Quảng Ngãi: Từ mô hình nông nghiệp đến du lịch cộng đồng
Tận dụng lợi thế từ các mô hình nông nghiệp được đầu tư, một số địa phương trong tỉnh đã lên kế hoạch phát triển thành dự án du lịch sinh thái mang tính cộng đồng. Đây được xem là một hướng đi mới, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Hình thành chuỗi liên kết du lịch
Năm 2015, dự án trồng rừng ngập mặn ven biển ở các xã Bình Phước, Bình Đông và Bình Dương (Bình Sơn) được triển khai với diện tích hơn 107ha. Sau gần 5 năm thực hiện, dự án đã thành công với việc người dân ở đây được hưởng lợi trực tiếp. Điều đáng nói nhất là, hệ sinh thái của các xã khu đông huyện Bình Sơn cũng từ đó được cải thiện đáng kể. Ô nhiễm môi trường nước, thủy triều dâng gây ngập úng cũng được hạn chế, người dân trong vùng nhận thấy được lợi ích của dự án mang lại, nên ra sức bảo vệ.
Xét thấy rừng dừa phát triển nhanh và phù hợp với điều kiện địa phương, chính quyền xã Bình Phước đã lên ý tưởng phát triển thành mô hình du lịch sinh thái mang tính cộng đồng. Để thực hiện mô hình này, lãnh đạo xã đã tìm hiểu nguyện vọng của nhân dân và kiến nghị lên các cấp để được định hướng và hỗ trợ.
Từ mô hình dừa nước, xã Bình Phước (Bình Sơn) đang lên kế hoạch phát triển thành dự án du lịch sinh thái cộng đồng. Ảnh: M.KHOA
Xét thấy rừng dừa phát triển nhanh và phù hợp với điều kiện địa phương, chính quyền xã Bình Phước đã lên ý tưởng phát triển thành mô hình du lịch sinh thái mang tính cộng đồng. Để thực hiện mô hình này, lãnh đạo xã đã tìm hiểu nguyện vọng của nhân dân và kiến nghị lên các cấp để được định hướng và hỗ trợ.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phước Nguyễn Quang Vũ cho biết: “Với lợi thế sông Cà Ninh chảy qua hai thôn dài hơn 5km, nên chúng tôi muốn phát triển thành điểm du lịch, gắn kết với bàu Cá Cái. Việc phát triển du lịch cộng đồng từ mô hình dừa nước đã nhận được nhiều hưởng ứng từ phía người dân. Mô hình này sẽ giải quyết được vấn đề thu nhập, phát triển kinh tế cho người dân, đồng thời quảng bá được hình ảnh, các sản phẩm của địa phương đến với nhiều người”.
Trong khi đó, mô hình trồng dừa xiêm lùn da xanh được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP.Quảng Ngãi triển khai ở xã Tịnh Khê vào năm 2018, với quy mô hơn 2ha. Ngoài ra, tận dụng nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã mở rộng thêm hơn 18ha, với sự tham gia của 58 hộ dân. Sau gần hai năm triển khai, có không ít diện tích đã bắt đầu cho trái.
Từ đó, chính quyền xã Tịnh Khê đã lên ý tưởng phát triển thành dự án du lịch sinh thái cộng đồng và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. “Để hình thành chuỗi liên kết về du lịch, mô hình dừa xiêm này là một phần của dự án. Sau khi đến với bãi biển Mỹ Khê, du khách có thể đi tham quan rừng dừa nước và đến với rừng dừa xiêm. Đây là những thế mạnh về du lịch, dịch vụ, nên chính quyền sẽ đề xuất và có hướng phát triển mang tính bền vững để người dân hưởng lợi”, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Nguyễn Chí Cường cho hay.
Định hướng phát triển
Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các cấp luôn khuyến khích nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Do đó, việc kêu gọi đầu tư, hỗ trợ của các công ty, doanh nghiệp là điều mà các địa phương đang hướng đến và có định hướng phát triển rõ ràng. Chính vì thế, khi hai địa phương Bình Phước và Tịnh Khê lên ý tưởng hình thành chuỗi liên kết về mô hình du lịch sinh thái cộng đồng từ các mô hình nông nghiệp đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các cấp và doanh nghiệp.
Du khách tham quan khu vườn cây ăn quả ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành). Ảnh: T.L
“Với nhiều lợi thế, một khi mô hình du lịch sinh thái được triển khai sẽ kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển và người dân sẽ hưởng lợi rất nhiều. Chúng tôi luôn sát cánh cùng địa phương, người dân để hỗ trợ tốt nhất những gì người dân cần. Với những lợi thế có được, địa phương cần khai thác và tận dụng để phát triển. Tuy nhiên, điều quan trọng là địa phương cần kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp để dự án có quy mô và mang tính bền vững”, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2, Tiến sĩ Võ Thị Kim Sa gợi mở hướng phát triển cho các địa phương.
Mạnh Khoa
Nguồn: Báo Quảng Ngãi