Hoạt động của ngành

Lạc Dương – Lâm Đồng: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch

Cập nhật: 02/06/2020 10:12:46
Số lần đọc: 804
Để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, những năm gần đây, huyện Lạc Dương luôn xác định việc đầu tư phát triển nguồn lực nói chung và ngành du lịch nói riêng chính là điều kiện tiên quyết.


Du khách trải nghiệm du lịch văn hóa và cà phê tại K’Ho Coffee

Do vậy, huyện Lạc Dương và các cơ sở du lịch trên địa bàn luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, trong đó công tác đào tạo được tập trung vào chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề và ngoại ngữ với hình thức đào tạo mới và đào tạo bồi dưỡng.

Cụ thể, từ năm 2017 - 2020, huyện Lạc Dương cử 9 lượt cán bộ, công chức tham gia các khóa tập huấn, hội thảo về phát triển du lịch do tỉnh tổ chức để nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý nhà nước về du lịch. Huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng phục vụ du khách, vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa cho 250 thành viên của 12 nhóm cồng chiêng, mở 1 lớp truyền dạy cồng chiêng cho 25 thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại xã Đạ Sar. Vườn Quốc gia Bi Doup - Núi Bà đào tạo trên 15 hướng dẫn viên du lịch sinh thái là người dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa để làm việc trong Trung tâm du lịch sinh thái của vườn. 

Trong 3 năm qua, Lạc Dương đã thu hút được 680 lao động làm việc trong ngành du lịch, trong đó có 80% lao động trực tiếp qua đào tạo về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ.

Hằng năm, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đều có kế hoạch tuyển chọn nhân viên đã tốt nghiệp ngành du lịch tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp vào làm việc và cử nhân viên đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch. Do vậy, chất lượng phục vụ ngày càng được tăng lên.

Đơn cử như ở Khu Du lịch Lang Biang (thị trấn Lạc Dương), bà Hồ Thị Kiều Oanh - Phó Giám đốc cho biết, hiện Khu Du lịch sử dụng khoảng 70 lao động, trong đó trên 50% lao động có trình độ, bằng cấp, đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng hoặc trung cấp. Đặc biệt, đóng chân trên địa bàn có trên 70% dân cư là người DTTS nên đại đa số nhân viên đang làm việc tại đây cũng là con em địa phương. 

 “Lang Biang là khu du lịch nổi tiếng từ lâu, nên ngay từ khâu tuyển dụng chúng tôi cũng đã có sự sàng lọc theo những tiêu chuẩn nhất định. Làm ngành dịch vụ, chúng tôi ưu tiên những bạn có bằng cấp, trình độ đi kèm với thái độ thân thiện, hòa đồng, ứng xử lịch thiệp với du khách. Đa số các bạn có bằng cấp không phù hợp nhưng chúng tôi cũng tạo điều kiện để các bạn tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ du lịch, tiếng Anh hoặc cử đi học những khóa ngắn hạn, nâng cao tay nghề, trình độ tại những đơn vị uy tín”, bà Kiều Oanh cho hay.

Tuy vậy, theo đánh giá của UBND huyện Lạc Dương, nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch vẫn chưa thực sự chất lượng. Hiện nay đã có khoảng 80% nhân lực làm trong ngành du lịch, dịch vụ du lịch được đào tạo chuyên ngành, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác quản lý, tổ chức hoạt động du lịch tại địa phương. Nguồn nhân lực đầu tư cho du lịch còn thiếu, trình độ chuyên muôn, nghiệp vụ còn hạn chế. Năng lực một số cán bộ làm công tác du lịch chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay, trình độ của nhân viên trong ngành còn bấp cập, các hộ kinh doanh cá thể về du lịch hầu hết chưa được đào tạo về du lịch, do vậy chất lượng phục vụ khách chưa cao. 

Chị Rolan CoLieng - Chủ trang trại K’Ho Coffee (thôn B’Nơr C, thị trấn Lạc Dương) cho biết, du khách, đặc biệt là khách quốc tế luôn đặc biệt bị thu hút bởi các yếu tố văn hóa bản địa, cụ thể là văn hóa thổ cẩm, văn hóa cà phê. Tuy nhiên, hiện nay, để phát triển đội ngũ hỗ trợ cùng hoạt động, mở rộng farm, tăng cường liên kết với bà con địa phương vẫn đang là khó khăn. Chị Rolan cho biết: Mình tự mở lớp đào tạo các kỹ năng từ nghe, nói, quan sát và xử lý công việc. Đồng thời, tăng cường dạy cả tiếng Anh cho các bạn người địa phương. Nói chung mọi thứ mới đang ở giai đoạn cơ bản, sẽ còn chặng đường rất dài để các bạn ấy có thể trưởng thành và hoạt động như một nhân viên lành nghề. Với quy mô cá nhân như mình thì rất khó và quá trình này lâu hơn bởi thêm những gánh nặng về vấn đề tài chính.

Trong thời gian tới, huyện Lạc Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch làm tiền đề để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác quản lý, điều hành, phục vụ chuyên nghiệp, đáp ứng hội nhập quốc tế. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, hình thành đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên là người dân tộc bản địa để tham gia hướng dẫn du lịch. Đồng thời, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để từng bước tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng dân cư địa phương cho phát triển du lịch.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục