Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Dựng không gian công cộng, tạo điểm nhấn bên bờ sông Hương

Cập nhật: 31/08/2021 09:54:10
Số lần đọc: 820
“Tắm mình trên dòng Hương cũng là cách giáo dục về tình yêu với dòng sông, với môi trường cho mọi người…”, ông Trương Đình Ngộ - người khởi xướng xây dựng không gian công cộng, bến tắm sông Hương đã nói như thế về dự án mà ông cùng nhiều cộng sự ấp ủ sau một thời gian dài và vừa được khởi công vào những ngày tháng 8.


Phối cảnh không gian công cộng sau khi hoàn thành

Sau rất nhiều thời gian chuẩn bị, lên kế hoạch, ông Trương Đình Ngộ cùng nhiều cộng sự của mình đã chính thức thực hiện nghi lễ đặt đá, khởi công không gian công cộng ở công viên cạnh sông Hương đoạn đối diện số 20 Nguyễn Phúc Nguyên (phường Kim Long, TP. Huế).

Ông Ngộ là Việt kiều Thuỵ Sĩ, sau bao nhiêu năm bôn ba ở xứ trời Tây đã trở về và chọn Huế làm nơi nghỉ ngơi, tận hưởng không khí trong lành của tuổi già. Vì tình yêu sông Hương, yêu dòng nước mát và những giai thoại của con sông từng đi vào thi ca, nhạc họa, ông Ngộ nói rằng mình phải làm việc gì đó có ích và kêu gọi mọi người chung tay giữ cho môi trường Huế mãi xanh, và dòng sông Hương mãi sạch, ai ai cũng có thể đến chơi, thoả thích tắm mát.

Với ý tưởng đó, ông Ngộ đã mời rất nhiều người bạn của mình ở trong lẫn ngoài nước đến Huế chơi và tâm sự về ước mong của ông. Ai cũng đồng tình, ủng hộ người con xa xứ về việc làm ý nghĩa cho quê hương, cho xứ Huế.

Để có tiền làm được việc này, ông Ngộ đã tổ chức rất nhiều đêm nhạc để gây quỹ. Nhiều người tham dự đã xúc động và cùng nhau chung tay ủng hộ và họ cũng bảo rằng “một khi công trình hoàn tất, chúng tôi sẽ trở lại và được thụ hưởng ngay chính trên công trình đó”.

Theo ông Ngộ, vị trí mà ông chọn đặt làm không gian ấy được xem là lý tưởng. Đó vốn dĩ là điểm đến tắm mát thường ngày của người dân khu vực Kim Long nói riêng và bà con du khách nhiều nơi nói chung. Nơi đoạn sông Hương chảy qua này có thể vừa nhìn về phố, nhưng cũng có thể hướng ngược lên phía thượng nguồn, trời về chiều hoàng hôn tuyệt đẹp. Khúc sông này cũng là nơi mà nhóm “Cảm ơn dòng Hương” từ nhiều năm về trước đã cùng nhau kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ sông Hương xanh, sạch để phục vụ cho việc tắm mát, tạo nên một điểm dừng chân thú vị trong những ngày hè nắng nóng, oi bức.

Theo thiết kế, không gian này sẽ có diện tích khoảng 3.000m2 bờ sông, 500m2 dưới nước, cùng với hệ thống bãi đậu xe, vườn hoa, cây xanh và thảm cỏ. Trong quá trình thi công sẽ giữ nguyên trạng thiên nhiên của bờ sông, cách bờ 10m vươn ra sông Hương sẽ bố trí phao giăng để giới hạn khu vực cũng như đánh dấu giao thông đường thủy.

“Sự hình thành không gian này hy vọng là tiền đề cho nhiều không gian công cộng khác ở sông Hương. Những không gian như thế sẽ tạo ra một cảnh quan mới đẹp, ấn tượng trong lòng du khách, và đặc biệt hơn hết là đem lại hoạt động thư giãn ngoài trời cho trẻ em và người dân xứ Huế chúng ta”, ông Ngộ tâm sự.

Hay tin sẽ có không gian công cộng ngay vị trí mà mọi người thường xuyên ra vui chơi, tắm mát, nhiều người tỏ ra vừa bất ngờ, vừa mừng vui. Những ngày vừa khởi công, ai cũng tranh thủ tạt qua ngắm nhìn và háo hức chờ đợi. Chị Võ Hân (27 tuổi, TP. Huế) kể rằng, cứ đến mùa hè, chiều nào chị và những người bạn của mình ra khúc sông này để cùng nhau nhặt rác, làm sạch sông Hương rồi ngồi chơi, hóng mát. Nay đoạn sông này đã làm kè, cạnh đó có đường đi bộ rất đẹp ai cũng vui. Giờ có thêm bến tắm ngay địa điểm đó nữa, sẽ trở thành một điểm nhấn, dừng chân ấn tượng ngay bờ sông Hương, giữa lòng thành phố thơ mộng.

“Như lâu nay ngày nào bà con, du khách phương xa đến Huế cũng tìm ra sông Hương để vui chơi ngắm cảnh. Nhiều người còn xuống tắm mát vào mỗi sáng sớm hay chiều muộn. Nguồn nước không chỉ sạch mà còn mát, nên ai cũng thích. Bên cạnh một số bến tắm được chính quyền xây dựng, thì bãi tắm công cộng ở Kim Long sẽ phần nào đáp ứng nhu cầu mọi người. Hy vọng rồi đây sẽ có những bến tắm như thế được xây dựng và kiểm soát tốt, tạo nên một “đặc sản” của Huế”, chị Hân chia sẻ.

Theo đại diện UBND TP. Huế, trước đó đã đồng ý cho ông Ngộ nghiên cứu và kêu gọi tài trợ. Việc làm này là tốt, nhưng phải đúng theo phương án, hài hoà không gian lân cận, tạo nên cảnh quan đẹp cho công viên cạnh đó. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm Công viên cây xanh Huế sẽ đảm nhận việc quản lý, theo dõi.

Bài, ảnh: Nhật Minh

 

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục