Hoạt động của ngành

Hà Nội: Nâng sức hút cho các khu, điểm du lịch

Cập nhật: 27/08/2021 08:48:36
Số lần đọc: 609
Từ đầu tháng 5-2021 đến nay, hoạt động du lịch của cả nước nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng gần như “đóng băng”. Riêng trong tháng 8-2021, Hà Nội không có khách du lịch do thực hiện giãn cách xã hội. Trong thời gian tạm dừng hoạt động, nhiều khu, điểm du lịch đã xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm tăng sức hút, chuẩn bị cho việc phục hồi thị trường khi dịch Covid-19 được kiểm soát.


Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm) tiếp tục trang bị thêm kỹ năng về quy trình đón khách an toàn cho nhân viên (ảnh chụp tháng 3-2021).

Nâng cấp chất lượng dịch vụ

Theo thống kê, Hà Nội có 19 khu, điểm du lịch được UBND thành phố công nhận. Trong số này, có 5 khu, điểm du lịch thuộc khu vực nội thành, là: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Vườn thú Hà Nội (Công viên Thủ Lệ, quận Ba Đình); Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Di tích Nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm); Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa). Số còn lại nằm ở các huyện Thường Tín, Ba Vì, Gia Lâm, Phú Xuyên, Đan Phượng, Sóc Sơn.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ, một trong những hạn chế tại các khu, điểm du lịch là chất lượng dịch vụ ít đổi mới, sáng tạo, nên chưa tạo được đột phá trong hấp dẫn, thu hút du khách. “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã đặt ra bài toán cho các khu, điểm du lịch cần nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, nguồn lực để trước mắt thu hút khách nội địa, tiến tới chuẩn bị đón khách quốc tế khi được phép”, bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ nói.

Trước yêu cầu mới, từ năm 2020, nhiều khu, điểm du lịch của Hà Nội đã có sự chuyển mình, nỗ lực xây dựng sản phẩm, nâng cấp các dịch vụ để hấp dẫn du khách. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, 4 khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện là Khoang Xanh - Suối Tiên, Tản Đà, Thiên Sơn - Suối Ngà, Ao Vua đều có sự đầu tư nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Đáng chú ý, khu du lịch Khoang Xanh - Suối Tiên xây dựng sản phẩm khám phá động băng tuyết từ năm 2020; khu Thiên Sơn - Suối Nga cải tạo lại cảnh quan, phát triển du lịch chữa bệnh.

Trong khi đó, làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) được công nhận là điểm du lịch từ năm 2019 cũng có sự chuyển mình, khi chính quyền địa phương xây dựng trung tâm thông tin du lịch để hỗ trợ du khách. Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi thông tin, địa phương đã đầu tư hệ thống xe đạp thông minh để tăng tính trải nghiệm cho du khách.

Ở khu vực nội thành, các khu, điểm du lịch cũng nâng cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ, sẵn sàng đón khách khi được phép. Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò tận dụng thời gian tạm đóng cửa yêu cầu các cán bộ, nhân viên trang bị thêm kỹ năng đón khách an toàn. Còn Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám chuẩn bị nâng cấp thêm sản phẩm quà tặng để tăng khả năng chi tiêu, mua sắm của du khách.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho hay, đơn vị vừa hoàn thành đề án phát triển du lịch thông minh và dự kiến sẽ đưa công nghệ số, trình chiếu ánh sáng 3D cho sản phẩm đêm...

Tăng hiệu quả phục vụ khách

Để tăng hiệu quả phục vụ khách, ngày 13-8-2021, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 3928/QĐ-UBND về việc ban hành thí điểm bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Theo đó, bộ tiêu chí phân ra 5 nhóm tiêu chí đánh giá, đó là: Tài nguyên du lịch, sản phẩm và dịch vụ du lịch, quản lý điểm đến, cơ sở hạ tầng, sự tham gia của cộng đồng địa phương.

Các khu, điểm du lịch đạt tiêu chí chất lượng cao được đánh giá trên thang điểm 100, trong đó ngoài tiêu chí quan trọng là có di tích độc đáo, phong cảnh, thiên nhiên đẹp, thì yếu tố tham gia của cộng đồng người dân trong hoạt động du lịch, bảo vệ di sản, cảnh quan, môi trường cũng được đặt lên hàng đầu. Khu, điểm du lịch đạt tiêu chí chất lượng cao còn cần bảo đảm thu hút được lượng khách ít nhất 150 người/ngày; có hệ thống cơ sở vật chất phục vụ lưu trú, nhà hàng, các dịch vụ tham quan, mua sắm, tổ chức sự kiện phục vụ du khách…

Về việc triển khai bộ tiêu chí, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng cho rằng, bộ tiêu chí sẽ giúp các đơn vị có hướng nâng cấp chất lượng dịch vụ phù hợp với việc đón khách trong “tình hình mới”.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, đây sẽ là căn cứ để các tổ chức, cá nhân, đơn vị quản lý khu, điểm du lịch xây dựng kế hoạch phục vụ du khách tốt hơn. Ngoài việc các đơn vị tự đánh giá, khách du lịch cũng có quyền tham gia đánh giá chất lượng của khu, điểm du lịch. Điều này sẽ là động lực để các khu, điểm du lịch có sự điều chỉnh kịp thời về sản phẩm, dịch vụ, tăng chất lượng phục vụ.

Hiện tại, Sở Du lịch Hà Nội đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn triển khai bộ tiêu chí đánh giá khu, điểm du lịch chất lượng cao tới các đơn vị, dự kiến bắt đầu thực hiện từ cuối tháng 8-2021.

Nguyễn Ngọc Thắng

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục