Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Tăng cường liên kết, hành động để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc Hội nghị
Hội nghị có sự tham dự của các sở ban ngành, các địa phương và đông đảo doanh nghiệp du lịch, nhằm tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy phục hổi ngành du lịch Thừa Thiên Huế trong trạng thái bình thường mới, từng bước đưa ngành du lịch trở lại bình thường khi dịch bệnh trong nước và quốc tế đang dần được kiểm soát và ổn định.
Phát biểu khai mạc, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2020 đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch địa phương, các chỉ tiêu kết quả hoạt động ngành giảm mạnh 65-75%. Để ứng phó, ngành đã tập trung triển khai các giải pháp phòng chống dịch trên địa bàn, bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Đồng thời tăng cường liên kết phát triển du lịch với các địa phương, nhất là Quảng Nam, Đà Nẵng và 2 địa phương Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để đưa ra nhiều giải pháp kích cầu du lịch, nhận được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp trong ngành.
Tỉnh đang tích cực chuẩn bị cho sự phục hồi, phát triển trở lại của du lịch nội địa và đặc biệt là chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép. Ông cho rằng việc triển khai các hoạt động trong điều kiện bình thường mới cần có sự đồng bộ ở tầm quốc gia cho tới các địa phương để bảo đảm đạt hiệu quả tốt nhất.
Thông tin thêm về chủ trương, định hướng phát triển du lịch ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW trong đó định hướng phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Trong đó, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá. Tỉnh sẽ tập trung theo hướng phát triển nhanh trên nền tảng tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa; hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025.
Trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung xây dựng và triển khai nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Về giao thông, sẽ triển khai mở rộng quy mô cảng hàng không quốc tế Phú Bài với mục tiêu phục vụ 9 triệu lượt hành khách/năm; đưa vào hoạt động thêm cầu cảng tại cảng Chân Mây nhằm khai thác lợi thế lớn của cảng nước sâu nằm giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng; tuyến đường bộ ven biển sẽ được triển khai trong 5 năm tới; làm cầu vượt cửa biển dài 1,5km nối xã Hải Dương với thị trấn Thuận An tạo động lực phát triển kinh tế, du lịch biển và đầm phá.
Tỉnh cũng đang tập trung đầu tư các sản phẩm du lịch nổi bật nhằm thu hút khách du lịch. Đặc biệt, tỉnh đang có kế hoạch khai thác đấu trường Hổ Quyền trở thành điểm du lịch hấp dẫn, tái tạo cảnh các loài thú đấu với nhau bằng công nghệ hiện đại. Ông Thọ hy vọng đây sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu ở Việt Nam, bởi đây là đấu trường mãnh thú cổ xưa còn lại duy nhất ở Đông Nam Á. Tiếp tục phát huy các giá trị đặc sắc của Thừa Thiên Huế - kinh đô áo dài, kinh đô ẩm thực, đưa vào hoạt động phố đi bộ bên bờ sông Hương, phát triển các sản phẩm du lịch thông minh…
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, dù tình hình còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng ông kỳ vọng vào sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch vì tỉnh đã chủ động chuẩn bị kỹ trong thời gian qua. Thừa Thiên Huế rất mong muốn nhận được các ý kiến góp ý của các doanh nghiệp trong ngành du lịch, các chuyên gia, ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có những giải pháp căn cơ, phục hồi du lịch Thừa Thiên Huế nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ, đại dịch COVID-19 được xem như một cơn sóng thần càn quét ngành du lịch thế giới, khả năng và lộ trình hồi phục đến nay còn chưa thực sự rõ ràng. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2020 là "năm tồi tệ nhất trong lịch sử của ngành du lịch toàn cầu". Ngành du lịch Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề gián tiếp liên quan đến hoạt động du lịch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Hội nghị
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành du lịch chỉ có thể phục hồi sau khi dịch bệnh COVID-19 trên thế giới được kiểm soát và các hoạt động giao thương kinh tế thế giới trở lại bình thường. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo quá trình phục hồi du lịch quốc tế có thể bắt đầu từ Quý III năm 2021. Hiện nay chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh đang được các nước khẩn trương triển khai, là cơ sở để kỳ vọng các hoạt động du lịch cả nội địa và quốc tế sẽ sớm bình thường trở lại.
Tổng cục trưởng nhấn mạnh, tuy nhiên dịch bệnh vẫn có thể diễn ra phức tạp và khó lường. Vì vậy, nỗ lực phục hồi du lịch Việt Nam cần tính toán đa phương diện, phù hợp xu hướng và có cơ sở thực tiễn để vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Vừa đẩy mạnh liên kết kích cầu du lịch nội địa, vừa có những bước chuẩn bị tích cực mở lại các hoạt động du lịch quốc tế.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Tổng cục Du lịch đang đề xuất với Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Tổng cục Du lịch cũng đang báo cáo Bộ VHTTDL về giải pháp áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” để góp phần đề xuất kế hoạch thí điểm mở cửa lại thị trường quốc tế. Song song với đó, Tổng cục Du lịch đang xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ở cả thị trường trong nước và nước ngoài để đón đầu những cơ hội mới trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang triển khai tiêm phòng dịch bệnh. Bên cạnh đó, triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa, nâng cao hiệu quả liên kết giữa các địa phương, các hãng hàng không, lữ hành, khách sạn và các đối tác; tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực du lịch.
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trì phiên thảo luận tại Hội nghị
Tổng cục trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, cần có sự vào cuộc tích cực của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để có những bước chuẩn bị tốt nhất cho giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch. Tổng cục trưởng đề nghị Thừa Thiên Huế tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Tăng cường liên kết với các địa phương, phát huy hiệu quả liên kết Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, thúc đẩy sự liên kết, hợp tác hiệu quả hơn giữa các điểm đến, các doanh nghiệp du lịch và các hãng hàng không để hình thành các sản phẩm mới, chương trình kích cầu phù hợp với nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển hoạt động kinh tế đêm.
Đồng thời, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; nghiên cứu khả năng xây dựng “sàn giao dịch du lịch trực tuyến”, chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn phục hồi phát triển du lịch.
Nhân dịp này, Tổng cục trưởng cũng đề nghị Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đối tác hiến kế và đóng góp, tham gia chiến dịch thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh trong tình hình mới và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo với phương châm “Liên kết, hành động và phát triển”.
Hội nghị đã thu hút nhiều ý kiến, tham luận trao đổi về nhiều vấn đề đáng chú ý như: giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Thừa Thiên Huế trong tình hình mới; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong giai đoạn hiện nay; xu hướng du lịch 2021 trong trạng thái bình thường mới; giải pháp liên kết chuỗi sản phẩm nhằm tăng cường thu hút khách đến tỉnh; hình thức vận hành du lịch an toàn, du lịch xanh. Hội nghị cũng nghe một số tập đoàn doanh nghiệp trình bày kế hoạch kích cầu điểm đến, quảng bá du lịch mùa hè 2021 ở Thừa Thiên Huế, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ mới…
Thực hiện: Trung tâm Thông tin du lịch, Vụ Thị trường du lịch