Đồng Tháp: Lần đầu đến Tràm Chim
Vườn Quốc gia Tràm Chim - khu Ramsar (dự trữ sinh quyển) có tầm quan trọng quốc tế, xếp thứ 2.000 trên thế giới và thứ 4 ở Việt Nam. Vườn là vùng đất nằm trong địa phận của 7 xã, thị trấn của huyện Tam Nông. Vườn có tổng diện tích hơn 7.500 ha, là mô hình thu nhỏ của Đồng Tháp Mười, với hệ sinh thái đa dạng, nơi du khách có thể thỏa sức khám phá những nét đặc trưng của miền Tây sông nước.
Vườn Quốc gia Tràm Chim - điểm đến của du khách.
Từ thành phố Cao Lãnh, thủ phủ của tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi bắt xe ca (xe đò) bon bon trên Quốc lộ 30 để tới Tràm Chim. Quãng đường 35 km dường như ngắn lại khi có biết bao nhiêu cảnh sắc đặc trưng của miền Tây Nam Bộ hiện ra trước mắt. Những miệt vườn cây trái tấp nập người thu hái.
Đang thỏa trí với không gian rộng lớn thì chiếc biển hiệu lớn “Vườn Quốc gia Tràm Chim” đã hiện ra trước mắt. Ồ, Tràm Chim đây rồi! Tất cả mọi người trong xe ồ lên phấn khởi. Sau khi làm thủ tục mua vé, đăng ký tham quan, mọi người được Trung tâm Dịch vụ du lịch của Vườn sắp xếp vào những chiếc thuyền (trên dưới 10 người/thuyền) bắt đầu hành trình khám phá Tràm Chim.
Tràm Chim hiện ra trước mắt tôi bắt đầu là cánh đồng cỏ năng trải dài tít tắp. Xen lẫn đồng cỏ năng hoặc tạo riêng thành cánh đồng rộng lớn nằm sát hai bên dòng kênh nước là hoa sen. Những cánh đồng sen chạy dài tít tắp, tỏa hương thơm ngát. “Trời, hoa sen nhiều quá vậy! Mình chưa bao giờ thấy ở đâu nhiều hoa sen chạy dài tít tắp như thế này. Thật tuyệt vời.”, chị Giàng Thị Dung, khách du lịch tỉnh Lai Châu cũng giống như tôi lần đầu tới Tràm Chim trầm trồ.
Thời điểm chúng tôi đến đây đúng mùa nước nổi. Theo người dân địa phương, mùa nước nổi diễn ra từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch (khoảng tháng 9 - 12 dương lịch) và cũng là mùa du lịch của Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Đến với vùng đất lạ mùa này, du khách sẽ được thỏa sức tham gia các hoạt động thú vị, như: Chèo xuồng ba lá trải nghiệm cuộc sống vùng ngập nước, hoặc được tự tay thực hiện những công việc sinh kế của cư dân vùng lũ để giăng lưới, đặt lợp, đặt trúm bắt cá hay thử tài với thú vui đi săn chuột đồng, một món đặc sản của xứ này.
Mùa nước nổi cũng là mùa chim sinh sản. Thật thích thú khi tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh sôi, nảy nở của những loài chim, nào là sếu, cò trắng, cò bợ, trích cổ… Những chú cò trắng, cò bợ thật bạo dạn khi thuyền chúng tôi đi tới sát nhưng chúng vẫn thản nhiên như chốn không người, miệt mài tìm kiếm mồi ăn rồi mớm mồi cho những chú chim nhỏ. Thấy đoàn khách không ngớt lời tán dương vùng đất tươi đẹp, anh Đăng Hồng Minh, người dân địa phương và cũng là người lái ghe thuyền chở chúng tôi bảo: “Thú vị, hấp dẫn nhất ở Tràm Chim là sếu đầu đỏ. Đây là loại động vật quý hiếm được xếp vào sách đỏ Việt Nam. Tuy nhiên do nhiều yếu tố, đặc biệt là do có thời điểm trước đây nạn săn bắn của con người nên loài chim quý này đã bị suy giảm nghiêm trọng”. Không biết lời nói của anh Minh có chính xác không, nhưng quả thật chiếc thuyền chạy tới cả chục km kênh rạch, khi thật gần tôi cũng chỉ nhìn thấy lác đác vài chú chim sếu đầu đỏ đang kiếm mồi, bất chợt phát hiện có người đến gần là chúng lập tức bay đi xa ngay. Đúng là “Con chim sợ cành cây cong”.
Chiếc thuyền tiếp tục hành trình đi qua những dòng kênh nhỏ, len lỏi chạy xuyên qua những tán tràm đưa chúng tôi vào vùng lõi của Vườn Quốc gia Tràm Chim. Người miền núi đã quen với rừng cây, núi đồi, nhưng được lướt giữa những cánh rừng tràm thật là thú vị.
Sau hành trình khám phá Vườn Quốc gia Tràm Chim, để thưởng thức đầy đủ hương vị vùng sông nước, du khách có thể chọn cho mình những chiếc bè nổi, thưởng thức các món ngon dân dã mang hương vị đồng quê như: Cá lóc nướng trui, cá kho bông súng, ốc hấp tiêu, lẩu cua đồng, lươn um sả, chả cá chiên giòn, khô cá lóc, cá trèn, cá chạnh nướng… Ngồi giữa mênh mang đất trời mà tan chảy theo từng món ăn, chắc chắn đây sẽ là những ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
Một lần đến để một lần thương, một lần nhớ, người miền Tây thường nói với khách phương xa như vậy. Chúng tôi chia tay Tràm Chim, chia tay Đồng Tháp mà nhớ mãi khung trời kỳ ảo, nhớ những cánh chim dập dờn trên rặng tràm xanh ngút, nhớ dòng nước lớn với bao la các loại cá về sinh sôi…
Tô Dung