Hoạt động của ngành

Tiềm năng phát triển du lịch ở Pác Nặm (Bắc Kạn)

Cập nhật: 22/02/2019 14:31:17
Số lần đọc: 1213
Những năm qua, mặc dù đã có được những kết quả đáng mừng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xong lĩnh vực phát triển du lịch ở Pác Nặm vẫn chưa được phát huy được xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. 

Huyện Pác Nặm có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng. Ngoài những tiềm năng sẵn có, Pác Nặm còn là vị trí giáp ranh với các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng và là khu vệ tinh rất phù hợp cho hồ Ba Bể (Bắc Kạn). Khi đến hồ Ba Bể, du khách có thể đi trải nghiệm, nghỉ dưỡng ở nhiều vị trí của huyện Pác Nặm với nhiều loại hình đa dạng, gắn liền với nếp sống của người dân bản địa và thưởng thức một số loại hình văn hóa tiêu biểu như: Hát then đàn tính, hát sli lượn của người Tày; múa khèn của người Mông; Lễ cấp sắc của người Dao…


 

Theo đồng chí Đào Duy Hưng- Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm: Những năm gần đây, huyện đang chú trọng đến một số mô hình du lịch sinh thái theo hướng bền vững và dựa vào cộng đồng, nhằm gìn giữ và tôn tạo giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có đủ khả năng, nguồn lực đến đầu tư phát triển du lịch tại huyện. Mặt khác, Pác Nặm cũng đang từng bước xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết để phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện về du lịch, hướng đến người dân phát triển du lịch, phát huy giá trị các sản vật địa phương từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Đặc biệt, khu vực Mù Là thuộc thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh nếu có sự đầu tư với quy mô hơn thì đây có thể là điểm du lịch hấp dẫn ở Pác Nặm. Nơi đây có địa hình rất đẹp, nhiều du khách đến đây đã so sánh với Sapa của tỉnh Lào Cai, khá phù hợp với nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng homstay, cáp treo ngắm cảnh, du lịch mạo hiểm… Mù Là có khí hậu trong lành và là nơi giáp ranh giữa tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang. Lộ trình theo tuyến đường tỉnh 258B đi từ huyện Ba Bể qua các xã Nghiên Loan – Xuân La – Bộc Bố - Giáo Hiệu – Công Bằng – Cổ Linh – Cao Tân rồi về hồ Ba Bể và ngược lại có thể trải nghiệm và thưởng thức những nét ẩm thực gắn liền với đời sống của người dân với các món ăn dân dã như: Thịt lợn ta treo gác bếp, thịt lợn quay; thịt trâu, bò sấy khô; thịt gà ta thả đồi, gà quay; rau rừng, tắm nước lá thảo dược…

 

Những năm qua, Pác Nặm cũng đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân. Đến nay, nhìn chung cuộc sống của đại bộ phận người dân đã có những bước phát triển khá, đa phần người dân đã có của ăn, của để, vấn đề phát triển du lịch nhằm tiếp tục khai thác những tiềm năng ở địa phương là một hướng đi đã và đang được nhiều người quan tâm. Lãnh đạo huyện Pác Nặm cũng đưa ra bài toán khi có du lịch sẽ nâng cao được giá trị sản vật của người dân gắn với các loại hình dịch vụ du lịch phục vụ du khách bằng những tiềm năng sẵn có ở địa phương.

Tuy nhiên, đầu tư cho du lịch cần nguồn lực rất lớn. Thế nên, huyện Pác Nặm mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của Nhà nước. Mặt khác, huyện sẽ tạo điều kiện tối đa cho các công ty, doanh nghiệp đến để cùng hợp tác cùng khai thác tiềm năng du lịch./.

Nguồn: baobackan.org.vn
Từ khóa: Bắc Kạn

Cùng chuyên mục