Hoạt động của ngành

Tìm giải pháp thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Cập nhật: 29/07/2020 18:05:00
Số lần đọc: 709
(TITC) – Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tại Hội nghị sơ kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 diễn ra vào ngày 28/7/2020, tại Hà Nội.

Trong 6 tháng đầu năm, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế và thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về xây dựng các đề án, các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và đảm bảo tiến độ theo quy định. Công tác cải cách hành chính được triển khai tích cực, bám sát nội dung kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử vận hành thông suốt, kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. Các thủ tục hành chính của Bộ đã được cung cấp trực tuyến ở các mức độ từ 1 đến 4.

Trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi 09 di tích quốc gia đặc biệt. Ban hành quyết định xếp hạng 21 di tích quốc gia. Thêm 11 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trình UNESCO hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…

Trong lĩnh vực thể dục thể thao, trình Chính phủ ban hành Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc tổ chức Sea Games 31; Quyết định số 288/QĐ-BCĐQG2021 ngày 19/6/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia thành lập Ban Tổ chức SEA Game 31, ASEAN Para Games 11. Ban hành đề án khảo sát thể chất người Việt Nam theo tiêu chí của ASEAN. Xây dựng 07 Thông tư quy định, tiêu chuẩn, định mức, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực thể dục thể thao.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Triển khai Đề án “Đào tạo, tuyển chọn, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”. Tập trung công tác chuẩn bị lực lượng tham dự vòng loại Olympic, Paralympic Tokyo 2021, Sea Games 31 năm 2021 và các giải thể thao khu vực, châu lục và thế giới. Đặc biệt, giải bóng đá Vô địch Quốc gia và Cup Quốc gia đã thu hút lượng lớn khán giả tới xem và cổ vũ. Đưa Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tổ chức lại các trận thi đấu bóng đá có khán giả trên sân vận động.

Trong 6 tháng đầu năm thể thao Việt Nam đã tham gia 18 giải thể thao quốc tế, giành 26 huy chương vàng, 11 huy chương bạc, 08 huy chương đồng. Đến nay Việt Nam đã có 5 suất chính thức tham dự Olympic Tokyo gồm các môn: bắn cung (02), Boxing (01), thể dục dụng cụ (01), bơi (01).

Trong lĩnh vực du lịch, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3.686.779 lượt khách (từ cuối tháng 3/2020 dừng đón khách quốc tế), giảm 49% so với cùng kỳ năm 2019. Khách du lịch nội địa đạt 23 triệu lượt, trong đó có 11,8 triệu lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 176.800 tỷ đồng, giảm 47,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Công tác xây dựng thể chế, chính sách phát triển du lịch được chú trọng. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 trong lĩnh vực du lịch. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”.

Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tiếp tục được phát triển; nhiều sản phẩm du lịch được bổ sung đa dạng tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch. Hiện cả nước có 175 khách sạn 5 sao, 306 khách sạn 4 sao; 2.668 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Công tác quản lý cấp thẻ hướng dẫn viên, đào tạo hướng dẫn viên được các Sở quản lý du lịch thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Cả nước hiện có 26.471 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2019, tháng 1/2020 du lịch Việt Nam đón được hơn 2 triệu lượt khách quốc tế, đây là lượng khách quốc tế lớn nhất trong một tháng từ trước đến nay.

Tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành Du lịch. Trong tháng 3 và tháng 4/2020 công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt 20% so với cùng kỳ; 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế tạm dừng hoạt động. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành Du lịch đã triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với sự tham gia của hầu hết các tỉnh, thành phố, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch trên phạm vi cả nước. Nhờ đó lượng khách đã có dấu hiệu phục hồi trở lại. Trong tháng 6, nhiều địa phương đã ghi nhận lượng khách nội địa tăng mạnh từ 1,5 đến 3 lần so với tháng 5.

Sau 99 ngày Việt Nam không có người mắc Covid-19 trong cộng đồng thì đến nay đã có một số trường hợp mắc Covid-19 tại Đà Nẵng và một số địa phương. Trong thời gian tới, ngành Du lịch sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo về phòng chống dịch của Đảng và Chính phủ. Đồng thời tiếp tục chuẩn bị các phương án, kịch bản phục hồi du lịch khi điều kiện cho phép.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành VHTTDL trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều cố gắng, bám sát các chương trình, kế hoạch được giao để triển khai các nhiệm vụ với kết quả khả quan, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Bộ trưởng nhấn mạnh, toàn ngành cần phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục khó khăn, tìm giải pháp để hoàn thành mục tiêu kép theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là vừa chống dịch, vừa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục