Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc: Hà Nam cần thu hút các nhà đầu tư lớn phát triển hạ tầng du lịch phục vụ du khách
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TITC
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy cho biết: Những năm gần đây, ngành du lịch Hà Nam đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vốn có, đẩy mạnh phát triển du lịch. Năm 2023, Hà Nam đón hơn 4 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.000 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2024, Hà Nam đón khoảng 4,2 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.200 tỷ đồng, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Du lịch Hà Nam đang dần khẳng định thương hiệu là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách, liên tiếp trong hai năm 2023 và 2024 Hà Nam được Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh là Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới và Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu Châu Á. Hà Nam đang quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, xây dựng Hà Nam thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TITC
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, bên cạnh khai thác tiềm năng, lợi thế, Hà Nam tiếp tục tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư và hoạt động văn hóa du lịch. Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch năm 2024 với chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối” là một trong những sự kiện tiêu biểu của Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam năm 2024. Đây là dịp để Hà Nam quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, những nét đặc sắc, hấp dẫn, giá trị nổi bật, độc đáo của du lịch Hà Nam và chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch để các nhà đầu tư và du khách trong, ngoài nước biết đến mảnh đất, con người Hà Nam, qua đó thu hút các nhà đầu tư về nghiên cứu, đầu tư tại Hà Nam.
Đồng thời, qua hội nghị này phát huy hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng liên kết phát triển du lịch; tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch tìm hiểu, giao lưu, quảng bá, kết nối, xây dựng các tour, tuyến du lịch phù hợp, hấp dẫn, phục vụ tốt nhất cho du khách; để du khách đến với Hà Nam ngày càng nhiều hơn, từ đó giúp tỉnh đạt được mục tiêu trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tăng thu ngân sách, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác của tỉnh cùng phát triển, xây dựng tỉnh Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phó Đại sứ, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Ishikawa Isamu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC
Phát biểu tại hội nghị, ông Ishikawa Isamu, Phó Đại sứ, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Hà Nam đang phấn đấu đón 4 triệu khách du lịch mỗi năm, trong đó có 490.000 khách du lịch quốc tế vào năm 2025 và bày tỏ tin tưởng Hà Nam sẽ đạt được mục tiêu này. Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định sẽ sẵn sàng hỗ trợ tỉnh Hà Nam tiếp cận với các hãng lữ hành của Nhật và kết nối để các nhà đầu tư du lịch của Nhật Bản tham gia các dự án phát triển du lịch tại Hà Nam.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho biết: Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, cùng sự phối hợp chặt chẽ từ các Bộ, Ban, Ngành Trung ương mà trong thời gian vừa qua đã ban hành được nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển du lịch. Các địa phương trong cả nước cũng tích cực liên kết triển khai xây dựng các sản phẩm mới, kết nối thị trường và đẩy mạnh quảng bá, đồng thời tổ chức các hoạt động, sự kiện hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC
Kết quả, 9 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa đạt 95,5 triệu lượt; tổng từ khách du lịch ước đạt 637,7 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng này cho thấy ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ và có khả năng cuối năm nay sẽ đạt được mức trước khi xảy ra đại dịch (năm 2019).
Đánh giá về du lịch Hà Nam, Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cho rằng Hà Nam là địa phương có giàu tiềm năng về thiên nhiên, di sản, văn hóa, lễ hội truyền thống và các làng nghề thủ công tiêu biểu là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch. Trong thời gian vừa qua Hà Nam đã tích cực kêu gọi xúc tiến đầu tư du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Hà Nam ra toàn cầu.
Sở VHTTDL Hà Nam ký kết hợp tác phát triển du lịch với Sở VHTTDL Bình Định và Hà Giang. Ảnh: TITC
Bên cạnh đó, nằm trên trục giao thông huyết mạch, Hà Nam có vị trí địa lý chiến lược để dễ dàng kết nối với các trung tâm du lịch lớn của miền Bắc. Với những tiềm năng này, Hà Nam thực sự là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch.
Để du lịch Hà Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, du lịch phát triển nhanh và bền vững hơn, Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc đề nghị Hà Nam cần tăng cường công tác quảng bá du lịch, ứng dụng công nghệ số để kết nối và quảng bá hình ảnh du lịch địa phương ra toàn cầu. Có thêm chính sách thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch như hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, dịch vụ hỗ trợ du lịch. Đào tạo phát triển nguồn nhân chất lượng cao là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Tập trung phát triển du lịch thông minh trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.
Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa tỉnh Hà Nam với các nhà đầu tư. Ảnh: TITC
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã thảo luận, đưa ra nhiều đánh giá vể tiềm năng, thế mạnh, những hạn chế của du lịch Hà Nam; đưa ra định hướng, gợi mở phát triển du lịch Hà Nam, đồng thời quảng bá những dự án, sản phẩm du lịch chất lượng cao của các tập đoàn đã và đang chuẩn bị đầu tư vào Hà Nam. Tại hội thảo, một số doanh nghiệp, nhà đầu tư về du lịch đã đưa ra những câu hỏi tập trung về chính sách thu hút đầu tư, hạ tầng giao thông, du lịch đường sông, du lịch nông nghiệp nông thôn, chính sách truyền thông, du lịch thể thao chất lượng cao…
Giới thiệu dự án của Tập đoàn Sun Group tại Hà Nam, Bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc Sun Worldcho biết: Với kỳ vọng góp sức ‘đánh thức” tiềm năng du lịch của Hà Nam, Tập đoàn Sun Group đã và đang triển khai những bước đi đầu tiên để làm đẹp vùng đất này. Mới đây nhất là Dự án Đô thị nghỉ dưỡng - Sun Urban City quy mô 420ha với tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỉ đồng đã được khởi công với kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam. Dự án được phát triển theo mô hình “Thành phố nghỉ dưỡng ngoại ô 1.001 tiện ích” với mục tiêu tạo lập môi trường sống hiện đại, tiện nghi và chất lượng cho người dân, đồng thời xây dựng 05 đại công viên với phong cách và công năng khác nhau nhằm tạo động lực lớn cho sự phát triển du lịch của địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Hà Nam trao giấy chứng nhận cho 02 nhà đầu tư. Ảnh: TITC
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy đã trao đổi, cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu, đồng thời giới thiệu rõ hơn những định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển của du lịch Hà Nam trong thời gian tới. Trong đó, Hà Nam đang tiếp tục xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các cao tốc; dọc các tuyến có cây xanh, mặt nước tạo cảnh quan và nhu cầu check in cho du khách; tăng cường nguồn lực đầu tư tu bổ các công trình tâm linh, hình thành, phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề chất lượng cao; tập trung mời gọi các nhà đầu tư xây dựng những khu lưu trú đẳng cấp, thể thao chất lượng cao, nhất là thể thao Golf. Về du lịch đêm, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sẽ chuyển phố đi bộ đêm sang đại lộ Nguyễn Văn Linh (phường Lam Hạ), tại đây sẽ có công viên nhạc nước, khu mua sắm, ẩm thực và nhiều dịch vụ khác phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách…
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy đã trao đổi, cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu. Ảnh: TITC
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy khẳng định, trong thời gian tới Hà Nam sẽ tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin… Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; đặc biệt là xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới, mang đặc trưng du lịch Hà Nam, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tổ chức nghiên cứu thị trường, thu thập thông tin, xu hướng của khách du lịch; xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp từng giai đoạn, đối tượng khách, đặc biệt là các thị trường khách quốc tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, quảng bá, phát triển lĩnh vực du lịch.
Trong khuôn khổ hội nghị, UBND tỉnh Hà Nam và các địa phương, nhà đầu tư, câu lạc bộ lữ hành đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ tại Hà Nam. Lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho một số doanh nghiệp.
Trung tâm Thông tin du lịch