Hoạt động của ngành

Tổ chức điều tra tài nguyên du lịch nhằm hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất

Cập nhật: 04/11/2024 09:11:12
Số lần đọc: 118
(TITC) - Ngày 01/11/2024 tại TP. Vũng Tàu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị triển khai điều tra tài nguyên du lịch năm 2024.

Lãnh đạo Trung ương và địa phương dự Hội nghị (Ảnh: TITC)

Đây là chương trình nằm trong Kế hoạch tổng thể tổ chức điều tra tài nguyên du lịch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được quy định chi tiết tại một số điều của Luật Du lịch về công tác điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch. Đồng thời hướng đến hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch phục vụ cho công tác quản lý, lập quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển các khu, điểm du lịch trên phạm vi cả nước.

Dự hội nghị về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Thứ trưởng Hồ An Phong, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu. Về phía địa phương có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh, lãnh đạo Sở Du lịch, Sở VHTTDL một số địa phương; đại diện UBND các quận, huyện thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Ban Quản lý các điểm đến, di tích…

Điều tra tài nguyên du lịch là cơ sở xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định: Việt Nam được ban tặng nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa vô cùng đa dạng và hấp dẫn, với các danh lam thắng cảnh, di tích và lễ hội văn hóa dày đặc. Hiện nay, cả nước có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, Việt Nam còn sở hữu bờ biển dài 3.260 km với 125 bãi tắm biển, hàng nghìn lễ hội, hang động, công viên địa chất, khu dự trữ sinh quyển... Tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, đa dạng, tuy nhiên cho đến nay chưa được điều tra, đánh giá phân loại bài bản, thống nhất, triệt để.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: TITC)

Theo Thứ trưởng, nhiều điểm đến của Việt Nam rất hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tiêu biểu là tour khám phá Sơn Đoòng đã kín lịch đặt chỗ đến hết năm 2026. Giá tour không phải thấp nhưng vẫn thu hút rất đông du khách bởi những giá trị tự nhiên và tài nguyên phong phú, đặc sắc, mới lạ.

Việc phát huy các giá trị của tài nguyên tự nhiên và văn hóa là nhằm phát triển trở thành sản phẩm du lịch và là cơ sở để xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách, kế hoạch phát triển du lịch. Việc điều tra tài nguyên du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình quản lý và phát triển ngành du lịch. Kết quả điều tra cho ta thông tin cơ sở dữ liệu chi tiết và đa chiều về tài nguyên du lịch, giúp công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương thống nhất hiệu quả và bền vững cả trong lập quy hoạch, kế hoạch, cả trong khai thác và quản lý tài nguyên du lịch. Luật Du lịch năm 2017 đã quy định chi tiết về công tác điều tra tài nguyên du lịch. Đây là nhiệm vụ quan trọng có phạm vi triển khai rộng lớn trên cả nước, do đó, cần triển khai toàn diện, thực hiện bài bản và chi tiết đến từng địa bàn, từng loại tài nguyên để làm cơ sở dữ liệu sử dụng lâu dài.

Thứ trưởng Hồ An Phong đặt vấn đề: “Muốn phát triển du lịch quan trọng nhất là đánh giá tài nguyên; Nhà nước có cho vào quy hoạch phát triển sản phẩm không?; Doanh nghiệp có đầu tư, đưa khách đến không?; Người dân có làm du lịch không?”,

Nhận thức được sự cần thiết và tầm quan trọng của hoạt động điều tra tài nguyên du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch và Phương án điều tra tài nguyên du lịch trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, chủ thể quản lý trong công tác điều tra tài nguyên du lịch. Việc phân định trách nhiệm giữa các bên giúp đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả và thống nhất trong quá trình điều tra tài nguyên du lịch. Quy trình này không chỉ giúp cho việc triển khai đồng bộ mà còn giúp cập nhật đầy đủ thông tin cần thiết, nhận diện đúng những giá trị quý giá của tài nguyên và hình thành cơ sở dữ liệu để định hình chiến lược phát triển du lịch và quản lý tài nguyên một cách bền vững.

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: TITC)

Thứ trưởng Hồ An Phong yêu cầu cần nhận diện giá trị tài nguyên du lịch một cách đầy đủ, ứng xử với tài nguyên, điểm đến, khoanh vùng, đánh giá đưa vào quy hoạch, phù hợp với Luật Du lịch 2017 và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng Hồ An Phong nêu ra định hướng để các đại biểu dự hội nghị trao đổi, chia sẻ nhiều ý kiến, góp ý về phương pháp, đảm bảo thời gian tiến độ, chọn lựa những điểm đến phù hợp nhất, kết hợp cùng hoạt động chuyển đổi số để tạo nên cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch đồng bộ, thống nhất trong cả nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TITC)

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh cho biết: Bà Rịa - Vũng Tàu là một địa phương có đặc điểm khí hậu, thời tiết và nguồn tài nguyên thiên nhiên được ưu đãi, thuận lợi phát triển du lịch. Bà Rịa – Vũng Tàu đặt trọng tâm phát triển các loại hình sản phẩm du lịch như: du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch cộng đồng; du lịch gắn với hoạt động thể dục, thể thao; du lịch gắn với vui chơi giải trí và du lịch khám chữa bệnh; do đó, tỉnh đã thúc đẩy hình thành và phát triển các công trình nghỉ dưỡng cao cấp, đa dạng sản phẩm dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí quy mô đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch, nhất là khách du lịch cao cấp ngày càng được hoàn thiện về chất lượng và số lượng với hơn 1.300 cơ sở, trong đó có 11 khách sạn 5 sao; khoảng 230 điểm đến du lịch, 54 tour, tuyến du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí và mua sắm.

Bên cạnh đó, tỉnh còn có điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng cảng biển, gần sân bay quốc tế Long Thành đang xây dựng cách Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 40 phút di chuyển. Hệ thống giao thông đường bộ đã được tỉnh tập trung chỉ đạo hoàn thiện trong 1-2 năm tới (đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường ven biển, Cầu Phước An).

Phó Chủ tịch Lê Ngọc Khánh nhấn mạnh, tài nguyên du lịch là cơ sở và yếu tố cần thiết để xây dựng các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, để hệ thống hóa phục vụ công tác quản lý và khai thác tối đa tài nguyên hiện có, cần phải tổ chức điều tra, phân loại, thực hiện quản lý tài nguyên theo quy định và phải có sự kết nối từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, sự liên kết giữa các địa phương lân cận với nhau nhằm trao đổi cách thức tổ chức, bố trí hoạt động hợp lý, thiết kế tour tuyến khoa học.

Sẽ tiến hành điều tra tài nguyên du lịch trên phạm vi cả nước

Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đã giới thiệu về Kế hoạch tổng thể tổ chức điều tra tài nguyên du lịch và Phương án điều tra tài nguyên du lịch và Hướng dẫn triển khai điều tra tài nguyên tại địa phương.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TITC)

Theo đó, đối tượng điều tra gồm có: Tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch. Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.

Việc điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch trên phạm vi toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thời điểm tiến hành điều tra từ năm 2024 (dự kiến thực hiện trong vòng 05 năm).

Nhiệm vụ của công tác tổ chức điều tra tài nguyên du lịch bao gồm: Xây dựng kế hoạch, phương án điều tra; Xây dựng phần mềm và các tài liệu hướng dẫn phục vụ công tác điều tra tài nguyên du lịch; Tổ chức tập huấn công tác điều tra; Tổ chức triển khai điều tra; Tổ chức tổng hợp, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch; Tổ chức công bố và lưu trữ kết quả điều tra…

Về phương pháp điều tra có phương pháp gián tiếp (thu thập thông tin sẵn có từ các cơ quan, đơn vị quản lý tài nguyên du lịch) và phương pháp trực tiếp (thực hiện cùng cơ quan quản lý tại điểm tài nguyên tiến hành điều tra thực địa, đo đạc, lấy thông tin về tài nguyên du lịch). Tài nguyên du lịch được đánh giá theo từng tiêu chí và các yếu tố đánh giá cả định tính và định lượng, được tổng hợp bằng số điểm đánh giá.

Tổng điểm đánh giá tối đa theo thang điểm 100, trong đó: Điểm đánh giá tối đa về mức độ hấp dẫn của tài nguyên du lịch (30 điểm); Điểm đánh giá tối đa về giá trị tài nguyên du lịch (10 điểm); Điểm đánh giá tối đa về sức chứa tài nguyên du lịch (10 điểm); Điểm đánh giá tối đa về phạm vi của tài nguyên du lịch (10 điểm); Điểm đánh giá tối đa về khả năng khai thác phục vụ phát triển du lịch của tài nguyên du lịch (40 điểm).

Tài nguyên du lịch được đánh giá theo 04 hạng: hạng 1, kết quả đánh giá đạt từ từ 75 - 100 điểm, tài nguyên du lịch được đánh giá rất cao, đặc biệt hấp dẫn, có các điều kiện khai thác và phát triển tối ưu. Hạng 2 (đạt từ 50 - 75 điểm), tài nguyên du lịch được đánh giá cao, có mức độ hẫn dẫn cao và điều kiện khai thác tốt. Hạng 3 (đạt từ 25 - 50 điểm), tài nguyên du lịch được đánh giá ở mức trung bình, có mức độ hấp dẫn và khả năng thu hút khách vừa phải. Hạng 4 (đạt dưới 25 điểm), tài nguyên du lịch được đánh giá thấp, khó có khả năng khai thác phát triển du lịch.

Các đại biểu dự Hội nghị đã tập trung trao đổi, chia sẻ về một số nội dung liên quan đến công tác điều tra tài nguyên du lịch như kinh phí triển khai, khung hướng dẫn, tập huấn cho các thành phố, huyện, thị tại các địa phương, cách thức thực hiện, thang điểm, việc triển khai điều tra đồng bộ tránh chồng chéo, xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu…

Lãnh đạo và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị (Ảnh: TITC)

Chiều cùng ngày, đại diện Ủy ban cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) đã phổ biến một số nội dung của Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời các đại biểu dự Hội nghị đã chia làm 4 nhóm thảo luận: Nhóm 1: Tài nguyên du lịch tự nhiên; Nhóm 2: Tài nguyên du lịch nhân văn; Nhóm 3: Vai trò của Sở quản lý du lịch tại địa phương; Nhóm 4: Vai trò của đơn vị sở hữu tài nguyên.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đề nghị các Sở quản lý du lịch các địa phương tiếp thu để sớm xây dựng phương án, triển khai kế hoạch điều tra; đề nghị đơn vị thường trực của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp thu các ý kiến xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá tài nguyên du lịch để các địa phương làm cơ sở triển khai kế hoạch. Phó Cục trưởng bày tỏ tin tưởng rằng trong thời gian tới khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiên phong xây dựng kế hoạch triển khai sẽ là ví dụ điển hình để các địa phương khác tham khảo hoàn thiện kế hoạch của địa phương mình.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện dự thảo Thông tư định mức kinh tế, kỹ thuật về điều tra tài nguyên du lịch trình Bộ VHTTDL ban hành và sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương trong quá trình triển khai kế hoạch.

Các đại biểu khảo sát Khu di tích Dinh Cô (Ảnh: TITC)

Trước đó, đoàn công tác Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và các đại biểu dự Hội nghị đã đi khảo sát, đánh giá thí điểm thực địa tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại Khu di tích lịch sử văn hóa Dinh Cô; Khu di tích lịch sử căn cứ Minh Đạm và Khu khoáng nóng Bình Châu.

Các đại biểu khảo sát Khu di tích lịch sử Minh Đạm (Ảnh: TITC)

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 02/11/2024

Cùng chuyên mục