Thành phố Hà Giang phát huy thế mạnh ngành “công nghiệp không khói”
Vẻ đẹp bình yên của Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Hạ Thành, xã Phương Độ.
TPHG giữ vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và là vùng kinh tế động lực của tỉnh; đây cũng là cửa ngõ, điểm dừng chân của du khách khi đến Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn và các địa phương khác trong tỉnh; có cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, thơ mộng cùng nhiều bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo được lưu giữ, thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, khám phá, mạo hiểm, tâm linh… Với sức hút này, lượng khách đến với TPHG không ngừng tăng trong những năm qua. Năm 2020, lượng khách đến thành phố ước đạt trên 320 nghìn lượt (tăng 1,7 lần so với năm 2015); riêng quý I năm 2021, thành phố đón trên 32 nghìn lượt khách, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu từ du lịch ước đạt trên 22 tỷ đồng…
Những năm qua, việc cơ cấu lại ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế được TPHG đặc biệt quan tâm. Theo đó, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp quy hoạch phát triển du lịch. Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phân công cho các cơ quan, đơn vị liên quan, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu quy hoạch theo đúng tiến độ. Xây dựng các đề án, phương án, chương trình hành động về phát triển du lịch. Đơn cử việc quy hoạch TPHG phát triển trở thành thành phố dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, có môi trường sống hấp dẫn nơi địa đầu Tổ quốc; quy hoạch quỹ đất để khuyến khíc thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ; quy hoạch các tuyến phố văn minh; tập trung phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Trong đó, chú trọng phát triển các loại hình du lịch (du lịch cộng đồng, trải nghiệm, khám phá…), tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống (Lễ hội Bàn Vương, Lễ cấp sắc, Lẩu then…), phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương (chè Shan tuyết, Thảo quả, bánh Chưng gù).
Cùng với cơ cấu lại ngành Du lịch, TPHG tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Hạ tầng du lịch được chú trọng đầu tư, một số dự án trong lĩnh vực du lịch cơ bản đã hoàn thành và đi vào hoạt động tương đối hiệu quả, từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách. Hiện, thành phố có 25 điểm du lịch; 108 cơ sở khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách; 5 làng văn hóa du lịch cộng đồng; 91 homestay; 3 hợp tác xã kinh doanh dịch vụ du lịch; 6 công ty lữ hành; 19 cơ sở được gắn logo là đối tác chính thức của Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn.
Đi liền với các giải pháp trên, TPHG thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch. Thực hiện Nghị quyết 35/2016 của HĐND tỉnh, có 24 hộ kinh doanh dịch vụ homestay được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí 1,44 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố cũng chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng, nội dung và các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng du lịch; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia các hoạt động du lịch; từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch… Trong đó, thành phố đã biên soạn, xuất bản nhiều ấn phẩm về du lịch Hà Giang, tuyên truyền trực quan tại các khu vực công cộng và trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước, quản lý trong các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng…
Mặc dù ngành Du lịch của thành phố có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và còn một số hạn chế, như: Chưa định hướng, thu hút được các nhà đầu tư tạo các khu, điểm du lịch hấp dẫn, nhất là phát triển các khu vui chơi, giải trí để kéo dài thời gian lưu trú của du khách; chưa có nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, độc đáo; nguồn nhân lực du lịch chưa chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng; hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao; các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch còn ít; việc kết nối các tua, tuyến trong và ngoài tỉnh còn hạn chế…
Khắc phục những hạn chế trên, hiện nay, TPHG đang tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển du lịch; phát triển đa dạng các sản phẩm đặc sắc của địa phương; tăng cường hợp tác trong đầu tư du lịch; chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực dịch vụ, du lịch… Phấn đấu đến năm 2025, khách du lịch đến TPHG đạt trên 2,2 triệu lượt người, đem lại doanh thu trên 1,5 nghìn tỷ đồng./.