Hoạt động của ngành

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh dự lễ khai giảng trực tuyến lớp ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch tỉnh Khánh Hòa

Cập nhật: 16/09/2021 07:55:19
Số lần đọc: 1060
(TITC) - Ngày 15/9/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ khai giảng trực tuyến lớp ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh dự và phát biểu khai mạc sự kiện.  

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh dự và phát biểu tại buổi lễ trực tuyến (Ảnh: TITC) 

Tham dự sự kiện có Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng; lãnh đạo các đơn vị liên quan cùng các giảng viên và học viên lớp ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch tỉnh Khánh Hòa.

Đây là một trong những hoạt động được tỉnh Khánh Hòa tổ chức nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, chuẩn bị sẵn sàng để Khánh Hòa khởi động lại hoạt động du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đối với ngành du lịch, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, giai đoạn 2015-2019, khách quốc tế đến Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình là 22,7%/năm và khách nội địa tăng gần 1,5 lần, du lịch đóng góp gần 10% GDP của đất nước. Sự tăng trưởng nhanh về số lương và chất lượng đã đóng góp tích cực và lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, lực lượng lao động trong ngành trong những năm qua đã có sự tăng trưởng đáng kể. Năm 2019, toàn ngành có khoảng 3 triệu lao động, trong đó có 1 triệu lao động trực tiếp. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp du lịch và người lao động đang rơi vào tình trạng khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, phá sản hoặc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự, nhân lực du lịch bị thất nghiệp có tỷ lệ cao, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi ngành du lịch khôi phục trở lại.

Nhằm sớm phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới, Đảng, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, điều hành để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì hoạt động du lịch. Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị quyết để chỉ đạo triển khai xây dựng chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch; tăng cường thông tin, truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và ngoài nước phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ VHTTDL về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế thông qua hình thức hộ chiếu vắc-xin. Đồng thời, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL ngày 7/9/2021 triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022.

Đây là những căn cứ định hướng, cũng như là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch và các địa phương để khởi động lại hoạt động du lịch, tiến tới từng bước phục hồi hoạt động ngành du lịch trong bối cảnh mới. Một trong những nhiệm vụ quan trọng, mang tính chất quyết định để chuẩn bị cho quá trình này, đó là phải đảm bảo nguồn nhân lực du lịch cả về số lượng cũng như chất lượng.


Các đại biểu dự buổi lễ trực tuyến (Ảnh: TITC) 

Với những thành tựu về khoa học công nghệ hiện đại thì một số việc làm sẽ có thể bị mất đi, nhưng mặt khác thì cũng tạo ra cơ hội xuất hiện nhiều ngành nghề mới, đòi hỏi lao động phải có sự thích ứng cao tránh khỏi thất nghiệp và bị đào thải. Trong tương lai gần có thể xuất hiện các công việc mới trong ngành du lịch như nhân viên marketing du lịch ảo, hướng dẫn viên du lịch công nghệ, nhân viên bán hàng và chăm sóc khách hàng trực tuyến... Do đó, đây sẽ vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức để đổi mới tư duy, thay đổi hình thức đào tạo nhằm tạo ra một lực lượng lao động có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Tổng cục Du lịch đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, chủ động của tỉnh Khánh Hòa với phương châm “đi trước, đón đầu” trong công tác đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin cho người lao động tại các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Công tác đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp từng bước chuyển đổi số trong kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Khánh Hòa, sẵn sàng phục vụ khách khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Tổng cục trưởng mong muốn các học viên sẽ dành thời gian tập trung học tập để nắm vững các kiến thức và kỹ năng liên quan đến ứng dụng công nghệ mới vào công tác chuyên môn của mình. Thường xuyên cập nhật các kiến thức mới về chuyển đổi số và du lịch thông minh, nghiệp vụ thương mại điện tử, chia sẻ kỹ năng chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó, tự học tập, hoàn thiện kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ để “giỏi một việc, biết nhiều việc” xứng đáng là một trong những nhân tố quyết định trong việc phục hồi ngành du lịch sau Covid-19.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị trong thời gian tới, UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Du lịch tỉnh tiếp tục triển khai nhiều khóa đào tạo tương tự, bên cạnh những khóa đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin còn có những lớp đào tạo kỹ năng nghiệp vụ du lịch để sẵn sàng chuẩn bị phục vụ khách du lịch đến với Khánh Hòa trong bối cảnh mới.

Tổng cục trưởng khẳng định, Tổng cục Du lịch sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ tích cực để các địa phương nói chung và Khánh Hòa nói riêng tổ chức các khoá đào tạo trực tuyến cho nhân lực ngành Du lịch trong thời gian tới.

Cảm ơn những ý kiến quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đối với ngành du lịch Khánh Hòa, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Hữu Hoàng cho biết, trong những năm qua, ngành du lịch Khánh Hòa đã và đang phát triển mạnh mẽ, không chỉ thể hiện ở số lượng mà còn là sự chuyển biến rõ nét chất lượng, sản phẩm du lịch Khánh Hòa từng bước được đa dạng hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Du lịch được xác định là một trong những lợi thế và là ngành mũi nhọn của tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, đến nay tỉnh Khánh Hòa đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, do đó việc triển khai tổ chức đào tạo nguồn nhân lực là rất quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu du lịch trong tình hình mới. Thời gian qua, ngành Du lịch Khánh Hòa đã chú trọng tổ chức các lớp bồi dưỡng trực tuyến trong hoạt động du lịch phù hợp với xu hướng trong bối cảnh thực tế của địa phương.

(Ảnh TITC)

Thông qua chương trình đào tạo bồi dưỡng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, ông Lê Hữu Hoàng hi vọng lớp học sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm kỹ năng xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực du lịch quy mô, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu kinh tế-xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của địa phương, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, người lao động trong ngành du lịch giảm bớt chi phí đối với công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn phục hồi sau dịch, qua đó đảm bảo công tác đào tạo nhân lực ngành du lịch.

Trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Tổng cục Du lịch trong công tác đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, các khóa học đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục