Non nước Việt Nam

Thừa Thiên Huế: Lênh đênh đầm phá Cầu Hai, cửa biển Tư Hiền

Cập nhật: 03/08/2021 08:41:12
Số lần đọc: 777
Chúng tôi tìm đến xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), nơi đầm Cầu Hai thông ra biển Đông, để cảm nhận một phần nào cảnh đẹp và cuộc sống nơi sông nước vốn nổi danh “sơn thủy hữu tình” của xứ Huế.


Khoảnh khắc cuối ngày trên đầm Cầu Hai.

Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là hệ sinh thái nước lợ rộng lớn và phong phú bậc nhất Đông Nam Á với tổng diện tích mặt nước khoảng 216km2, muốn khám phá hết có lẽ phải dành nhiều năm… Nhiều tour du lịch quảng cáo hoàng hôn trên đầm phá là đẹp nhất. Lại có người nói, nhất định phải ngắm bình minh.

Chúng tôi quyết định ngủ một đêm trên đầm để được thưởng thức cả hai thời điểm đặc biệt này. Chạy xe từ thành phố Huế về, do mải mê ngắm cảnh làng mạc, chùa chiền hai bên đường đi nên chúng tôi đến nơi khá muộn, khi mặt trời đã xuống núi, ráng chiều gần tan. Tuy vậy, cả đầm phá vẫn đẹp lung linh trong những quầng sáng màu tím hồng, xa xa le lói ánh đèn trong làng và trên những con thuyền. Mặt nước mênh mông cũng phản chiếu ánh hồng, gợn chút sóng lăn tăn theo từng cơn gió mát rượi.

Qua sự giới thiệu của một người bạn, chúng tôi liên hệ với anh Nguyễn Văn Ty, ngư dân trong xã, để ăn, ngủ tại thuyền của gia đình anh – một kiểu “homestay” nhưng là trên mặt nước, hứa hẹn những trải nghiệm độc đáo, thú vị. 

Gia đình anh Ty thết đãi chúng tôi một bữa tiệc cá, tôm ngay trên chiếc thuyền lênh đênh giữa đầm, dưới trăng thanh gió mát. Cá ong, cá căng, cá hành, cá nâu... tươi rói, được hấp gừng, nấu chua dậy mùi thơm phức, ăn vào ngọt lịm. Chủ và khách chuyện trò sôi nổi đến khuya. Chị Nga, vợ anh Ty, còn cao hứng hát cho chúng tôi nghe vài đoạn hò, ca Huế (mà thú thực tôi nghe không rõ lời, chỉ nhớ là giọng Huế thật ngọt, thật tình).

Trên chiếc thuyền nhiều năm gắn bó với gia đình ngư dân Nguyễn Văn Ty. Trước đây, cả gia đình sinh hoạt sống trên thuyền, mọi sinh hoạt diễn ra ở đó. Khi đời sống khấm khá hơn, anh chị đã xây được nhà trong làng, con thuyền chỉ còn là phương tiện đi thăm lồng cá, đi chợ, gần đây có thêm “nhiệm vụ” đón khách du lịch bụi muốn trải nghiệm ngủ đêm.

Khoảng 4giờ 30 phút hôm sau, chúng tôi thức dậy và được anh Ty dùng xuồng máy đưa đi dạo quanh vùng đầm phá. Tờ mờ sáng, dù là mùa hè nhưng sương mù vẫn bảng lảng trên mặt nước, thấp thoáng bóng thuyền, phía xa là những dãy núi nhấp nhô, trông như bức tranh thủy mặc. Mặt trời còn chưa mọc, những con thuyền đã tấp nập hoạt động.

Có một cái chợ con ngay bên bờ, họp từ quá nửa đêm. Ngư dân và tiểu thương tụ họp về đây để mua bán những mẻ cá, tôm tươi ngon vừa được khai thác từ đầm. Ngoài khu thủy sản, chợ còn có những dãy hàng ăn chẳng thiếu thứ gì, nào bún, phở, bánh canh, hủ tiếu… 

Trời sáng dần, toàn bộ không gian trời, mây, nước chuyển màu hồng cam, báo hiệu vầng thái dương sắp ló rạng.

 
Mặt trời đỏ rực mang theo ánh sáng và hơi ấm lan tỏa khắp một vùng sông nước mênh mang, soi rõ những nhà chồ (nhà chòi) và “rừng” ô lồng nuôi cá, tôm… của ngư dân.
 

Mặt trời lên cao, vàng như rót mật. Tuy vậy, không khí vẫn mát mẻ, trong lành, không hề oi bức.

Một góc đầm Cầu Hai nhìn từ núi Túy Vân (cao khoảng 60m). Thuyền bè rẽ sóng tạo nên những hình ảnh và âm thanh sống động đón chào ngày mới.

Chúng tôi tiếp tục ghé qua cửa biển Tư Hiền (trước đây gọi là cửa Tư Dung, gắn với một truyền thuyết đẹp về công chúa Huyền Trân). Nơi đây có bãi biển thoai thoải và cát mịn màng, rất hoang sơ.

Vỏ sò, ốc nhỏ rải rác trên bờ biển Tư Hiền. Là nơi cửa sông đổ ra biển, có núi non, có làng mạc, khu vực đầm Cầu Hai – cửa biển Tư Hiền còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.     

Hải Lâm

 

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT