Hoạt động của ngành

TP Hồ Chí Minh làm mới sản phẩm du lịch để hút khách nội địa

Cập nhật: 02/06/2020 09:29:29
Số lần đọc: 846
TP Hồ Chí Minh thu hút du khách đến thành phố sau mùa dịch bệnh COVID-19 bằng hàng loạt sản phẩm du lịch được làm mới theo cách “vừa quen vừa lạ”, đồng thời triển khai hàng loạt gói kích cầu để khôi phục nhanh ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới.


Các điểm đến trong TP Hồ Chí Minh như Hội trường Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm TP Hồ Chí Minh... là điểm đến vừa quen vừa lạ đối với nhiều người dân thành phố khi mua tour của các công ty lữ hành thiết kế theo cách mới.

Kích thích du lịch “tại chỗ”

Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết, do chưa khai thác lại được thị trường khách nước ngoài cũng như chưa đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài do tác động của dịch bệnh COVID-19, nên các doanh nghiệp đang tập trung khai thác du lịch trong nước. Để tạo điều kiện cho ngành du lịch trong nước khôi phục, Thành phố cũng đẩy mạnh quảng bá các  điểm tham quan, vui chơi, giải trí hấp dẫn, thú vị mà nhiều người dân vốn không để ý như: Khu du lịch địa đạo Củ Chi, biển Cần Giờ hay các điểm tham quan khám phá kiến trúc cổ trong nội thành.

“Vào dịp cuối tuần, người dân thay vì đi chơi xa, có thể tham quan, khám phá tại thành phố như: khám phá những tòa nhà cao tầng hiện đại, những khu chợ truyền thống, công trình kiến trúc mang nét cổ kính , gồm Hội trường Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm TP Hồ Chí Minh, tòa nhà Landmmark 81 tầng...”, bà Võ Thị Ngọc Thúy cho biết.

Theo bà Võ Thị Ngọc Thuý, việc xây dựng các chương trình du lịch với nhiều ý tưởng mới lạ trên các địa điểm quen thuộc với người dân thành phố hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị, giúp họ hiểu hơn về nét đẹp của thành phố, đồng thời cũng giúp ngành du lịch nội địa phát triển. “Nếu khoảng 10 triệu người dân thành phố cùng đi du lịch để giúp kích cầu du lịch ngay trên địa bàn thành phố thì sẽ là tín hiệu khả quan cho ngành du lịch và giúp ngành khôi phục mạnh mẽ sau mùa dịch bệnh COVID-19”, bà Thuý nói.

Theo đó, Sở Du lịch vừa trình UBND TP Hồ Chí Minh kế hoạch xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch thành phố sau mùa dịch bệnh COVID-19. Trong đó tập trung xây dựng Chiến dịch đại sứ du lịch Thành phố - “Thành phố xin chào” nhằm nhấn mạnh điểm đến “An toàn - Hấp dẫn và Thân thiện”. Đồng thời, Sở Du lịch cũng phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Nhà Văn hóa Thanh niên mời những diễn viên, ca sĩ, văn nghệ sĩ, người mẫu, blogger nổi tiếng hưởng ứng chiến dịch với thông điệp “Hello Ho Chi Minh City” để giới thiệu hình ảnh thành phố tới bạn bè quốc tế, chuẩn bị khi dịch bệnh được kiểm soát tốt trên thế giới thì du khách quốc tế sẽ quay trở lại Việt Nam.

Đặc biệt, trong chiến dịch này, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh còn kêu gọi tất cả cán bộ, công chức, người dân thành phố chia sẻ video, clip, hình ảnh du lịch thành phố trên các trang mạng cá nhân; check-in tại điểm đến trên địa bàn để giới thiệu đến bạn bè, người thân... trong cả nước để kích thích như cầu tìm hiểu văn hóa, con người thành phố vừa quen, vừa lạ. Chiến dịch này sẽ thực hiện từ đầu tháng 6 đến hết năm 2020. 

Kích cầu phải thực chất, cụ thể

Hiện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh vận động các hãng hàng không, công ty lữ hành, các đơn vị kinh doanh ăn uống, địa điểm tham quan, du lịch… đồng loạt miễn, giảm giá vé tham quan hoặc tặng các dịch vụ kèm theo cho du khách khi đến tham quan, du lịch.

Bà Võ Thị Ngọc Thúy cho biết, để kích cầu du lịch nội địa, các đơn vị lữ hành, địa điểm tham quan thành phố được vận động áp dụng các chính sách khuyến mãi, giảm giá sâu cho khách du lịch kéo dài đến hết tháng 12. Sở cũng vừa phối hợp với Sở Công Thương triển khai chương trình kích cầu mua sắm cùng thời gian với kích cầu du lịch. Ngoài ra, Sở cũng tiếp tục phối hợp thực hiện các đoạn phim quảng bá về thương hiệu du lịch vùng TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); triển khai các nội dung đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa đến các tỉnh, thành ĐBSCL với ba chương trình chính là: Những nẻo đường phù sa, Sắc màu vùng biên và Non nước hữu tình.

Là đơn vị chuyên khai thác thị trường khách quốc tế nhưng trong tình hình dịch bệnh, Công ty TST tourist đã chuyển hướng sang đẩy mạnh khai thác thị trường du lịch trong nước. Nhờ chuyển hướng mà cuối tháng 5 vừa qua, đơn vị này đã có hàng trăm du khách thành phố đăng kí đi các tour nội địa trên cả nước. 

Ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc TST tourist cho biết, khi mọi hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, đơn vị đã tập trung nguồn lực chuyển hướng sang phát triển đẩy mạnh các tour nội địa. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, đơn vị thiết kế các tour gắn với các điểm đến vừa quen, vừa lạ với người dân và du khách ở các tỉnh lân cận như: tour tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trong nội thành, tour khám phá buýt đường sông, tour khám phá khu dự trự sinh quyển rừng Cần Giờ... Đây cũng là những tour được đơn vị xây dựng với giá khá ưu đãi để tham gia cùng thành phố kích cầu du lịch nội địa trong trang thái hoạt động bình thường mới. Ngoài ra, các tour đi các tỉnh, thành trên cả nước cũng được đơn vị khai thác triệt để với nhiều mức giá ưu đãi sâu đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng đi du lịch sau mùa dịch bệnh.  

Tuy nhiên, theo ông Lại Minh Duy, du khách và công ty lữ hành đang lúng túng với những gói kích cầu được chào bán hiện nay, bởi cụm từ “kích cầu” được nhắc đến rất nhiều trong và sau mùa dịch  bệnh COVID-19 tại Việt Nam và rất khó phân biệt. “Khi triển khai các gói kích cầu, Thành phố hay công ty lữ hành cần hướng đến giá thị thực của dịch vụ. Khi thông báo giảm giá cho khách cũng phải giảm giá thật, tránh tình trạng nâng lên hạ xuống, gây ra sự thất vọng cho du khách. Đồng nghĩa với việc đánh mất niềm tin hồi phục khi ngành du lịch vừa nhen nhóm khôi phục thì lại bị dập tắt bởi những gói kích cầu ảo không đáng”, ông Lại Minh Duy cho biết.

Cũng theo ông Lại Minh Duy, việc kích cầu du lịch thành phố cần phải làm nhanh, làm nhiều theo hướng có lợi cho khách hàng nhất. Bởi đây đang là thời cơ vàng để ngành du lịch TP Hồ Chí Minh nói riêng và ngành du lịch Việt Nam tái định vị thương hiệu du lịch trong bối cảnh các nước vẫn đang phòng chống dịch. Theo đó, ngành du lịch có thể phát triển đa dạng hóa sản phẩm độc lạ, khác biệt, liên kết khai thác tour liên vùng hiệu quả, đẩy mạnh chiến dịch quảng bá theo từng phân khúc, theo sở thích nhu cầu và cả điều kiện tài chính của du khách...

Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện đang là điểm đến du lịch thu hút nhiều khách nhất Việt Nam, góp phần khoảng 25% tổng GDP du lịch quốc gia hàng năm. Tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch vào tổng sản phẩm nội địa trong năm 2018 và 2019 vào khoảng 6,9% cao hơn mức trung bình quốc gia là 5,9%./.

Nguồn: Báo Tin Tức

Cùng chuyên mục