Hoạt động của ngành

Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn

Cập nhật: 17/02/2023 10:16:12
Số lần đọc: 695
Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển mạnh mẽ, tăng tốc trong giai đoạn phục hồi sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Trong năm 2022, thành phố đã triển khai nhiều chương trình, sản phẩm mới nhằm tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và nước ngoài, trong đó nổi bật là chương trình "Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch" nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch phong phú.

Du khách trải nghiệm tour du lịch xe đạp "Ngày bình yên trên vùng Ðất thép" tại huyện Củ Chi.

Những sản phẩm "vừa quen vừa lạ"

Vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 vừa qua, tua "Biệt động Sài Gòn" đã thu hút khá nhiều du khách tham quan khi đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Trần Vũ Bình, "cha đẻ" của sản phẩm du lịch độc đáo này cho biết, mỗi ngày có khoảng từ 200 đến 300 khách du lịch tham gia tua, trong đó phần lớn là du khách nước ngoài. Sản phẩm du lịch "Biệt động Sài Gòn" đang được nhiều du khách yêu thích trong những năm gần đây, khi nó mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách về những điểm di tích lịch sử đáng tự hào của lực lượng Biệt động Sài Gòn năm xưa ngay tại lòng thành phố trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ông Trần Vũ Bình cho biết, ngày càng có nhiều du khách nước ngoài đặt vé trước nhiều tháng cho nên tua du lịch này luôn "sống" được, và nằm trong tốp 50 tua du lịch độc đáo mang tính trải nghiệm thú vị tại Việt Nam. Hiện nay có nhiều đơn vị lữ hành khai thác sản phẩm này với nhiều tên gọi khác nhau như: Theo Dấu chân Biệt động Sài Gòn, Ký ức Biệt động Sài Gòn, Về lại chiến trường xưa theo dấu chân Biệt động Sài Gòn-Dinh Ðộc Lập, Biệt động Sài Gòn-Ðặc công rừng Sác (Cần Giờ)...

Năm 2022, Quận 11 cho ra mắt sản phẩm du lịch "Quận 11-Có một Chợ Lớn rất khác" mang đến nhiều điều thú vị cho du khách. Sản phẩm du lịch này bước đầu đã kết nối được những điểm đến đặc trưng về lịch sử, văn hóa của quận, phát huy những tiềm năng sẵn có về du lịch mà nhiều năm qua chưa được khai thác hiệu quả.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Quận 11 Cao Hoàng Khương cho biết, qua khảo sát Quận 11 hiện có một số tài nguyên như: Chùa Giác Viên, chùa Phụng Sơn (chùa Gò), Công viên văn hóa Ðầm Sen, Nhà thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ, Khánh Vân Nam Viện, Phòng trưng bày nhạc cụ dân tộc, vàng Chợ Thiếc, sủi cảo Hà Tôn Quyền, Tiệm trà Di Phát, Ðoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa Ðường, Mỹ thuật TopArt...Tuy nhiên, tài nguyên du lịch chỉ mãi là tài nguyên nếu như địa phương không đầu tư, khai thác, trùng tu, quản lý và kết nối thành các tua tuyến, sản phẩm du lịch.

Hiện tại, Ủy ban nhân dân Quận 11 đang phối hợp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp du lịch, khảo sát xây dựng tua du lịch trên địa bàn Quận 11 với mục đích phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần phát huy các giá trị văn hóa và tài nguyên du lịch trên địa bàn.

Là đơn vị khai thác sản phẩm du lịch "Quận 11-Có một Chợ Lớn rất khác", ông Trần Quang Duy, Giám đốc Ðiều hành Công ty cổ phần Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt, cho biết: "Trước nay nói đến Chợ Lớn, du khách chỉ nhắc đến khu vực Quận 5. Tuy nhiên, khi khám phá sâu Quận 11, chúng tôi phát hiện có một Chợ Lớn rất khác. Du khách sẽ được khám phá những điều huyền bí tại đạo quán Khánh Vân Nam Viện, khám phá Chợ Thiếc, ngôi chợ lâu đời hiện nay có nhiều sạp chuyên bán vàng, trang sức,... Khách tham quan còn có thể tìm hiểu về múa Lân Sư Rồng tại Ðoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa Ðường; trải nghiệm, học cách làm và thưởng thức món sủi cảo tại phố ẩm thực Hà Tôn Quyền hay tìm hiểu về cuộc sống người dân ở xóm Lồng đèn Phú Bình và xem các nghệ nhân làm ra những chiếc lồng đèn tinh xảo như thế nào".

Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình "Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng" trở thành điểm nổi bật trong năm 2022 của ngành du lịch thành phố.Chương trình là sự nỗ lực rất lớn của thành phố trong việc đổi mới sản phẩm du lịch để trở thành điểm đến du khách không thể bỏ qua với chuỗi sản phẩm mới tôn vinh các giá trị văn hóa-lịch sử-kiến trúc gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn-Gia Ðịnh và nhịp sống hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh.

Giải pháp này thật sự đã phát huy thế mạnh, bản sắc du lịch của thành phố Thủ Ðức và các quận, huyện; thúc đẩy yếu tố liên kết vùng, sự cộng đồng trách nhiệm của sở, ngành, quận, huyện, doanh nghiệp.

Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, chương trình đã tạo nên một phong trào thi đua trong công tác quản lý nhà nước về du lịch giữa các địa phương; đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ, phối hợp đồng điệu giữa các ngành. Hơn hết, chương trình đã khởi xướng cho một trào lưu về trải nghiệm, khám phá du lịch thành phố với bao điều mới lạ; tạo nên bức tranh du lịch thành phố sống động với hơn 60 sản phẩm du lịch, trong đó 30 sản phẩm du lịch mới của các quận, huyện và thành phố Thủ Ðức.

Du khách trải nghiệm làm bánh xèo tại Bảo tàng Áo dài trong tua "Thủ Ðức - Thành phố bên dòng sông xanh".

Cần thêm câu chuyện đặc sắc

Mỗi quận, huyện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đều có ít nhất một sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, để các sản phẩm du lịch quận, huyện thật sự thu hút du khách, đòi hỏi các đơn vị liên quan cần phải đầu tư nhiều hơn, tạo nên những nét đặc trưng trong sản phẩm du lịch của địa phương mình.

Là đơn vị lữ hành quan tâm nhiều đến chương trình "Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng", TSTtourist đã khai thác nhiều sản phẩm du lịch ở các quận, huyện và nhận được tín hiệu tích cực từ du khách. Những sản phẩm du lịch như "Thủ Ðức - Thành phố bên dòng sông xanh", "Thủ Ðức tìm lại dấu xưa", "Lái xe Vespa khám phá Quận 3 đa sắc màu", "Về Chợ Lớn xem múa lân"... đã tạo được sức hấp dẫn đối với khách tham quan.

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông-Marketing, Công ty TSTtourist, để sản phẩm du lịch quận, huyện ngày càng đặc sắc đòi hỏi cần có sự chuyên nghiệp hóa và đi vào chiều sâu hơn. "Mỗi sản phẩm du lịch quận, huyện phải bảo đảm được các yếu tố như độc đáo, thú vị, ý nghĩa và giá trị"- ông Nguyễn Minh Mẫn chia sẻ.

Từ thực tế ở địa phương mình, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Quận 11 Cao Hoàng Khương cho rằng, các quận, huyện, đơn vị lữ hành cần phải bàn bạc, trao đổi với nhau để tìm những sản phẩm tiêu biểu, có tính phát triển bền vững.

Trong ký ức những người dân sinh sống tại Quận 5, Quận 6 và Quận 11, Chợ Lớn được xem là trung tâm thứ hai của Sài Gòn bởi hàng trăm năm qua, nơi đây chứng kiến dân cư sinh sống, giao thương tấp nập. Bên cạnh diện mạo sầm uất, phồn hoa thì khu vực còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, những nét đẹp về kiến trúc đặc trưng phương Ðông. Những điểm chợ đầu mối tấp nập kẻ bán người mua tuổi đời tính bằng thế kỷ; gần như không có món hàng nào không thể tìm thấy tại chợ Bình Tây, An Ðông, Kim Biên... Chính vì nét đặc trưng của vùng này, nếu mỗi quận thực hiện sản phẩm du lịch riêng lẻ của quận mình thì sẽ không phát huy được hết tính đặc sắc, độc đáo, không khai thác được chiều sâu trong từng sản phẩm.

Thời gian tới, Quận 11 tổ chức kết nối với các quận lân cận như Quận 5, Quận 6 hoạt động du lịch liên tuyến nhằm thúc đẩy nhu cầu du lịch. Ðiều này có ý nghĩa quan trọng vì đây là liên kết giữa địa phận ba Quận 5, 6 ,11 sở hữu lịch sử hình thành lâu đời, nhiều con phố in thời gian, nền ẩm thực đa dạng, thương mại sầm uất mang nét đặc trưng của người Hoa ở Sài Gòn, cũng như đặc trưng văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong những sản phẩm du lịch quận, huyện vừa mới ra mắt, nhiều đơn vị đã khai thác các điểm di tích lịch sử, văn hóa độc đáo của địa phương mình. Nếu có sự đầu tư đúng mức, những điểm đến này sẽ thu hút nhiều du khách khi đến với thành phố.

Ông Trần Quang Duy, Giám đốc Ðiều hành Công ty cổ phần Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt, cho rằng mỗi sản phẩm du lịch phải kể được câu chuyện đặc trưng của địa phương mình. Những câu chuyện đặc sắc, hấp dẫn sẽ tạo nên sức hút đối với du khách, nhất là du khách nước ngoài. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó đòi hỏi các đơn vị liên quan cần tập trung nâng cao chất lượng từng sản phẩm, nghiên cứu những điểm độc đáo, đặc sắc của từng điểm đến để có thể mang đến cho du khách "cái hồn" trong sản phẩm du lịch quận, huyện nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.

Dự báo năm 2023, ngành du lịch của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trước sự biến động của tình hình thế giới. Song, với quyết tâm cao, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ đón 5 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa với tổng thu du lịch đạt 160.000 tỷ đồng.

Ðể đạt được điều đó, ngành du lịch đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Trong đó, việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch quận, huyện, đi tìm những sản phẩm độc đáo, đặc trưng sẽ giúp cho thành phố có nhiều cơ hội thu hút du khách đến tham quan nhiều hơn, qua đó từng bước xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến hấp dẫn, độc đáo và đẳng cấp.

Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình "Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng" trở thành điểm nổi bật trong năm 2022 của ngành du lịch thành phố.Chương trình là sự nỗ lực rất lớn của thành phố trong việc đổi mới sản phẩm du lịch để trở thành điểm đến du khách không thể bỏ qua với chuỗi sản phẩm mới tôn vinh các giá trị văn hóa-lịch sử-kiến trúc gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn-Gia Ðịnh và nhịp sống hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: Võ Mạnh Hảo

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 17/02/2023

Cùng chuyên mục