Rong ruổi xứ “3 đèo, 4 động” ở Bình Định
Xã Cát Hải, huyện Phù Cát nơi nổi tiếng là xứ “3 đèo, 4 động” được thiên nhiên ban cho nhiều cảnh đẹp là điểm đến đáng để bạn trải nghiệm.
Theo người dân địa phương, Cát Hải được mệnh danh là vùng đất “3 đèo, 4 động” là bởi xưa kia việc đi lại ở đây rất cách trở, phải vượt qua các đèo cao, đá núi lởm chởm, rồi phải đi qua nhiều vùng cát vun thành gò. Nhưng giờ đây, vùng đất Cát Hải đã “lột xác” trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn.
Biển Cát Hải đầy sức quyến rũ du khách. Ảnh: Ngọc Nhuận
Dọc theo tuyến đường ven biển ĐT 639 được mở rộng, trải nhựa phẳng phiu, về Cát Hải, bạn sẽ cảm nhận được sự yên bình, thư giãn trong những ngày sắp bước vào mùa nắng. Nơi đầu tiên khi đến Cát Hải là làng chài Vĩnh Hội với địa thế sau lưng núi cao, trước mặt biển cả, hai dãy đèo Tân Thanh, Chánh Oai như hình cánh cung bao lấy ngôi làng. Thôn Vĩnh Hội là quê gốc của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Đã đến Vĩnh Hội ai cũng muốn ghé đền thờ Nguyễn Trung Trực để thắp nén nhang tỏ lòng tri ân vị anh hùng với hào khí yêu nước lưu truyền mãi đến muôn đời sau. Trước đền thờ Nguyễn Trung Trực là bãi biển xanh mát, cát vàng óng ánh đầy quyến rũ, hai đầu bãi biển là những gành đá với nhiều gộp đá đẹp để du khách thỏa sức dạo chơi, check-in.
Du khách ghé tham quan đền thờ Nguyễn Trung Trực. Ảnh: Ngọc Nhuận
Cách bãi biển Vĩnh Hội không xa, nhìn về phía đỉnh núi sẽ thấy gộp đá hòn Vọng Phu với hai khối đá, một cao, một thấp trông tựa hình người đàn bà tay dắt con đứng ngóng nhìn ra khơi xa. Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) chép về hòn Vọng Phu ở Vĩnh Hội như sau: “Núi Bà ở phía Đông Nam huyện Phù Cát, có tên nữa là Phô Chinh. Thế núi cao dốc hùng vĩ, đỉnh núi có phiến đá lớn, bằng phẳng như cái mâm; chân núi có khối đá sừng sững như hình người, dân địa phương lập đền thờ, đảo vũ thường linh nghiệm”.
Dưới chân núi Vĩnh Hội là di tích lịch sử cấp tỉnh Hang Động với hệ thống hang động nằm ở phía Đông của Núi Bà hình thành từ những khối đá hoa cương tạo nên nhiều gộp đá, hang động sâu từ 10 - 15 m, tại đây là nơi ghi dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân địa phương và tỉnh Bình Định.
Rời Vĩnh Hội đến thôn Chánh Oai, bạn ghé đến chùa Ông Đá (Thiên Bửu Thạch Tự)- một ngôi chùa mang nhiều nét giống chùa Hang (xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ) sẽ thấy hấp dẫn trong chuyến du lịch trải nghiệm Cát Hải của mình.
Chùa Ông Đá (Thiên Bửu Thạch Tự) nằm trên núi cao, khung cảnh yên tĩnh. Ảnh: Ngọc Nhuận
Đường lên chùa Ông Đá cũng là một trải nghiệm thú vị với bạn khi vượt xe qua con đường dốc ngoằn ngoèo dài gần 3 km dẫn lên đỉnh núi. Đường lên chùa vượt dốc cao nhưng được đúc bê tông nên cũng giúp bạn di chuyển thuận tiện hơn, hai bên đường rợp bóng mát những tán cây cổ thụ. Đến nay chùa Ông Đá vẫn giữ được nét nguyên sơ trong thế tọa sơn, khung cảnh rất đỗi yên bình. Nét nổi bật của chùa Ông Đá là một hang đá tự nhiên rất rộng với nhiều khối đá xếp chồng tạo thành mái vòm - đây là chánh điện thờ Phật trang nghiêm của chùa. Tương truyền, xưa kia trên hang đá này có vị cao tăng ở tu hành và thường cứu chữa bệnh cho người dân địa phương bằng thuốc Nam, rồi sau đó vị này ẩn thân, không rõ đi đâu. Chùa Ông Đá cũng là nơi trú ẩn của quân dân Phù Cát cùng một số xã của huyện Tuy Phước trong những năm gian khổ kháng chiến chống Mỹ.
Từ thôn Chánh Oai đến thôn Tân Thắng, du khách có thể tham quan bên hồ Tân Thắng. Hồ Tân Thắng là một hồ thủy lợi nhỏ nằm sát chân núi với những con suối đẹp, những hàng cây cổ thụ vươn cao che bóng mát rất thích hợp cho các hoạt động dã ngoại, cắm trại. Trong lòng hồ còn có những lồng bè nuôi cá nước ngọt của người dân địa phương, du khách cũng có thể tìm hiểu nghề nuôi cá trong lòng hồ.
Chiều về, dừng chân ghé xuống ruộng để xem nông dân địa phương thu hoạch củ hành, đậu phụng, giữa mùa xanh của ruộng đồng, những nụ cười hồn hậu của nông dân được mùa nông sản, du khách sẽ hiểu thêm cuộc sống bà con địa phương trong chuyến rong chơi về Cát Hải…
Đoàn Ngọc Nhuận
Nguồn: Báo Bình Định - baobinhdinh.vn - Đăng ngày 12/03/2022