Hoạt động của ngành

TP Hồ Chí Minh: Du lịch thúc đẩy kinh tế đêm

Cập nhật: 16/02/2023 09:57:14
Số lần đọc: 569
Tại TP Hồ Chí Minh, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch giải trí - hoạt động về đêm và ẩm thực là ba sản phẩm đang được du khách quan tâm nhất hiện nay. Ngành du lịch đã xúc tiến nhiều giải pháp để nâng tầm chuỗi kinh tế đêm, trong đó chọn ẩm thực làm trụ cột quan trọng.

TP Hồ Chí Minh được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế đêm.

Đa dạng sản phẩm

Từ sau 18 giờ, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (Quận 3), chợ Hồ Thị Kỷ (Quận 10), khu vực vui chơi - ăn uống tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên bến Bạch Đằng và phố Bùi Viện (Quận 1) bắt đầu nhộn nhịp. Người dân và du khách tìm đến thưởng thức các dịch vụ ăn uống, giải trí về đêm với mức chi tiêu vừa phải. Cuối tuần qua, chị Nguyễn Ngọc Mai vừa đưa nhóm đối tác trẻ người nước ngoài đến phố đi bộ Nguyễn Huệ tham quan, ăn uống rồi sang “phố Tây” Bùi Viện nghe nhạc giải trí.

“Mọi người khen đồ ăn ngon, phong cảnh đẹp và không gian các nơi tôi đưa đến rất phù hợp để phát triển các dịch vụ về đêm. Điều khiến nhóm đối tác ấn tượng chính là sự đa dạng của các loại hình với mức giá không quá cao. Họ nhờ tôi tìm thêm nhiều khu phức hợp giải trí - ẩm thực - du lịch về đêm đặc sắc để trải nghiệm trong suốt một tuần tới”, chị Mai chia sẻ.

Thông tin từ Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, toàn thành phố hiện có gần 32 nghìn cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng có địa chỉ cố định và cơ sở quán ăn đường phố. Đây được đánh giá là hạ tầng đa dạng, phong phú để phát triển kinh tế đêm. Nắm bắt thế mạnh này, thời gian qua, thành phố đã thúc đẩy các hoạt động kinh tế đêm, trong đó tận dụng lợi thế ẩm thực cùng các loại hình du lịch văn hóa đặc trưng như tham quan thành phố bằng xe bus hai tầng, trải nghiệm ẩm thực du thuyền, tour giải trí kết hợp ăn uống tại khu vực trung tâm… Thành phố đã có đề án phát triển kinh tế đêm và du lịch thông minh, từ đó quy hoạch 22 tuyến phố, chợ đêm, tạo thêm không gian trải nghiệm cho du khách.

Từ đầu năm 2023, phố đi bộ hồ Con Rùa chính thức được đưa vào hoạt động từ 18 giờ đến 22 giờ các ngày thứ bảy, chủ nhật, góp phần làm cho hệ thống kích cầu du lịch - ẩm thực đêm tại TP Hồ Chí Minh thêm phong phú. Việc quy hoạch một phần tuyến đường Nguyễn Thượng Hiền thành khu ẩm thực cách đây không lâu bước đầu đã cho thấy hiệu quả khi người dân, du khách tập trung về đây mua sắm, chi tiêu nhiều hơn. Các chủ cửa hàng cũng đầu tư hơn về khâu trang trí, phục vụ, tăng khả năng cạnh tranh. Với hơn 140 cơ sở kinh doanh ẩm thực và dịch vụ, hoạt động chính từ 19 giờ đến 23 giờ, theo bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND Quận 3, phố ẩm thực này đang góp phần giúp cho hoạt động kinh doanh trên tuyến đường phát triển mạnh và quy mô hơn khi có sự quản lý chặt chẽ, đồng bộ.

Đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) cũng đang được đề xuất để quy hoạch thành khu ẩm thực đêm dựa trên tiềm năng có sẵn, kết hợp cùng thế mạnh du lịch trên hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trước đó, UBND nhiều quận, huyện khác cũng đã công bố kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm. Quận 4 đã đưa vào hoạt động phố ẩm thực trên đường Vĩnh Khánh, Quận 6 xây dựng phố đi bộ kết hợp ẩm thực ở khu chợ Bình Tây, Quận 5 có chương trình du lịch “Về Chợ Lớn xem múa lân”, trong đó chú trọng khai thác dịch vụ ăn uống, mua sắm. Huyện Cần Giờ cũng có kế hoạch tổ chức tour du lịch khám phá rừng ngập mặn về đêm với các hoạt động mò cua, bắt ốc, cắm trại, tổ chức tiệc nướng ngoài trời…

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, thành phố đã đưa ra nhiều hướng trong đề án phát triển kinh tế đêm nhằm thu hút du khách bằng việc hình thành những con phố ẩm thực, con phố chuyên kinh doanh các mặt hàng thời trang, kim hoàn... Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã có một khu phố đi bộ về đêm tạo được thương hiệu với đặc trưng riêng nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở khu vực trung tâm. “Vì vậy, để phát triển bền vững kinh tế ban đêm, TP Hồ Chí Minh rất cần các quận, huyện và TP Thủ Đức cùng chung tay xây dựng những quy chuẩn, quy trình cụ thể. Đồng thời, thành phố cũng đang rà soát lại những quy định pháp luật có liên quan, xem xét có thể nới rộng thời gian hoạt động cho các dịch vụ ở những khu vực được chọn thí điểm làm kinh tế ban đêm cũng như giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của thành phố và sự đồng thuận của cộng đồng khi hình thành phát triển”, bà Hoa cho biết thêm.

Khai thác triệt để thế mạnh

Chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 đã đề xuất thực hiện nhóm bốn giải pháp để thành phố trở thành trung tâm quốc gia về các hoạt động về đêm trong giai đoạn tới. Các chuyên gia cho rằng, có nhiều lợi thế nhưng phải tạo được chiến lược bài bản, có điểm nhấn thì mới mong khai thác triệt để thế mạnh của loại hình này. Theo bà Phan Yến Ly, chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch, điểm cần khắc phục là hiện nay nhiều phố đêm tại TP Hồ Chí Minh không có sự đồng bộ về quy hoạch, thiếu sự khảo sát, tư vấn của các chuyên gia và sự đồng thuận của người dân nên dễ gây nhàm chán. Điển hình là khu vực ẩm thực bên hông chợ Bến Thành (Quận 1) và các chợ đêm ở khu vực Quận 5, Quận 10. Trong khi đó, nhờ quy hoạch đồng bộ, các phố đi bộ Bùi Viện, đường sách Nguyễn Văn Bình đã hoạt động rất hiệu quả.

Đại diện nhiều công ty du lịch, lữ hành tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, đã đến lúc phải tập trung cho chất lượng thay vì số lượng các điểm phát triển kinh tế đêm. Thực tế cho thấy, sự đầu tư chưa đến nơi, đến chốn khiến không ít mô hình phố đêm, phố ẩm thực tại nhiều quận, huyện khó thu hút du khách, nhất là khách quốc tế. Nếu muốn hệ thống này được nhân rộng, yếu tố đồng bộ cần được quan tâm, tránh nơi làm tốt nơi lại thể hiện nhiều bất cập. Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel đề xuất: “Khi chưa thể phát triển đồng bộ, UBND thành phố Hồ Chí Minh nên chọn vài địa điểm và đầu tư, tạo bản sắc riêng thay vì cho mở phố đêm ở quá nhiều nơi mà không có gì đặc sắc. Các nước Singapore, Thailand cũng chỉ tập trung vào vài khu ở trung tâm các thành phố lớn để thu hút khách và quy hoạch đồng bộ, có nhiều dịch vụ liên hoàn gồm giải trí, ca múa nhạc, ăn uống, mua sắm…”.

Đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Bến Thành cho rằng, yếu tố đặc trưng trong các phố ẩm thực rất quan trọng. Hiện nay, TP Hà Nội có phố Tạ Hiện, TP Hồ Chí Minh có phố Bùi Viện phần nào đã tạo được nét riêng. Ở phố đi bộ Tạ Hiện, gần như mọi hộ dân trên các đường nhánh đều tham gia dịch vụ ẩm thực, hàng quán cạnh tranh nhau về thiết kế, cung cách phục vụ sáng tạo để thu hút khách. Du khách đến phố này đi các ngóc ngách vẫn không thấy chán do có nhiều điều để trải nghiệm. Tại TP Hồ Chí Minh, nếu đoạn đường Phan Xích Long được quy hoạch làm phố ẩm thực mà vẫn còn hộ kinh doanh điện thoại, hộ sửa xe, nhà dân… đóng cửa vào buổi tối thì sẽ khó thu hút khách du lịch và công ty du lịch khó đưa vào chương trình tour để giới thiệu cho du khách.

Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có phố đi bộ hoặc đẩy mạnh hệ thống chợ đêm là chưa đủ vì phát triển kinh tế đêm đòi hỏi nhiều hơn thế. Muốn người dân, du khách tăng chi tiêu cho du lịch - ẩm thực, cần đầu tư hơn về các loại hình dịch vụ như tổ chức thêm các chương trình biểu diễn cộng đồng định kỳ, các khu vui chơi hấp dẫn, các suất diễn âm nhạc, nghệ thuật, phim ảnh về đêm với khung giờ kéo dài hơn nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh. Quy hoạch dài hạn, đầu tư bài bản, chú trọng các yếu tố thân thiện, an toàn và tận dụng nét đặc trưng của từng quận, huyện sẽ là hướng giúp TP Hồ Chí Minh nhanh chóng định hình các loại hình kinh tế đêm chất lượng, đặc sắc.

Muốn tạo được“hệ sinh thái kinh tế đêm” hiệu quả, bền vững, các chuyên gia nhấn mạnh yếu tố lắng nghe nhu cầu thị trường thay vì cung cấp những gì mình có. Phải có sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn để du khách vừa tới đã muốn chi tiền xài dịch vụ.

Bài và ảnh: Mỹ Dung,Nguyễn Hoàng

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 30/01/2023

Cùng chuyên mục