Hành trang lữ khách

Sa Pa - Để giữ mãi sức hấp dẫn của “Thành phố trong sương”

Cập nhật: 04/02/2020 14:23:06
Số lần đọc: 1120
Sau hơn 100 năm được người Pháp khai phá, Sa Pa ngày nay là một trong những điểm đến thu hút khách nước ngoài nhất tại Việt Nam. Trong mắt du khách quốc tế, Sapa được biết đến với hình ảnh của một thành phố cổ kính ngập tràn sương mờ và cung đường đi bộ qua ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ.


Một góc Sa Pa. (Ảnh: Nghiêm Đạt/Vietnam+)

Thời gian gần đây, việc xây dựng ồ ạt thiếu kiểm soát và nạn chèo kéo đã khiến không ít du khách đến Sa Pa hụt hẫng, thất vọng. Dù vậy, nhiều du khách vẫn đánh giá Sa Pa là địa điểm trải nghiệm độc đáo và cho rằng nếu đừng lạm dụng vào kinh tế du lịch quá đà, Sa Pa sẽ tuyệt vời hơn.

Sa Pa - thành phố trong sương

Theo sử sách, Sa Pa xưa vốn gọi là Hùng Hồ, nghĩa là Suối Đỏ. Thực dân Pháp đánh Lào Cai vào tháng 3/1886 và chiếm Sa Pa vào tháng 11. Sau khi chiếm được Hùng Hồ, cảm nhận được khí hậu tuyệt vời của mảnh đất này, Pháp tập trung xây dựng và biến nơi đây thành khu nghỉ mát lý tưởng dành cho du lịch trong những tháng hè nóng nực.

Phong cảnh thiên nhiên của Sa Pa được kết hợp với sức sáng tạo của con người cùng với địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng, như bức tranh có sự sắp xếp theo một bố cục hài hoà tạo nên một vùng có nhiều cảnh sắc thơ mộng hấp dẫn.

Chìm trong làn mây bồng bềnh thị trấn Sa Pa như một thành phố trong sương huyền ảo. Nơi đây, có thứ tài nguyên vô giá đó là khí hậu trong lành mát mẻ, mang nhiều sắc thái đa dạng. Nằm ở độ cao trung bình 1500-1800m, nên khí hậu Sa Pa ít nhiều lại mang sắc thái của xứ ôn đới, với nhiệt độ trung bình 15-18°C. Từ tháng 5 đến tháng 8 có mưa nhiều.

Đến với Sa Pa mùa lạnh bạn sẽ có cơ may được ngắm tuyết rơi đẹp như châu Âu trong sương mù, tạo nên phong cảnh tuyệt mỹ như tranh thủy mặc.

Sa Pa mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm bởi mây núi, sương mù tạo nên khung cảnh đẹp tới nao lòng mà ít nơi nào ở Việt Nam có được.

Tháng Tư, tháng Năm, là thời điểm đồng bào dân tộc thiểu số cấy lúa trên những thửa ruộng bậc thang. Và đây cũng là mùa nở của rất nhiều loài hoa đẹp. Tất cả hòa quyện tạo thành một bức tranh đầy màu sắc. Mùa hè, Sa Pa cũng là địa điểm lý tưởng để trốn tránh nắng nóng oi ả.

Tháng Chín và tháng Mười là mùa lúa chín, khi ấy thì khắp mọi góc nhìn Sa Pa đều rực vàng. Vào khoảng thời gian này, Sa Pa như khoác lên mình màu áo mới - màu vàng óng trên khắp những quả đồi.

Sự biến hóa kỳ ảo của thiên nhiên, khí hậu ở Sa Pa hòa cùng bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của đồng bào vùng cao Tây Bắc đủ sức mê hoặc lòng người.

Những điểm đến hấp dẫn

Khám phá Sa Pa, du khách không nên bỏ qua cơ hội chinh phục “nóc nhà Đông Dương.”

Fansipan là ngọn núi cao nhất của bán đảo Đông Dương (3.143 m), nằm ở trung tâm dãy Hoàng Liên Sơn. Tuy chỉ cách thị trấn Sapa 9 km về phía Tây Nam, nhưng nếu đi bộ, leo núi bạn phải mất 6 đến 7 ngày mới chinh phục được đỉnh núi này. Hiện nay, rất nhiều nhà leo núi cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư tìm đường chinh phục đỉnh Fansipan.

Nếu không phải là người mạo hiểm, bạn có thể sử dụng hệ thống cáp treo Fansipan. Trên đường lên đỉnh núi, du khách sẽ được khám phá hệ động thực vật và thiên nhiên kỳ thú của dãy Hoàng Liên.

Tại đó có rất nhiều cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý, các loại gỗ quý, chim thú như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương, các loài chim…

Ngay sát thị trấn Sa Pa, du khách có thể đi bộ lên Núi Hàm Rồng. Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng, bạn được ngắm toàn cảnh Sapa, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Hiện nay, với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sa Pa. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.

Ngay trung tâm thị trấn Sa Pa là nhà thờ Đá được xây dựng từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến thị trấn Sa Pa mù sương.

Ngoài dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp, Sa Pa còn thu hút du khách bởi thung lũng Mường Hoa với ruộng bậc thang uốn lượn, bản Cát Cát của người Mông, Tả Phìn của người Dao Đỏ hay Cổng trời, Thác Bạc.

Thung lũng Mường Hoa thuộc xã Hầu Thào, cách thị trấn Sa Pa khoảng 8km về phía Đông Nam. Từ thị trấn Sa Pa, vượt qua một con đèo men theo dãy núi cao (có trạm thu phí 80.000 VND/người), bạn sẽ đến thung lũng Mường Hoa. Điều đặc biệt tại thung lũng này là bãi đá cổ có khắc nhiều hình khác nhau, nằm xen giữa cỏ cây và những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc. Hàng trăm tảng đá sa thạch có khắc những hình vẽ, những ký tự kỳ lạ đến nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc và ý nghĩa.

Ngày nay, khu chạm khắc cổ này đã được xếp hạng di tích quốc gia, là di sản độc đáo của người Việt cổ. Tại thung lũng Mường Hoa còn có con suối nhỏ xinh đẹp trải dài khoảng 15 km, qua các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào và kết thúc ở Bản Hồ.

Sa Pa còn là “vương quốc” của hoa trái, như đào hoa, đào vàng to, đào vàng nhỏ, mận hậu, mận tím, mận tam hoa, hoa lay ơn, hoa mận, hoa lê, hoa đào, hoa cúc, hoa hồng … đặc biệt là những bông hoa bất tử sống mãi với thời gian.

Bảo tồn sức hút của Sa Pa

Sa Pa đẹp một cách kỳ diệu và là một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Tuy nhiên, việc xây dựng tràn lan đang biến thị trấn cổ kính hòa mình với thiên nhiên này trở thành đại công trường.

Việc quy hoạch hợp lý, tránh dung nạp quá nhiều công trình kiến trúc nhân tạo bất đối xứng và giữ gìn nét đẹp tự nhiên, hoang dã của Sa Pa là điều các nhà quản lý tại Sa Pa đang tập trung giải quyết.

Theo Nghị Quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/1/2020, huyện Sa Pa sẽ được nâng cấp lên thành thị xã Sa Pa, thuộc tỉnh Lào Cai.

Tới đây, Lào Cai sẽ có sân bay Sa Pa để “mở cửa” bầu trời, đưa du khách từ khắp mọi miền đất nước dễ dàng đến thành phố mờ sương.

Hạ tầng giao thông đang được đầu tư rất lớn, tuyến cao tốc nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai đến Sa Pa trị giá trên 2.500 tỷ đồng sẽ sớm hoàn thành (dự kiến năm 2020), xóa bỏ mọi rào cản về giao thông để đón du khách đến Sa Pa nhanh chóng, thuận tiện.

Cú hích hạ tầng sân bay sẽ đưa ngành du lịch Sa Pa phát triển nhanh hơn nữa, hướng tới mục tiêu đạt 8 triệu lượt khách vào năm 2030.

Làm thế nào để du khách ở lại lâu hơn thay vì thất vọng và rời đi sớm, làm thế nào để khách du lịch thế giới chia sẻ những câu chuyện thú vị về nơi đây chính là bài toán đang được đặt ra cho các nhà quản lý ở Sa Pa./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục