Tổng cục Du lịch tiếp và làm việc với Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu tiếp và làm việc với Trưởng Văn phòng đại diện Viện nghiên cứu Sawada Takaaki. Ảnh: TITC
Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch (JTTRI) là đơn vị nghiên cứu về giao thông vận tải và phát triển du lịch tại Nhật Bản trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, Hạ tầng đất đai Nhật Bản. Tháng 4/2021, Văn phòng khu vực ASEAN - Ấn Độ được mở tại Bangkok, Thái Lan. Nhiệm vụ chính của Văn phòng là nghiên cứu, điều tra; tổ chức các hội thảo; phổ biến và cung cấp thông tin của Chính phủ; tổ chức hoạt động giao lưu trong lĩnh vực giao thông vận tải và du lịch.
Tại buổi tiếp, ông Sawada Takaaki mong muốn lắng nghe, tìm hiểu về tình hình và định hướng phát triển du lịch Việt Nam trước và sau đại dịch Covid-19. Ông Sawada Takaaki cho biết, vào tháng 12 tới, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản sẽ đến Việt Nam, chào xã giao với Bộ trưởng Bộ VHTTDL cũng như làm việc với Tổng cục Du lịch nhằm kết nối, hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy du lịch hai nước trở lại trong bối cảnh bình thường mới.
Bày tỏ sự hoan nghênh, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu chia sẻ, ngành du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Giai đoạn năm 2015 - 2019, du lịch Việt Nam đã có bước tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ, lượng khách quốc tế tăng trưởng khoảng 23%/năm. Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế với thị trường khách đông nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa; đóng góp 9,2% vào GDP cả nước. Trong đó, Việt Nam đón gần 1 triệu lượt khách Nhật Bản và có gần 500.000 khách du lịch Việt Nam đến Nhật Bản. Trong 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 2,3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam; trong đó có gần 100.000 khách Nhật Bản đến Việt Nam và gần 200.000 khách Việt Nam đến Nhật Bản.
Trưởng Văn phòng đại diện Sawada Takaaki tặng quà lưu niệm. Ảnh: TITC
Khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam thường quan tâm nhiều đến du lịch văn hóa cùng các điểm đến nổi tiếng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Nha Trang. Nhờ nét tương đồng về văn hóa và nhu cầu du lịch, khách Nhật Bản khi du lịch Việt Nam luôn cảm thấy hài lòng và lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản cũng ngày càng tăng. Giữa hai quốc gia cũng đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác về du lịch, khẳng định mối quan hệ khăng khít, hiệu quả.
Phó Tổng cục trưởng cho biết thêm, Tổng cục Du lịch đã có những kế hoạch, chiến lược, định hướng phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam trong những năm tới. Việt Nam tập trung thu hút các thị trường khách quốc tế như Đông Bắc Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; các thị trường tiềm năng như ASEAN - Ấn Độ; các nước Tây Âu… Về chiến lược sản phẩm, Việt Nam coi trọng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái chất lượng cao, du lịch xanh, du lịch thể thao như du lịch Golf, đặc biệt là du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững.
Chính phủ Việt Nam đã có chính sách mở cửa thông thoáng cho khách du lịch hai chiều đến và đi. Với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân đi du lịch nước ngoài và hưởng những dịch vụ tốt nhất, Phó Tổng cục trưởng đề nghị các nước tăng cường hợp tác song phương, đảm bảo quyền lợi về visa, đi lại tự do… cho khách du lịch.
Ngoài ra, Phó Tổng cục trưởng cũng chia sẻ về sự thay đổi trong nhu cầu du lịch của người dân sau đại dịch Covid-19. Du khách có xu hướng lựa chọn những điểm đến an toàn; ưa chuộng những sản phẩm gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, đi nhiều chuyến hơn nhưng ngắn ngày hơn và thường đi theo những nhóm nhỏ. Đặc biệt, du khách sử dụng những ứng dụng về du lịch nhiều hơn để có thể tự tìm hiểu thông tin kĩ hơn, tính toán chương trình, cắt giảm tối đa những chi phí không cần thiết…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TITC
Trong những năm qua, Việt Nam luôn được thế giới ghi nhận những nỗ lực, thành tựu nổi bật về mặt du lịch. Đặc biệt, trong năm 2022, Việt Nam đã nhận được nhiều giải thưởng lớn về du lịch, trong đó có Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards. Phó Tổng cục trưởng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục phấn đấu, thúc đẩy ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch quốc tế.
Đối với chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Viện Nghiên cứu Giao thông và Du lịch Nhật Bản vào tháng 12/2022, Phó Tổng cục trường bày tỏ sự hoan nghênh, mong muốn tiếp tục giao lưu, trao đổi, có thêm nhiều hoạt động hợp tác, đặc biệt trước thềm năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Trung tâm Thông tin du lịch