Sức hút của du lịch Quảng Ninh
Công viên Đại Dương Hạ Long.
Chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” chính là tiền đề để "đánh thức" ngành du lịch, dịch vụ, vốn trước đây chưa thực sự phát huy hết tiềm năng vốn có. Từ đây, tỉnh đã tìm tòi, thực thi nhiều chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện, ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng quy hoạch. Điển hình là Nghị quyết số 02-NQ/TU (ngày 5/2/2016) của Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình hành động số 15-CTr/TU (ngày 16/8/2017) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định số 1418/QĐ-UBND (ngày 4/7/2014) của UBND tỉnh về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Không gian phát triển du lịch được tỉnh mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản. Theo đó, đẩy mạnh chuyển dịch và mở rộng không gian du lịch từ khu vực Bãi Cháy về trung tâm TP Hạ Long; phát triển du lịch tại các địa bàn có tiềm năng: Uông Bí, Đông Triều, Móng Cái, Hải Hà, Vân Đồn, Cô Tô.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.
Tỉnh tái lập Sở Du lịch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Bằng nội lực cũng như thu hút đầu tư, nhiều công trình được khánh thành, đưa vào hoạt động, tạo thuận lợi cho du khách, là điểm nhấn cho du lịch Quảng Ninh. Hạ tầng du lịch có bước phát triển đột phá, ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, nâng cao chất lượng dịch vụ, như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long, Công viên Đại Dương, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC, Khu nghỉ dưỡng Yên Tử Legacy, Khu nghỉ dưỡng cao cấp suối khoáng nóng Quang Hanh..., đã khoác lên một tấm áo mới cho du lịch Quảng Ninh.
Các khu nghỉ dưỡng, các khách sạn cao cấp, không gian du lịch được mở rộng, các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng được nâng lên đã phát huy tiềm năng và lợi thế cho du lịch Quảng Ninh. Hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp từ 3 sao trở lên hiện có 7.587 phòng, tăng 68% so với năm 2015..., góp phần kéo dài thời gian trải nghiệm, lưu trú, tăng chi tiêu của du khách. Thời gian lưu trú năm 2015 là 1,8 ngày, đến năm 2019 là 2,74 ngày; mức chi tiêu: Năm 2015 là 1,5 triệu đồng/người/ngày, đến năm 2019 là 2,1 triệu đồng/người/ngày.
Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử.
Song song với đó, Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long được bảo tồn, phát huy giá trị với mô hình quản lý mới gắn trách nhiệm trực tiếp của UBND TP Hạ Long. Các di tích quốc gia đặc biệt và trên 600 di tích khác của tỉnh được quan tâm đầu tư, bảo tồn, phát huy bền vững giá trị gắn với phát triển du lịch.
Nhờ những cú huých cho ngành “công nghiệp không khói”, du lịch Quảng Ninh đang vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển hàng đầu trong nước và khu vực. Mặc dù năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, song lượng du khách đến tỉnh 5 năm ước đạt 53 triệu lượt (khách quốc tế 19,3 triệu lượt), tăng bình quân 1,7%/năm; khách nội địa tăng bình quân 9,5%/năm; doanh thu du lịch tăng bình quân 11,9%/năm; du lịch đóng góp khoảng 7,1% tổng thu ngân sách nội địa (giai đoạn 2011- 2015 chiếm 5,1%). Nguồn nhân lực ở khu vực dịch vụ, du lịch tăng từ 36,7% (năm 2015) lên 41,9% (năm 2020). Quảng Ninh, Hạ Long trở thành điểm đến có uy tín cho các sự kiện cấp quốc gia, quốc tế.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Cùng với đó, thương mại phát triển tích cực, hình thành tương đối đồng bộ hệ thống các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại; hoạt động xuất, nhập khẩu tại khu vực biên giới chuyển dần từ tiểu ngạch sang chính ngạch; bước đầu hình thành thương mại điện tử. Dịch vụ vận tải, cảng biển và hậu cần cảng biển có bước phát triển mới; ưu tiên quy hoạch quỹ đất phát triển dịch vụ logistics. Dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển, bảo đảm an toàn, hiệu quả, ứng dụng công nghệ hiện đại; cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực, tập trung vốn cho khu vực sản xuất, kinh doanh, ưu tiên lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh dịch vụ, du lịch của tỉnh, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, khẳng định: Những năm qua, Quảng Ninh đã thực sự trở thành điểm sáng du lịch không chỉ của Việt Nam, mà còn trên bản đồ quốc tế. Những thành công đó không chỉ đến từ những lợi thế tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, mà đặc biệt từ những quyết tâm trách nhiệm, tâm huyết rất cao của lãnh đạo tỉnh cũng như hệ thống chính trị, đã tạo nên môi trường đầu tư thông thoáng minh bạch, chuyên nghiệp cùng với hệ thống quy hoạch bài bản và sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, du lịch. Tất cả những yếu tố đó đã tạo ra sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh.
Điểm du lịch Mũi Sa Vĩ (TP Móng Cái).
Với chủ trương đúng đắn, cách làm sáng tạo mang tính chất “đột phá” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, ngành “công nghiệp không khói” của Quảng Ninh không ngừng tăng trưởng, vươn ra thế giới, hứa hẹn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước trong tương lai.
Thanh Hằng