Hoạt động của ngành

Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội làm mới mình sau đại dịch

Cập nhật: 30/08/2021 08:57:08
Số lần đọc: 854
Những hình thức du lịch miệt vườn, du lịch sông nước vốn đã từng khá hút khách du lịch và gây ấn tượng nhiều năm về trước, tuy nhiên, trong những năm gần đây, khu vực này đang dần bị "nhạt nhòa" hơn so với nhiều điểm đến nghỉ dưỡng khác.


Lượt khách lưu trú trong khu vực chiếm tỷ trọng thấp

Vốn là một khu vực trù phú, có tài nguyên thiên nhiên đa dạng và được xác định là một trong bảy phân vùng du lịch của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long có đầy đủ tiềm năng và đặc trưng văn hóa riêng biệt để phát triển thành một điểm đến nghỉ dưỡng quan trọng ở khu vực phía Nam.

Nhưng những hình thức du lịch miệt vườn, du lịch sông nước vốn đã từng khá hút khách du lịch và gây ấn tượng nhiều năm về trước, tuy nhiên, trong những năm gần đây, khu vực này đang dần bị "nhạt nhòa" hơn so với nhiều điểm đến nghỉ dưỡng khác.

Thống kê cho hay, năm 2019, Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận hơn 40 triệu lượt khách, trong đó An Giang và Cần Thơ là hai tỉnh đón nhiều lượt khách nhất trong vùng, với lượt khách trong năm 2019 đạt lần lượt 9,2 triệu và 8,9 triệu, tương đương với lượt khách đến Đà Nẵng (con số này đã tách riêng khách du lịch tới Phú Quốc).

Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, nguồn khách du lịch chủ yếu là khách nội địa, đặc biệt là khách liên tỉnh. Do đó, lượt khách lưu trú trong khu vực chiếm tỷ trọng thấp. Chỉ có khoảng 30% tổng số lượt khách đến Cần Thơ lưu trú qua đêm trong năm 2019 và tỷ lệ này ở An Giang chỉ đạt khoảng 13%. Tiền Giang và Bến Tre là hai địa phương có tỷ trọng khách quốc tế nhiều nhất trong khu vực.

Đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ trên cao. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Với vị trí địa lý thuận lợi nằm giáp ranh TP. Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều ưu thế trong việc tiếp cận nguồn khách đa dạng khi khu vực tập trung nhiều cửa ngõ giao thông lớn của cả nước. Mặc dù vậy, so với các điểm đến có thể tiếp cận thuận tiện bằng đường bộ từ TP. Hồ Chí Minh như Hồ Tràm, Vũng Tàu, Đà Lạt, hoạt động kinh doanh khách sạn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có phần kém sôi động hơn.

Về cơ sở lưu trú, theo thống kê của Savills Hotels, nguồn cung Khách sạn & Resort tại Đồng bằng sông Cửu Long còn khá hạn chế với 28 cơ sở lưu trú thuộc phân khúc hạng trung trở lên đang hoạt động.

Theo ông Vuko Kralj – Tổng quản lý khu nghỉ dưỡng Azerai Cần Thơ, trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, bên cạnh 10 đường bay nội địa, sân bay quốc tế Cần Thơ còn phục vụ 4 đường bay quốc tế kết nối trực tiếp với các cửa ngõ giao thông của khu vực gồm Bangkok, Kuala Lumpur, Seoul và Đài Bắc. Về đường bộ, các tuyến cao tốc đang được triển khai như đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, và ở giai đoạn sau sẽ kết nối đến Cần Thơ sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ chỉ còn hai giờ. Việc triển khai các dự án cải thiện hạ tầng giao thông sẽ giúp khu vực đồng bằng sông Cửu Long mở rộng khả năng tiếp cận thị trường khách quốc tế và nội địa, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của vùng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Khai thác văn hóa bản địa - Ưu thế lớn của Đồng bằng sông Cửu Long

Chia sẻ về tiềm năng và cơ hội của khu vực, ông Mauro Gasparotti – Giám đốc, Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương nhận định: văn hóa bản địa là một trong những yếu tố quan trọng của ngành du lịch và đây cũng là lợi thế của Việt Nam với những giá trị truyền thống lâu đời. Hiện nay, du khách có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm chân thực và dân dã thông qua các hoạt động giao lưu với người dân địa phương, tìm hiểu và khám phá những nét đặc trưng của các điểm đến du lịch. Đây cũng là lợi thế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long để tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo và khác biệt.

"Tôi tin rằng khu vực sông Mekong có rất nhiều tiềm năng để phát triển thành một điểm đến giàu trải nghiệm cho du khách trong nước cũng như quốc tế với các sản phẩm nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp chăm sóc sức khỏe, trang trại và các hoạt động hướng về thiên nhiên. Thông qua việc đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, thời gian di chuyển từ TP.Hồ Chí Minh đến khu vực Mekong được rút ngắn và qua đó mở ra cơ hội cho khu vực trở thành lựa chọn nghỉ dưỡng cuối tuần, các chuyến dã ngoại hay hoạt động team building. Để làm được điều đó, chúng ta cần có kế hoạch để phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù nhằm khai thác và tận dụng được tiềm năng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đây sẽ là nền móng quan trọng cho những giai đoạn phát triển vượt trội hơn trong tương lai."- ông Mauro Gasparotti cho biết.

Trong khi đó, bà Võ Xuân Thư – Giám đốc cụm khách sạn phía Nam của TMG Hospitality nhận định, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai rất cần những sản phẩm cao cấp khai thác thế mạnh miền sông nước. Vào cuối năm 2019, Tập đoàn TMG đã đưa vào hoạt động du thuyền Victoria Mekong Cruise với 35 cabin và đầy đủ tiện nghi cho hành trình từ 3 đến 5 đêm trên dòng Mekong, đây cũng là chiến lược của tập đoàn trong việc góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của khu vực.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề cao việc phát triển liên kết vùng, phối hợp giữa các tỉnh thành với TP. Hồ Chí Minh và những tỉnh lân cận để có sự hỗ trợ trong việc mở rộng nguồn cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách.

Trước đại dịch Covid, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đón hơn 7,7 triệu lượt khách quốc tế đến (2019), đây cũng là một nguồn khách tiềm năng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bằng cách xây dựng và nâng cao khả năng hợp tác và liên kết giữa các công ty lữ hành, các đơn vị cung ứng dịch vụ nhà hàng - khách sạn và các hoạt động giải trí trên sông như Yatch, Cruise ship, từ đó xây dựng hình ảnh và tăng cường các hoạt động truyền thông để giúp kết nối các điểm tham quan trong khu vực không chỉ đơn thuần là điểm đến đơn lẻ mà là một phần của hành trình khám phá vùng đất phía Nam cho du khách trong và ngoài nước. Điều này đòi hỏi một chiến lược dài hơi trong việc duy trì và phát huy thế mạnh văn hóa bản địa đồng thời sáng tạo hơn trong việc làm mới các sản phẩm du lịch./.

Thái Linh

Nguồn: bvhttdl.gov.vn

Cùng chuyên mục