Hoạt động của ngành

Những điều đặc biệt chỉ có ở Bạc Liêu

Cập nhật: 27/08/2021 09:52:55
Số lần đọc: 2235
Nói đến du lịch Bạc Liêu, du khách sẽ liên tưởng ngay đến những giai thoại về Công tử Bạc Liêu hoặc là cái nôi của phong trào đờn ca tài tử Nam bộ, nơi ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, mà nơi đây có rất nhiều điều thú vị, thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, những điều thú vị ấy, chỉ đến Bạc Liêu, du khách mới được tận mắt chiêm ngưỡng.


1. Đồng hồ đá

Đồng hồ đá hay còn gọi là “đồng hồ Thái Dương”, “đồng hồ mặt trời” được nhà Bác vật Lưu Văn Lang (1880 - 1969), người quê ở làng Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đứng ra thiết kế và xây dựng vào khoảng những thập niên đầu thế kỷ 20, trong khuôn viên của khu Tòa tham biện tỉnh Bạc Liêu (nay nằm trên đường 30/4, phường 3, thành phố Bạc Liêu).


Đồng hồ Thái dương sau khi trùng tu (Ảnh do Bảo tàng tỉnh cung cấp)

Đây là chiếc đồng hồ duy nhất ở Việt Nam, và là chiếc thứ hai có mặt trên thế giới. Thoạt nhìn thì đây chỉ là một khối bê tông với những con số La mã có trên bề mặt tưởng chừng như bình thường. Đồng hồ này đặc biệt ở chỗ chỉ dùng ánh sáng của mặt trời mà không dùng bất cứ loại máy móc nào, hay bất kỳ một thứ kim loại nào, đồng hồ có chiều cao khoảng 0,8m, rộng 1m, trên bề mặt đồng hồ kẻ 12 chữ số La Mã phân định đều nhau, giữa mặt đồng hồ xây một cái gờ nhô lên, cái gờ này giới hạn ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào các con số, phân chia đồng hồ thành hai phần sáng và tối. Đây là một công trình khoa học, được UBND tỉnh Bạc Liêu xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2006.

2. Nhà hát 3 nón lá lớn nhất Việt Nam

Nhà hát Cao Văn Lầu, còn có tên gọi khác là Nhà hát 3 nón lá, nằm đối diện quảng trường Hùng Vương, có tổng diện tích 2.262m2 được chia làm 3 khối có hình trụ tròn, mái hình chiếc nón lá hướng vào nhau, chiều cao nón lớn nhất là 24,25m, đường kính nón lớn nhất là 45,15m, mái được làm bằng tấm composite màu trắng sửa, họa tiết sọc giống hình chiếc nón lá… Xung quanh nhà hát còn có nhiều công trình khác như hồ sen, đường đi bộ, hệ thống cây xanh… Nhà hát Cao Văn Lầu được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập là công trình có hình dạng nón lá lớn nhất Việt Nam.

3. Cây đàn kìm lớn nhất Việt Nam

Tại Quảng Trường Hùng vương, ấn tượng nhất bởi cây đàn kìm cách điệu vươn lên từ những cánh sen, có sân phun nước nghệ thuật với 68 vòi phun cao từ 1,5 đến 3m. Buổi tối, giàn đèn được thắp sáng phản chiếu từ chân đàn đến thân đàn một ánh sáng huyền ảo, lung linh hình 7 sắc cầu vồng. Nếu quý khách đến Quảng trường Hùng Vương, hãy dừng chân trước cây đàn kìm cách điệu này và selfie vài tấm ảnh làm kỉ niệm, đây thật sự là điểm tham quan không thể bỏ qua khi đặt chân đến Bạc Liêu. Với hình ảnh đẹp lung linh, cây đàn kìm cách điệu được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập là công trình có dạng đàn kìm lớn và đẹp nhất Việt Nam.

4. Cánh đồng quạt gió trên biển duy nhất tại Việt Nam

Từ thành phố Bạc Liêu theo đường Cao Văn Lầu đi ra hướng biển, ở địa phận ấp biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông là khu điện gió Bạc Liêu (còn gọi là cánh đồng quạt gió), cách trung tâm thành phố khoảng 15km, nhưng đi cách từ xa cả chục cây số, quý khách đã có thể nhìn thấy những trụ turbine lắp cánh quạt quay đều như những chong chóng khổng lồ giữa biển khơi.

Cánh đồng này có tổng cộng 62 trụ turbine, mỗi trụ cao 80m, đường kính 4m, nặng trên 200 tấn, được chế tạo bằng thép không gỉ, cánh quạt dài 42m được làm bằng nhựa đặc biệt, khi thời tiết xấu cánh quạt có thể tự ngừng quay để tránh hư hỏng.

Thời gian thích hợp nhất để tham quan từ 5h - 7h sáng, khi ánh bình bình vừa ló dạng và từ 16h - 18h khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, với khung thời gian này, rất thích hợp để các bạn ghi hình ở bất kỳ góc độ nào cũng cho ra đời những bức ảnh xinh lung linh và ấn tượng nhưng đang ở trời Tây.

5. Thưởng thức ẩm thực đặc biệt tại Bạc Liêu.

- Bánh củ cải 3 dân tộc.

Là loại bánh dân gian rất khác biệt, chỉ đến Bạc Liêu quý khách mới được thưởng thức, do quá trình giao thoa văn hóa giữa ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer đã tạo ra  03 loại bánh hấp dẫn và vô cùng thơm ngon này, nguyên liệu chủ yếu từ củ cải trắng, bột mì, bột gạo, tôm, thịt.

Bánh củ cải tiều có nguồn gốc từ người Hoa, nguyên liệu được làm từ các loại đặc sản của Bạc Liêu như: bột mì trắng, tôm khô, lạp xưởng, đậu phộng, củ cải trắng. Tất cả các nguyên liệu này được xào chín, nêm nếm vừa ăn trộn cùng với bột mì, vo tròn và hấp cách thủy.

Bánh củ cải xếp có nguồn gốc từ người Kinh, nguyên liệu được làm từ bột  gạo, điểm quyết định ngon hay dở của bánh củ cải xếp là cách tráng bánh, nhân bánh được làm từ thịt nạc, tép đất, đậu xanh, củ cải trắng xắt sợi, nêm nếm gia vị vừa ăn, tất cả nguyên liệu này được xào chín. Sau khi bột được tráng mỏng, hấp chín, nhân bánh được cuộn vào bên trong và xếp lại theo hình nửa vòng tròn.

Bánh củ cải xửng có nguồn gốc từ người Khmer, nguyên liệu cũng từ bột gạo, tép đất, đậu xanh, củ cải trắng xắt sợi và nước cốt dừa, cách làm món bánh này cũng không quá phức tạp, chỉ cần trộn tất cả các nguyên liệu này cho vào một cái xửng, đậu xanh hột chín rải đều lên bề mặt bánh, hấp cách thủy cho đến khi bột bánh trong vắt, có mùi thơm ngậy là được. Cả 3 loại bánh trên cùng thưởng thức chung với nước mắm chua ngọt, rau thơm, hún lũi, dưa leo bâm nhỏ…

- Bún bò cay Bạc Liêu

“Gọi bún bò cay – vì nó rất cay”, đó là câu nói ví dỏm của một du khách khi thưởng thức món này. Thật sự món bún bò cay không chỉ cay mà còn do nhiều yếu tố hấp dẫn khác như: màu của nước lèo chính là ớt, hạt điều, bột nghệ hoàn toàn không có phẩm màu. Để làm nên hương vị đậm đà của món này, thành phần không thể thiếu đó là ớt sừng trâu chín đỏ, hấp chín, giã nhuyễn; ngoài ra phải thêm gừng, củ hành, sả, tỏi tất cả băm nhuyễn ướp vào thịt bò, nấu chung với nước dừa tươi, muốn nước có độ sền sệt thì quấy chút bột năng pha loãng vào. Thịt bò được ướp và nấu cầu kỳ như vậy, nhưng vẫn chưa đủ, khi ăn bún bò phải kết hợp với rau quế và ngò gai, muối ớt chanh. Chấm miếng thịt vào và thưởng thức, mới thấy hết cái béo ngậy, cái cay nồng lẫn vị chua dìu dịu hòa quyện vào nhau sinh ra vị chua, cay, ngọt ngào của miền quê sông nước.

Hà Lê

Nguồn: Trung tâm xúc tiến Du lịch tỉnh Bạc Liêu

Cùng chuyên mục