Hoạt động của ngành

Tạo sức bật cho du lịch Lâm Hà (Lâm Đồng)

Cập nhật: 27/08/2020 14:52:35
Số lần đọc: 1916
Hơn 30 dân tộc sống đan xen giữa vùng địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa, hệ sinh thái tự nhiên phong phú, cùng nhiều tài nguyên đa dạng về lịch sử, văn hóa bản địa giúp Lâm Hà có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong những năm qua, ngành du lịch - dịch vụ của huyện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh hiện có.

 


Khu du lịch canh nông Long Đỉnh với các hoạt động tham quan mô hình trồng trọt, sản xuất, thu hoạch, chế biến chè, thưởng thức nước uống, thức ăn được chế biến từ chè

Vùng đất nhiều tiềm năng

Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, nhận thức rõ du lịch là một trong những ngành kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế, trong thời gian qua, huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến phát triển du lịch. Bởi Lâm Hà sở hữu khí hậu ôn hòa mát mẻ, độ ẩm cao, thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Địa hình chia cắt mạnh tạo nên nhiều thắng cảnh thiên nhiên, thuận lợi phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng. Tài nguyên đất đai với nhiều vùng có thổ nhưỡng thích hợp phát triển nhiều loại cây trồng, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông. 

Đặc biệt, giai đoạn 2017 - 2020, địa phương đã thực hiện thí điểm các mô hình du lịch nông nghiệp - mô hình du lịch thế mạnh của huyện. Hoạt động du lịch nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân, gia đình quan tâm đầu tư, kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, du lịch,... tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình du lịch nông nghiệp phát triển.

Sau hơn 30 năm thành lập, nơi đây thu hút hơn 30 dân tộc sống đan xen, trong đó có dân tộc K’Ho, Mạ là dân tộc gốc Tây Nguyên. Mỗi dân tộc có truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán khác nhau, tạo nên sự đa dạng với các lễ hội như: Lễ cúng hồn lúa (LeYangTuýtCoi), Lễ cúng cơm mới (LirBôông), Lễ hội mang lúa về kho... và văn hóa nghệ thuật dân gian cũng từ đó mà phong phú. Cồng chiêng, các loại khèn cùng với các làn điệu dân ca, điệu nhảy, điệu múa nhẹ nhàng uyển chuyển; tư liệu sinh hoạt truyền thống ngoài những dụng cụ sản xuất còn có ché, nồi đồng và nhiều nghề thủ công, phổ biến nhất là dệt thổ cẩm để mặc và trao đổi, đan lát đồ mây tre, cói và chế tạo nông cụ sản xuất… đã tạo nên cộng đồng dân tộc bản địa đặc sắc.

Hiện nay, trên địa bàn huyện đang hình thành các sản phẩm du lịch, cụm du lịch và các tuyến du lịch. Cụ thể: Du lịch tham quan tại Khu Du lịch Thác Voi, Chùa Linh Ẩn; du lịch nông nghiệp với sản phẩm du lịch tham quan mô hình trồng trọt, sản xuất, thu hoạch, chế biến chè, thưởng thức nước uống, thức ăn được chế biến từ chè ở Công ty Cổ phần Long Đỉnh; tham quan tìm hiểu mô hình nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa tại Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất Tơ lụa và Dịch vụ Du lịch Cường Hoàn (thị trấn Nam Ban), hay tham quan, tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc cà phê chồn và thưởng thức cà phê chồn. Đó còn là du lịch thể thao mạo hiểm: chèo thuyền vượt ghềnh thác trên sông Đạ Đờn, đạp xe đạp theo tuyến du lịch Tà Nung - Nam Ban. Du lịch làng nghề tại Làng nghề dệt thổ cẩm (xã Đạ Đờn) và 2 Làng nghề dâu tằm tơ (thị trấn Nam Ban),...

Ngoài ra, còn có các mô hình du lịch canh nông đang hoàn thiện và có tiềm năng phát triển trở thành mô hình du lịch canh nông trong thời gian tới, đó là: Cơ sở ươm tơ Huy Liên (thị trấn Nam Ban) với sản phẩm du lịch tham quan tìm hiểu trải nghiệm quy trình hái dâu, cho tằm ăn và ươm tơ; Công ty TNHH thu mua, chế biến cà phê Tám Trình và Công ty TNHH thu mua, chế biến cà phê Phước Sơn (xã Gia Lâm): tổ chức tham quan và tìm hiểu quy trình thu mua và chế biến cà phê,...

Chú trọng thu hút nguồn lực đầu tư

Theo đánh giá, trong giai đoạn 2017 - 2020, việc manh nha hình thành các khu, điểm du lịch canh nông, du lịch thể thao mạo hiểm đã góp phần thu hút khách đến Lâm Hà, đạt tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân hàng năm 11,3%. Tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng của huyện là 26.500 lượt, riêng trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên khách du lịch đến Lâm Hà dự báo giảm 13,3% so với năm 2019.

Toàn huyện hiện có 33 cơ sở lưu trú du lịch với 376 phòng. Các cơ sở lưu trú có quy mô nhỏ (nhà nghỉ và nhà ở có phòng cho thuê), chủ yếu phục vụ đối tượng khách công vụ. Nguồn lao động du lịch phục vụ tại các đơn vị này chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là ngoại ngữ,... ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ khách. Tổng số lao động phục vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch Lâm Hà đến nay là 142 người, trong đó lao động trực tiếp 40 người, lao động gián tiếp 102 người, lao động qua đào tạo 26 người, đạt tỷ lệ 30%, chủ yếu là qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn. 

Khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện chủ yếu do các công ty trên địa bàn thành phố Đà Lạt đưa tới và khách lẻ theo hình thức tự túc. Nổi bật có 2 đơn vị - 2 điểm du lịch canh nông được UBND tỉnh công nhận là Công ty Cổ phần Long Đỉnh và Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất Tơ lụa và Dịch vụ Du lịch Cường Hoàn đang phát triển mạnh tại địa phương. Mỗi đơn vị thu hút khoảng trên 10.000 lượt khách đến tham quan. 

Tuy nhiên, theo ông Đinh Đức Chí, hiện nay lượng khách đến Lâm Hà vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp so với một số địa phương khác trong tỉnh. 3 năm thực hiện thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020 chính là những tiền đề để tới đây, “Đề án phát triển du lịch Lâm Hà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được triển khai, với mục đích khai thác hết tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Từ đó, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch của huyện một cách hiệu quả và bền vững, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống Nhân dân. 

“Rất khó để trong thời gian ngắn mà tạo được sự đột biến cho sự phát triển của du lịch trên địa bàn. Thế nhưng, từ những điểm nhỏ, mô hình thí điểm đang hình thành mà các tour, tuyến cố định, gắn với phát triển du lịch mở rộng từ thành phố Đà Lạt sẽ được hoàn thiện dần trong tương lai. Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, gần gũi với thiên nhiên tại Lâm Hà là rất lớn, tuy nhiên, việc định hình cho các loại hình chưa thực sự rõ nét, chưa nổi bật được những nét đặc trưng của địa phương. Hạn chế lớn nhất hiện tại được xác định là thiếu các nguồn đầu tư tiềm năng, thu hút đầu tư chưa thực sự xứng tầm”, ông Chí cho biết thêm.

Với mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế của Lâm Hà gắn với du lịch tỉnh Lâm Đồng, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch làng nghề, du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, trong thời gian tới, huyện Lâm Hà xác định sẽ tăng cường các giải pháp quảng bá, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch làm nội dung trọng tâm hướng tới thị trường mục tiêu. Đầu tư ứng dụng công nghệ cao, khai thác tối ưu công nghệ thông tin vào công tác quảng bá xúc tiến du lịch. Tăng cường đầu tư xúc tiến quảng bá du lịch, nhất là tích cực tham gia các hội thảo, hội chợ quảng bá sản phẩm du lịch chung của tỉnh. Tiến hành xây dựng hoặc tham gia xây dựng và sản xuất các ấn phẩm, vật phẩm để tuyên truyền, quảng bá về du lịch. Đồng thời đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với không ngừng nâng cao chất lượng các loại dịch vụ phục vụ, trên cơ sở đi sâu khai thác và phát huy tối đa các lợi thế so sánh về du lịch sinh thái rừng, sông; những giá trị văn hóa, truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện để thu hút khách.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục