Hoạt động của ngành

Hạ Lang (Cao Bằng) phát triển thương mại, dịch vụ gắn với du lịch

Cập nhật: 29/09/2020 08:31:29
Số lần đọc: 1307
Xác định thương mại, dịch vụ (TMDV) gắn với khai thác tiềm năng du lịch là thế mạnh thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, huyện Hạ Lang (tỉnh Cao Bằng) đầu tư hạ tầng cơ sở, có nhiều chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh về thủ tục vay vốn, thủ tục hành chính…, khuyến khích nhân dân giao lưu, trao đổi hàng hóa, phát triển đa dạng các ngành nghề dịch vụ, góp phần tăng thu ngân sách, nâng cao đời sống nhân dân.

Lễ hội chùa Sùng Phúc, thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang) thu hút khách du lịch đến tham quan.

Để khuyến khích phát triển TMDV gắn với khai thác tiềm năng du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Chương trình số 08-CTr/HU ngày 29/1/2016 về phát triển TMDV gắn với khai thác tiềm năng du lịch của địa phương. Ngay sau khi ban hành, Chương trình đã được các chi, đảng bộ tổ chức quán triệt nội dung, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; hằng năm đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể để lãnh đạo công tác phát triển TMDV - du lịch trên địa bàn.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, hoạt động TMDV gắn với khai thác tiềm năng du lịch có bước phát triển rõ rệt. Hiện nay, huyện có 514 hộ tham gia kinh doanh cố định cùng nhiều hộ kinh doanh vãng lai, mùa vụ như: xây dựng dân dụng, vật liệu xây dựng, chế biến kinh doanh nông, lâm sản, các mặt hàng thiết yếu, hàng chính sách đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, góp phần điều tiết lưu thông và ổn định thị trường.

Các hội chợ xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh, qua đó các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có dịp giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy các quan hệ thương mại trong và ngoài tỉnh. Giá trị TMDV tăng bình quân 136 tỷ 640 triệu đồng/năm.

Sự phát triển đa dạng các ngành nghề kinh doanh, TMDV góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/năm. Nhiều hộ, doanh nghiệp năng động trong việc phát triển TMDV đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động tại địa phương. Bà Nông Thị Ỏng, tiểu thương buôn bán tại chợ trung tâm huyện cho biết: Trong thời gian kinh doanh ở đây tôi được chính quyền địa phương, Ban Quản lý chợ tạo điều kiện rất tốt. Nhờ vậy hoạt động kinh doanh của gia đình ổn định hơn.

Huyện đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: Trụ sở làm việc UBND 2 xã Vinh Quý, Đức Quang; đường liên xã Vinh Quý - Cô Ngân; Trường Mầm non Thị Hoa; chủ động xin UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Thanh Nhật giai đoạn 2019 - 2035; triển khai dự án quy hoạch phát triển quỹ đất, phân lô nhà ở khu chợ trung tâm thị trấn Thanh Nhật và dự án phát triển quỹ đất, phân lô khu dân cư phía Bắc (xóm Nà Ến 2), thị trấn Thanh Nhật.

Tích cực phối hợp với các ngành của tỉnh để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường tỉnh 207 đoạn Hạ Lang - Quảng Hòa; đường tỉnh 208 đoạn Phục Hòa (Quảng Hòa) - An Lạc, Cô Ngân (Hạ Lang); đường từ thác Bản Giốc (Trùng Khánh) - Khu danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Động Dơi, xã Đồng Loan (Hạ Lang); đầu tư, nâng cấp Cửa khẩu Lý Vạn thành cửa khẩu quốc gia theo quy hoạch.

Đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, giao thông, các hạng mục công trình cửa khẩu, các tuyến đường ra vào khu vực biên giới. Tập trung tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về lợi thế thương mại, kinh tế cửa khẩu và tiềm năng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thương mại cửa khẩu và khai thác dịch vụ du lịch tại địa phương. Tăng cường hợp tác hữu nghị với nhân dân 2 huyện Long Châu, Đại Tân (Quảng Tây, Trung Quốc) về hợp tác phát triển kinh tế cửa khẩu TMDV.  

Các hoạt động kinh doanh, buôn bán đã đóng góp tích cực vào tăng thu ngân sách của địa phương, thu ngân sách bình quân hằng năm tăng 23,7%; giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 8 tỷ 436 triệu đồng/năm, mở ra cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Bí thư Huyện ủy Hạ Lang Đoàn Quốc Chính cho biết: Thời gian tới, Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tạo môi trường thông thoáng cho các thành phần kinh tế hoạt động phát triển. Tạo điều kiện và khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, du lịch, tiếp tục đầu tư và kêu gọi đầu tư mở rộng hạ tầng cơ sở để khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn...

 
Ngọc Dung
Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục