Yên Bái: Phát triển du lịch cộng đồng, hướng phát triển kinh tế được ưu tiên
Du khách trải nghiệm sao chè Suối Giàng
Khai thác tiềm năng, lợi thế
Yên Bái có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển DLCĐ. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.886,28 km2, dân số hơn 820 nghìn người. Yên Bái có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có nhiều tiềm năng tự nhiên để phát triển du lịch như: Vùng hồ Thác Bà; cánh đồng Mường Lò; các khu nước khoáng nóng, cảnh quan, khí hậu, thiên nhiên, danh lam thắng cảnh vùng cao ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và TX. Nghĩa Lộ…
Đặc biệt, Yên Bái là vùng đất có lịch sử lâu đời với nhiều di tích lịch sử văn hóa; sự phong phú, đa dạng trong phong tục tập quán đa sắc màu của 30 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó có 11 dân tộc có số dân tương đối đông và còn giữ được những giá trị văn hóa đặc sắc, có thể trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh là: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Mông, Dao, Cao Lan, Giáy, Khơ Mú, Phù Lá, Mường. Mỗi tộc người, mỗi bản làng, mỗi vùng văn hóa đều mang những sắc thái riêng, độc đáo mà nhiều du khách trong nước và quốc tế đã lưu tâm và tìm đến.
Từ tiềm năng, thế mạnh, trong giai đoạn 2016 - 2020, Yên Bái đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách phát triển du lịch, tập trung vào loại hình DLCĐ. Trong đó, Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND ngày 2/8/2018 của HĐND tỉnh đã hỗ trợ được 176 hồ sơ với tổng số tiền gần 7,5 tỷ đồng.
Nguồn hỗ trợ gồm các khoản: Hỗ trợ tổ chức 15 lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghề du lịch cho nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch; hỗ trợ đầu tư mua sắm thiết bị thu gom rác thải tại 13 thôn (bản) có hoạt động DLCĐ và địa điểm có hoạt động du lịch; hỗ trợ xây dựng 3 nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại các trung tâm và các địa điểm có hoạt động du lịch; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho 84 hộ kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; hỗ trợ kinh phí thành lập và duy trì hoạt động 61 đội văn nghệ quần chúng phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các thôn (bản) có hoạt động DLCĐ…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ DLCĐ, tại 25 điểm hoạt động du lịch của các huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên, Trấn Yên và TX. Nghĩa Lộ.
Trong thời gian gần đây, một số tuyến DLCĐ được khai thác, đẩy mạnh, tập trung ở khu vực phía Tây của tỉnh và phía Đông hồ Thác Bà, trên cơ sở kết nối các điểm DLCĐ của tỉnh như: Sơn Thịnh - Suối Giàng - Sà Rèn (Nghĩa Lợi) - Tú Lệ - La Pán Tẩn - Thị trấn Mù Cang Chải; Sơn Thịnh - Nghĩa An - Trạm Tấu; Phúc An - Vũ Linh - Cẩm Nhân - Ngọc Chấn; Khai Trung - Mường Lai.
Nhiều lợi ích...
DLCD tại Yên Bái bắt đầu từ năm 2005 ở bản Đêu, xã Nghĩa An (TX. Nghĩa Lộ), sau đó phát triển sang các thôn bản khác. Tính đến cuối năm 2020, Yên Bái có 209 hộ gia đình hoạt động DLCĐ. Với nhiều chính sách hỗ trợ của địa phương, sự nỗ lực của các hộ kinh doanh, cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao. Ngoài cung cấp điểm lưu trú, các hộ kinh doanh còn kết hợp bán các mặt hàng nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ của địa phương.
Một góc bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi (TX. Nghĩa Lộ)
Bà Hoàng Thị Loan, bản Sà Rèn (xã Nghĩa Lợi, TX. Nghĩa Lộ) phấn khởi chia sẻ: Từ năm 2014, khi có chủ trương của tỉnh về xây dựng mô hình du lịch điểm, được hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình bà đã cải tạo ngôi nhà sàn của mình để đón khách. Thời điểm khi chưa có dịch Covid-19, trung bình mỗi năm, gia đình đón khoảng 1.300 lượt khách, cho thu nhập từ dịch vụ nghỉ trên 100 triệu đồng; chưa kể thu từ dịch vụ cho thuê xe đạp, ăn uống, các chương trình văn hóa, văn nghệ. Mô hình của gia đình bà Loan còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 người dân địa phương.
Ông Lường Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi (TX. Nghĩa Lộ) cho biết: Những năm 2018, 2019, mỗi năm Nghĩa Lợi đón hơn 30.000 lượt khách, trong đó có nhiều khách quốc tế. Năm 2020, do đại dịch Covid-19 nên khách đến Nghĩa Lợi khoảng 10.000 lượt, chủ yếu là khách nội địa. Điều quan trọng, thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng vừa bảo tồn bản sắc văn hóa, tăng thu nhập cho người dân, DLCĐ cũng đang góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn.
Giai đoạn 2016 - 2020, Yên Bái đã thu hút trên 3 triệu lượt khách, trong đó có trên 227.000 lượt khách quốc tế; tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 10,3%, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 19,6% /năm, tạo việc làm cho gần 8.000 lao động.
Năm 2020, tuy bị ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19, nhưng Yên Bái vẫn thu hút trên 760.000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, doanh thu đạt gần 500 tỷ đồng.
Điểm nhấn tại mỗi điểm DLCĐ là, du khách vừa được thưởng thức các món ăn đặc sản vùng núi Tây Bắc, vừa được lắng nghe những làn điệu dân ca truyền thống như: Sình ca, những điệu múa xúc tép, chim gâu; hay tìm hiểu phong tục truyền thống trong lễ Cấp sắc, rước dâu của tộc người Dao và Cao Lan; trải nghiệm đời sống lao động sản xuất của dân tộc Thái ở Mường Lò, dân tộc Mông ở Mù Cang Chải, dân tộc Dao, Tày... ở vùng hồ Thác Bà...
Du khách trải nghiệm giã cốm Tú Lệ
Nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng
Những năm qua, việc phát triển DLCĐ tại Yên Bái là một trong những hướng đi quan trọng, được tỉnh ưu tiên thực hiện, góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc địa phương, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là nâng cao chất lượng xây dựng NTM.
Bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết: Yên Bái xác định phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng, trong đó, DLCĐ là một thế mạnh được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để phát triển.
Thời gian tới, Yên Bái tập trung phát triển DLCĐ gắn với bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Kết hợp DLCĐ với du lịch nông nghiệp, nông thôn, trải nghiệm đời sống lao động sản xuất của cư dân trong vùng. Thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan đến phát triển DLCĐ trong Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 về Ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.
Tỉnh Yên Bái cũng đang chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ DLCĐ, đặc biệt chú trọng đào tạo trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ người dân tham gia làm DLCĐ. Tuyên truyền, quảng bá để người dân tham gia ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động DLCĐ, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Tăng cường quản lý, giám sát việc triển khai các dự án đầu tư phát triển DLCĐ, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ tài nguyên và môi trường, có kiến trúc phù hợp với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa, hạn chế tối đa việc thay đổi địa hình tự nhiên. Kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, xử lý chất thải, nước thải, tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…
Đặc biệt, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường các hình thức quảng bá hình ảnh DLCĐ, hình thành những nét đặc trưng, điểm nhấn riêng cho DLCĐ của tỉnh.
Văn Hoa (CĐ)