây dựng và quảng bá hình ảnh Quảng Nam về môi trường du lịch tốt, thân thiện, tạo sự yên tâm cho mọi du khách đến với chúng ta", ông Thanh nói./.

Nguồn: VOV.vn

Cùng chuyên mục