Xây dựng Chiến lược Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030
TS. Nguyễn Thế Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: TITC
Chủ trì hội thảo có TS. Nguyễn Thế Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; PGS.TS. Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao; TS. Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cùng sự tham dự của lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) cho biết: Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Bộ VHTTDL đã giao Vụ KHCNMT chủ trì triển khai xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030.
Theo đó, về quan điểm, chiến lược xác định vai trò của phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao, du lịch là động lực quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ quản lý nhà nước. Thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ: (1) Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển, tăng cường tiềm lực cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (2) Gắn nghiên cứu với ứng dụng, góp phần thực hiện các chiến lược và chính sách; (3) Giải quyết các vấn đề phức tạp của thực tiễn, thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch. Đồng thời tăng cường nguồn lực cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đi đôi với việc đẩy mạnh xã hội hóa.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TITC
Mục tiêu tổng quát của chiến lược phấn đấu đến năm 2030, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực, góp phần quan trọng trong phát triển toàn diện ngành văn hóa, thể thao và du lịch gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước, tạo điều kiện sáng tạo, nâng cao năng suất lao động dựa vào hoạt động ứng dụng công nghệ; gắn nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với đào tạo phát triển nguồn nhân lực nhằm phục vụ các mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và các chiến lược phát triển của ngành văn hoá, thể thao và du lịch.
Dự thảo chiến lược cũng đưa ra các định hướng nghiên cứu khoa học; định hướng ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
TS. Nguyễn Thế Hùng đề nghị thông qua hội thảo này các nhà khoa học, nhà quản lý đóng góp ý kiến cho dự thảo chiến lược để Vụ KHCNMT tiếp tục hoàn thiện, báo cáo trình Lãnh đạo Bộ VHTTDL xem xét, ban hành trong thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trình bày tham luận
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe 4 tham luận trực tiếp, đó là: (1) Tham luận về “Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao” của TS. Ngô Thịnh Hường – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Thể dục Thể thao; (2) Tham luận về “Thuận lợi và khó khăn trong hoạt động xây dựng và áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam nhóm đối tượng du lịch và các dịch vụ liên quan” do ThS. Nguyễn Hà Giang - Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch trình bày; (3) Tham luận về “Định hướng phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực văn hóa, gia đình của Bộ VHTTDL đến năm 2030” do PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trình bày; (4) Tham luận về “Đánh giá hiệu quả hoạt động tăng cường tiềm lực nghiên cứu khoa học lĩnh vực di sản văn hóa” do Kiến trúc sư Trần Quốc Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích trình bày.
Phát biểu tham luận tại hội thảo về “Thuận lợi và khó khăn trong hoạt động xây dựng và áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam nhóm đối tượng du lịch và các dịch vụ liên quan”, Thạc sỹ Nguyễn Hà Giang - Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch cho biết: Tại Việt Nam, nhóm Tiêu chuẩn du lịch và các dịch vụ liên quan đã được thành lập, căn cứ theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Trong thời gian từ năm 2009 đến 2021 đã công bố 17 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), hiện đang trong quá trình xây dựng 4 tiêu chuẩn. Trong đó có 15 tiêu chuẩn liên quan đến cơ sở lưu trú du lịch, hệ thống quản lý sự kiện bền vững, du lịch mạo hiểm, bãi tắm biển và 02 tiêu chuẩn liên quan đến du lịch cộng đồng và du lịch công nghiệp.
Thạc sỹ Nguyễn Hà Giang - Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: TITC
Trong số đó có 05 tiêu chuẩn tương đương hoàn toàn theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/TC 228, còn lại là xây dựng mới trên cơ sở tham khảo, kế thừa tài liệu của các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới, các tiêu chuẩn của tổ chức ISO và tài liệu của tổ chức ASEAN. Hầu hết các tiêu chuẩn đã được áp dụng hiệu quả trong thực tế, trở thành công cụ hữu ích cho tất cả các bên tham gia lĩnh vực du lịch, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.
Đến nay, cả nước có tổng số 38.000 CSLTDL với hơn 780.000 buồng, số đã áp dụng tiêu chuẩn chiếm 52% về cơ sở và 62% về số buồng, trong đó TCVN 4391:2015 Khách sạn – xếp hạng được sử dụng nhiều nhất.
TS. Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại hội thảo
Để làm rõ hơn về vấn đề này, TS. Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Các TCVN trong lĩnh vực du lịch nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch toàn cầu. Vì vậy trong quá trình xây dựng các bộ tiêu chuẩn quản lý ngành du lịch đã tham khảo các tài liệu của tổ chức tiêu chuẩn thế giới, khu vực ASEAN để xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn phù hợp với quốc tế và đặc thù của du lịch Việt Nam.
Vì vậy các bộ tiêu chuẩn của du lịch Việt Nam được xây dựng và ban hành trong thời gian vừa qua là tài liệu quan trọng để các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú tham khảo, định hướng xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh; đồng thời là căn cứ, cơ sở phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực lưu trú du lịch của Tổng cục Du lịch.
TS. Ngô Thịnh Hường – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Thể dục Thể thao phát biểu tham luận. Ảnh: TITC
Hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo nhất trí và đánh giá cao nội dung dự thảo Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030 do Ban soạn thảo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) đưa ra.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Vụ trưởng Vụ KHCNMT Nguyễn Thế Hùng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu và đề nghị các cơ quan, đơn vị chuẩn bị phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai ngay sau khi chiến lược này ban hành nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành VHTTDL trong thời gian tới.
Trung tâm Thông tin du lịch