Thanh Hóa gắn du lịch cộng đồng với công tác bảo vệ rừng
Một góc bản Hang, xã Phú Lệ (Quan Hóa). Ảnh: Nguyễn Trường
Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông được thành lập từ năm 1999 theo Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 24-4-1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, với diện tích được giao quản lý là 17.171,03 ha, trong đó diện tích rừng đặc dụng là 16.982,6 ha nằm trên địa bàn 9 xã thuộc 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước.
Đây là một trong những khu bảo tồn có giá trị đa dạng sinh học tầm quốc gia và quốc tế. Qua các đợt điều tra, Khu BTTN Pù Luông có sự xuất hiện 1.542 loài thực vật; 908 loài động vật, trong đó có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm được xếp trong sách Đỏ Việt Nam và sách Đỏ thế giới. Khu BTTN Pù Luông không chỉ đa dạng về các loài động vật thực vật, hệ sinh thái mà còn hấp dẫn bởi cảnh quan mang đặc trưng của vùng Tây Bắc Việt Nam với những đồi, núi trùng điệp, ruộng bậc thang, các làng bản ven suối. Đặc biệt, nơi đây có thác nước bản Hiêu, hệ thống hang động kỳ thú mới được phát hiện và thắng cảnh làng, bản còn giữ nguyên bản sắc văn hoá Mường – Thái chưa bị pha trộn nhiều. Thiên nhiên đã ban tặng cho khu bảo tồn một nơi nghỉ mát lý tưởng Son – Bá - Mười thuộc xã Lũng Cao; cảnh quan hấp dẫn của rừng nguyên sinh trên núi đá vôi, hang Kho Mường huyền bí thuộc xã Thành Sơn (Bá Thước).
Với hệ sinh thái, động vật phong phú, đa dạng đó, Khu BTTN Pù Luông được xem là khu vực có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch cộng đồng cho những xã nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn. Nhằm phát huy được những giá trị của hệ sinh thái trong phát triển du lịch, thời gian qua, Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông đã, đang nỗ lực bảo tồn, duy trì, phát triển hệ sinh thái đa dạng trên. Nơi đây đã, đang trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách trong và ngoài nước, qua đó góp phần cải thiện đời sống người dân trong khu vực, đồng thời bảo tồn được hệ sinh thái độc đáo của khu bảo tồn.
Xã Phú Lệ nằm trong vùng lõi của Khu BTTN Pù Luông, có 418 hộ với 1.885 nhân khẩu, trong đó dân tộc Thái chiếm 98% dân số, còn lại là dân tộc Kinh và Mường. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Toàn xã có hơn 4.118,5 ha rừng, trong đó diện tích rừng được giao khoán bảo vệ là 2.216,4 ha. Từ khi được giao khoán bảo vệ rừng, mỗi hộ gia đình có thêm thu nhập hơn một triệu đồng/năm. Năm 2016, Khu BTTN Pù Luông bắt đầu hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo trong xã, giúp cải thiện đời sống của người dân, tránh phụ thuộc kinh tế nhiều vào rừng.
Cũng nhờ dự án phát triển du lịch cộng đồng liên núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương, vài năm trở lại đây bản Hang, xã Phú Lệ đã trở thành điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch sinh thái cộng đồng xứ Thanh, đặc biệt là với du khách nước ngoài ưa thưởng ngoạn và khám phá thiên nhiên. Ông Vi Thế Thiệp, Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Hang, cho biết: Mỗi năm có hàng trăm lượt khách quốc tế về với bản Hang. Phần lớn du khách rất ấn tượng và thích thú khi thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên và khám phá những nét văn hóa mang đậm sắc thái dân tộc. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà sàn truyền thống làm nơi ăn nghỉ, phục vụ khách tham quan, du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện tại, bản có 37/61 hộ gia đình có khả năng làm du lịch và đón khách; 6 hộ có lượng khách đến ổn định. Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, kinh tế của các hộ dân trong bản không ngừng được cải thiện. Nếu như trước năm 2003, khi bản chưa làm du lịch, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm hơn 50%. Thì đến thời điểm hiện tại, sau hơn 15 năm làm du lịch cộng đồng, kết hợp với những chính sách phát triển kinh tế chung của Nhà nước dành cho bà con, tỷ lệ hộ nghèo của bản đã giảm xuống dưới 10%; thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/năm. Đóng góp quan trọng của phát triển du lịch cộng đồng đó là giúp bà con giữ gìn được môi trường sống, cũng như việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy giá trị truyền thống văn hóa của địa phương. Hơn nữa là, bà con đã chú trọng trong công tác bảo vệ rừng, bởi giờ đây rừng chính là “cần câu cơm” của tất cả người dân trong bản. Hiện tại, độ che phủ rừng ở bản Hang lên đến 95%, đó là con số đáng tự hào của người dân trong bản.
Anh Hà Văn Mật, 28 tuổi, ở tại bản Hang, phấn khởi cho biết, anh làm cộng tác viên bảo vệ rừng ở đây đã được hơn mười năm. Ngoài công việc chính hàng ngày là chạy chợ và làm nông nghiệp, làm du lịch cộng đồng, anh còn giúp đỡ đắc lực cho lực lượng kiểm lâm trên địa bàn. Theo anh Mật, trước đây, tình trạng người dân vào rừng săn bắn, đốt than và chặt cây diễn ra thường xuyên, đến nay không còn tình trạng này nữa. Thời gian gần đây, khách du lịch về rất đông nên người dân càng có ý thức bảo vệ rừng, bởi bảo vệ rừng chính là bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan đẹp, từ đó sẽ thu hút được nhiều khách du lịch.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch cộng đồng ở Khu BTTN Pù Luông vẫn ở mức phát triển tự phát, chưa có quy hoạch và quản lý cụ thể nên lợi nhuận từ du lịch chưa được bao nhiêu. Hiện mới chỉ có bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước) với sự đầu tư của doanh nghiệp bước đầu đã trở thành khu nghỉ dưỡng được nhiều người biết đến với khu Puluong Retreat. Đây là khu du lịch được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của Việt Nam kết hợp với yếu tố hiện đại; chú trọng tới yếu tố thoải mái, đảm bảo không gian mát lành để du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên, thoải mái ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Còn lại các điểm du lịch cộng đồng khác như: Thác Hiêu, bản Hiêu, xã Cổ Lũng (Bá Thước), bản Hang, khu Cao Sơn (3 bản Son, Bá, Mười), xã Lũng Cao (Bá Thước),... vẫn chưa thật sự trở thành địa chỉ du lịch quen thuộc của du khách khi nhắc tới vùng cao xứ Thanh.
Để tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn, bảo vệ và khai thác Khu BTTN Pù Luông, ông Lê Đình Phương, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông cho rằng cần phải có kế hoạch khai thác hợp lý, đẩy mạnh tuyên truyền ở cộng đồng thông qua công việc thực tế hàng ngày của những người trực tiếp làm du lịch. Đồng thời, tuyên truyền tại các trường học, tổ chức các tiết học ngoại khóa cho học sinh trên địa bàn để nâng cao nhận thức, định hướng lâu dài cho các thế hệ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Khu BTTN Pù Luông. Mặt khác, trong tương lai, địa phương cần có một chiến lược phát triển du lịch phù hợp, có sự quản lý theo hệ thống để khai thác tốt, bền vững hơn, hài hòa giữa mục tiêu phát triển du lịch với mục tiêu bảo tồn thiên nhiên.