Hoạt động của ngành

Miền Trung nỗ lực vượt khó, phục hồi tăng trưởng kinh tế

Cập nhật: 29/09/2020 08:26:00
Số lần đọc: 764
Sau gần 2 tháng hoành hành, dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng về kinh tế, nhất là kinh tế du lịch cho các tỉnh, thành phố gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.


Di tích cố đô Huế về đêm. (Ảnh: TTXVN)

Tuy vậy, với sự đồng hành, sẻ chia của cả nước, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19; đồng thời nỗ lực vượt khó, chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp phục hồi tăng trưởng, quyết tâm thực hiện mục tiêu “kép” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Thiệt hại nặng về kinh tế

Thành phố Đà Nẵng xác định du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng là một trong 5 mũi nhọn chính để phát triển kinh tế theo Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dịch bệnh bùng phát trở lại vào cuối tháng 7/2020 đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động du lịch làm sụt giảm mạnh về lượng khách và nhiều thị trường trọng điểm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu tăng trưởng về du lịch.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết hoạt động kinh doanh du lịch tại thành phố chịu tác động mạnh của dịch COVID-19.

Trên địa bàn thành phố có khoảng 260 khách sạn, căn hộ, biệt thự đang rao bán, chiếm khoảng 24% tổng số khách sạn (1.080 khách sạn).

Các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm nhân sự, cho nhân viên nghỉ dài hạn, một số đơn vị tạm dừng hoạt động.

Dự kiến năm 2020, ước thiệt hại tổng thu của cả ngành Du lịch thành phố Đà Nẵng khoảng 26 nghìn tỷ đồng; trong đó, ước tổng thiệt hại (trực tiếp) tại các doanh nghiệp lữ hành khoảng 659 tỷ đồng; tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.800 tỷ đồng; tại doanh nghiệp vận chuyển du lịch khoảng 518 tỷ đồng và các khu, điểm du lịch khoảng 827 tỷ đồng.

Số lượng khách du lịch đến thành phố Đà Nẵng giảm mạnh, lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt hơn 1,9 triệu lượt, giảm 55,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong số đó, khách quốc tế đạt 644 nghìn lượt (khách còn lưu lại từ nhiều tháng trước), giảm 60,3%; khách nội địa đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 53,5%. Doanh thu dịch vụ lưu trú đạt gần 2.444 tỷ đồng, giảm 47,8%.

Tại “chấm son” Quảng Nam, dịch COVID-19 đã khiến du lịch ảnh hưởng nghiêm trọng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 1.453.700 lượt khách, giảm 75,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh thu từ tham quan, lưu trú 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.050 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập xã hội từ du lịch trong 9 tháng đầu năm 2020 chỉ ước đạt 2.468 tỷ đồng.

Dịch bệnh COVID-19 cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến du lịch Quảng Ngãi. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Phương Hoa cho hay, so với năm 2019, tổng doanh thu từ du lịch năm 2020 chỉ ước đạt 408 tỷ đồng, giảm 58%; tổng lượng khách ước đạt 384.000 người, giảm 60%.

Đến nay, 5/22 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành thông báo dừng hoạt động. Đây là một năm đầy khăn với du lịch Quảng Ngãi.

Vượt khó để phục hồi tăng trưởng

Với nhiều nỗ lực, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19. Tuy nhiên, thiệt hại mà dịch gây ra vô cùng nặng nề.

Với tinh thần chịu thương chịu khó, phát huy tối đa trí tuệ, nguồn lực, các địa phương trong khu vực đang triển khai kế hoạch đẩy mạnh khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội.

Là trung tâm du lịch miền Trung, Thừa Thiên-Huế đang triển khai các giải pháp kích cầu du lịch. Theo nhận định của lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong bối cảnh bình thường mới hiện nay, khi lượng khách du lịch quốc tế và nội địa chưa thể phục hồi ngay, các đơn vị làm du lịch ở Thừa Thiên-Huế đang hướng tới phục vụ chính người dân trong tỉnh, nhất là loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng và du lịch khám phá.

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết du lịch tại chỗ đang là một xu hướng được nhiều doanh nghiệp trong tỉnh áp dụng phù hợp với bối cảnh mới, hướng đến người dân địa phương, khám phá, trải nghiệm ngay tại vùng đất mình đang sống, với thời gian di chuyển ngắn, chi phí hợp lý.

Cụ thể, nếu bạn đang ở thành phố Huế, có thể lựa chọn một kỳ nghỉ vào dịp cuối tuần cùng gia đình ở huyện miền núi A Lưới, Nam Đông, hoặc chọn một gói nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe kết hợp với ẩm thực tại khu suối nước khoáng nóng Thanh Tân.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Đinh Mạnh Thắng, tác động của hai đợt dịch COVID-19 đối với ngành du lịch trong năm nay rất nặng nề.

Để ngành này dần phục hồi, tạo đà cho những bước phát triển mới, Chính phủ cần có những hỗ trợ, tiếp sức mạnh mẽ hơn nữa cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch như giảm tiền cho thuê đất, giảm thuế, tiền phí nước, điện… qua đó đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ chia sẻ ngay khi dịch COVID-19 được khống chế, cuộc sống thích nghi với trạng thái bình thường mới, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã mở cửa đón khách.

Trước đó, trong thời gian tạm đóng cửa vì dịch, Khu du lịch Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã tập trung sắp xếp lại các hiện vật trưng bày để vừa bảo quản tốt hơn, vừa tạo hứng thú hơn cho khách tham quan.

Mặt khác, các loại hình dịch vụ trong khu du lịch này từ khâu đưa đón khách, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễu Chăm Pa, hướng dẫn viên đều được đầu tư nâng cao chất lượng.

Tuy lượng khách vẫn còn khiêm tốn nhưng việc mở cửa trở lại của Mỹ Sơn nói riêng và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói chung là cần thiết để kích hoạt du lịch sau thời gian gián đoạn và tạo tiền đề để du lịch lấy lại đà tăng trưởng của mình.

Dự kiến, đến giữa năm 2021, khách du lịch đến Việt Nam sẽ tăng trở lại vì lúc đó vaccine tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 khả năng đã phổ biến, du khách quốc tế đến Việt Nam sẽ an toàn hơn.

Đối với thành phố biển Đà Nẵng, theo nhận định của một số chuyên gia, hiện vẫn còn tâm lý e ngại lây nhiễm dịch bệnh của du khách.

Đây là rào cản lớn ngay cả khi dịch được kiểm soát lần thứ hai và là thách thức lớn đối với ngành Du lịch Đà Nẵng, đòi hỏi sự thận trọng trong việc đưa ra các chương trình, kế hoạch kích cầu du lịch thời gian tới.

Nhằm khắc phục tâm lý e ngại này của du khách và khôi phục hoạt động du lịch trở lại, Sở Du lịch Đà Nẵng đang triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc; xây dựng các kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, định hướng tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch trong tình hình mới, vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa khai thác kinh doanh hiệu quả; đưa ra các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của khách du lịch đang thay đổi sau đợt dịch.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Đà Nẵng là điểm đến an toàn, đủ khả năng chăm sóc sức khỏe, y tế cho du khách, nhất là điều trị dịch bệnh cho cộng đồng thông qua các kênh truyền thông, mạng internet.

Cùng với đó, Sở Du lịch Đà Nẵng triển khai chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2021 để khôi phục hoạt động kinh doanh, tái thiết lập các thị trường khách du lịch, tập trung thu hút khách nội địa.

Sở cũng tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng xem xét, đăng cai tổ chức một số lễ hội, sự kiện, hội nghị tầm quốc gia và quốc tế trong năm 2021 để kết hợp xúc tiến du lịch trở lại.

Sở Du lịch Đà Nẵng nghiên cứu triển khai giải pháp công nghệ du lịch thông minh như Công nghệ thực tế ảo VR360, chương trình du lịch trực tuyến đang là xu hướng của thế giới; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tăng cường quảng bá trên các kênh truyền thông của Sở./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục