Hoạt động của ngành

Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Cập nhật: 27/08/2021 08:46:51
Số lần đọc: 1044
Theo thống kê của ngành Du lịch, tỉnh Hòa Bình có 101 di tích được xếp hàng và 100 di tích chưa được xếp hạng. Ngoài ra, có trên 30 khu, điểm du lịch, trong đó, đã công nhận 9 điểm du lịch địa phương và 1 khu du lịch cấp tỉnh. Đây là tiềm năng lớn để ngành Du lịch từng bước đầu tư khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.


Khách du lịch trải nghiệm thuyền kayak tại vịnh Ngòi Hoa Tân Lạc.

Với tiềm năng du lịch và lợi thế của tỉnh, trong thời gian qua, số lượng khách du lịch và thu nhập từ hoạt động du lịch đạt tốc độ tăng trưởng khá. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã đón hơn 12.500 nghìn khách du lịch. Tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2016-2019 tăng 10,7%. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng khách du lịch giảm, chỉ đạt 65,5% so với kế hoạch đề ra. Tổng thu từ khách du lịch đến tỉnh đạt trên 7.700 tỷ đồng, đây là mức tăng nhanh và ổn định.

Toàn tỉnh có 72 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch còn hiệu lực, chiếm 12,2% tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 20,594 tỷ đồng. Nhiều khu, điểm du lịch sinh thái được xây mới, như: Mai Châu Hideway, Mai Châu Ecolodge, Bakhan Village Resort (Mai Châu); Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Dụ và Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Sunset (Lương Sơn); An Lạc Farm và Serena Resort (Kim Bôi),... Các ngành chức năng thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, thu hút một số nhà đầu tư trong và ngoài nước lập dự án đầu tư phát triển du lịch như: Dự án Cáp treo và khu phức hợp vui chơi giải trí sân Golf (thành phố Hòa Bình), Khu du lịch nghỉ dưỡng Mai Đà Resort và Dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Hiền Lương (Đà Bắc); khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Hồ Hòa Bình và Khu du lịch sinh thái hồ Gươm sông Đà (Tân Lạc)... Hiện nay, tỉnh đang tập trung ưu tiên cho một số tập đoàn lớn như: Sungroup, Tân Hoàng Minh, FLC nghiên cứu, khảo sát lập các dự án quy mô lớn, chất lượng cao tại khu du lịch hồ Hòa Bình và huyện Kim Bôi, Lạc Sơn theo quy hoạch.

Cùng với đó, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng phạm vi du lịch như: Điểm du lịch cộng đồng Đá Bia, Mó Hém (Đà Bắc), Ngòi Hoa, xóm Chiến (Tân Lạc). Đến nay, Điểm du lịch cộng đồng Đá Bia được nhận giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN và 4 điểm du lịch cộng đồng được công nhận là sản phẩm OCOP. Tỉnh đang tiếp tục thu hút đầu tư, xây dựng khu công viên nước tại xóm Ngòi, xóm Suối Hoa với trên 130 trò chơi chất lượng cao. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức các phiên chợ quê để bán và giới thiệu các mặt hàng nông sản sạch, đặc sản của địa phương phục vụ du khách.

Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu, điểm du lịch, tỉnh còn quan tâm xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các bến, bãi đỗ xe, các điểm dừng nghỉ cho khách du lịch trên các tuyến quốc lộ và xây dựng các bến cảng thủy nội địa tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa các khu, điểm du lịch. Đến nay, tuyến đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình đã hoàn thành và đi vào hoạt động,  Đường tỉnh 435 được mở rộng và nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III- miền núi.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, ngành Du lịch tỉnh mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động du lịch. Giai đoạn 2016-2020, ngành đã tổ chức 29 lớp bồi dưỡng chuyên môn về hướng dẫn viên du lịch, nấu ăn, lễ tân, quản lý khách sạn, nhà hàng cho hơn 1.700 lượt người tại các huyện, thành phố. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nói chung và loại hình du lịch cộng đồng nói riêng trên địa bàn tỉnh. Công tác xã hội hóa trong việc đào tạo, bồi dưỡng được đẩy mạnh, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay, số lượng thạc sĩ, cử nhân chuyên ngành du lịch công tác tại các cơ quan, đơn vị kinh doanh du lịch ngày càng tăng và từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của ngành. Hằng năm, Ban Chỉ đạo du lịch tỉnh tổ chức đoàn công tác học tập, trao đổi kinh nghiệm quản lý phát triển du lịch tại một số tỉnh có du lịch đang phát triển như: Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa, Quảng Ninh, thành phố Huế và Đà Nẵng.

Công tác bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường du lịch được triển khai thường xuyên, liên tục, từ việc xây dựng dự án, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa tại các khu, điểm du lịch. Các địa phương chủ động lắp đặt các cụm pano tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch và khẩu hiệu truyên truyền về công tác bảo vệ môi trường trên các tàu phục vụ khách du lịch. Qua đó, nâng cao ý thức của tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng người dân và khách du lịch trong công tác bảo vệ môi trường tài nguyên và môi trường du lịch. Hướng đến môi trường du lịch an toàn, lành mạnh và văn minh./.

Kim Quý

Nguồn: Cổng TTĐT Hòa Bình

Cùng chuyên mục