Thành phố Hồ Chí Minh: Đầu tư phát triển du lịch ở xã đảo Thạnh An
Ảnh minh họa (Internet)
Mặc dù giờ giấc quy định là vậy, nhưng vào ngày lễ, khách du lịch ra vào đông đúc nên tàu xuất bến liên tục. Thời gian lênh đênh trên biển không dài nhưng đủ để tận hưởng không khí trong lành, vị mặn ngai ngái của gió biển. Sau khi hỏi chuyện, tôi quyết định đi dạo quanh đảo vì người dân nói rằng chiều dài của đảo chừng 2km.
Đầu tiên, ấn tượng đập vào mắt là rác khắp nơi: tại bến tàu, những khu đất nằm hai bên đường đi chính của đảo, rồi nằm phía bên trong của bờ kè bao bọc đảo. Tiếp đó, mặc dù đảo rất nhỏ nhưng “mật độ” xe ôm khá dày. Người chạy xe ôm bám theo khách đi bộ, lôi kéo để vào những hàng quán nằm dọc theo bờ biển. Khổ nỗi, xe máy chạy liên tục nên xả khói thải ra đường, làm cho khách du lịch khó chịu, vì không được hít thở không khí biển trong lành.
Rồi những loại cá khô được bày phơi dọc theo hai bên đường, bối cảnh như vậy thật khó đảm bảo sạch sẽ. Tiếp đó là nhà vệ sinh công cộng tại bến tàu, 3 cái thì bị hư hỏng hết 2 cái. Ngay cả trên tàu ra, vào đảo, khách tiện tay cũng vứt luôn rác xuống biển!
Rõ ràng, với lợi thế riêng biệt của xã đảo Thạnh An, thành phố nên mạnh tay đầu tư để thu hút khách du lịch. Đầu tiên, cần sửa chữa tươm tất và làm thêm các công trình vệ sinh công cộng, quản lý sạch sẽ. Thứ hai, đối với xe gắn máy trên đảo nên vận động người dân chuyển sang xe điện. Đặc biệt, thành phố đang có đề án chuyển đổi sang xe điện nên ưu tiên cho xã đảo Thạnh An thực hiện đầu tiên. Tiếp đó, vận động người dân, khách du lịch bỏ rác đúng nơi quy định…
Tất cả những việc trên cần được đầu tư, triển khai bài bản, vận động người dân thực hiện nghiêm túc. Qua đó, xã đảo Thạnh An sẽ xanh sạch; chắc chắn sẽ mang lại nguồn thu từ du lịch lớn, phát triển bền vững cho địa phương.
Hoa Minh