Hoạt động của ngành

Nguyễn Phích (Cà Mau): Khơi dậy tiềm năng du lịch

Cập nhật: 02/06/2020 09:20:54
Số lần đọc: 997
Xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau từ lâu đã được du khách biết đến là xứ sở của vườn dâu Cái Tàu. Những năm gần đây, bên cạnh việc duy trì, phát triển cây dâu, xã định hướng khơi dậy tiềm năng du lịch khác trên địa bàn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguyễn Phích có nhiều tiềm năng tự nhiên để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Một số điểm đến để du khách có thể trải nghiệm như: vườn dâu Cái Tàu; vườn cây ăn trái của Hợp tác xã Trang Trại Xanh; vườn nhãn của ông Quách Thanh Sử; trải nghiệm du lịch dưới tán rừng, đánh bắt cá đồng, gác kèo ong tại Hợp tác xã 19/5, Ấp 20 và thăm làng nghề đan đát truyền thống.

Vườn nhãn của ông Quách Thanh Sử, Ấp 2 cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Trần Quốc Sự cho biết: “Thời gian qua, nhận thấy tiềm năng về du lịch của xã rất lớn, cả hệ thống chính trị bắt tay vào tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển du lịch. Đồng thời, xã liên hệ với các cơ quan truyền thông, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch đến giới thiệu sản phẩm địa phương và các điểm du lịch trên địa bàn. Song song đó là kêu gọi các nhà đầu tư phát triển du lịch của xã”.

Nghề gác kèo ong được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hoá phi vật thể.

Thời gian qua, xã có nhiều hộ dân quan tâm làm du lịch. Đặc biệt, nhiều hộ tâm huyết gìn giữ và khôi phục vườn dâu Cái Tàu. Những hộ dân này sẽ là nhân tố quan trọng trong hướng phát triển du lịch của xã Nguyễn Phích thời gian tới.

Ông Lê Hoàng An, Ấp 15, xã Nguyễn Phích, cho biết: “Năm nào dâu ra trái nhiều, mở cửa vườn bán vé cũng thu được hơn 70 triệu đồng. Hiện tại, ngoài trồng dâu vàng Cái Tàu, tôi còn trồng thử nhiệm thêm dâu xanh để làm du lịch. Tôi đã gắn bó với vườn dâu hơn chục năm nay nên sẽ cố gắng giữ lại để phát triển du lịch dù cây dâu có năm được,  năm mất mùa”.

Du khách tham quan vườn dâu Cái Tàu.

Hiện nay, xã có hướng đa dạng hoá các loại hình du lịch trải nghiệm, phát triển vườn cây ăn trái. Minh chứng là Hợp tác xã Trang Trại Xanh ra đời, gắn kết các hộ dân cùng làm du lịch tại Ấp 10, xã Nguyễn Phích. Du khách đến đông hơn do có nhiều nơi để trải nghiệm. Khi lượng khách tăng thúc đẩy các dịch vụ buôn bán, kinh doanh của các hộ lân cận phát triển theo, từ đó, đời sống Nhân dân ngày càng phát triển.

Ông Trần Quốc Sự thông tin: “Xã xây dựng kế hoạch chi tiết về phát triển du lịch cộng đồng và được UBND huyện U Minh phê duyệt. Đồng thời, chúng tôi hướng dẫn bà con cách thức kêu gọi đầu tư, tập huấn cho bà con về phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn khảo sát tình hình phát triển các vườn cây ăn trái, đặc biệt là cây dâu, báo cáo về Phòng Nông nghiệp huyện để có hướng khắc phục việc dâu không có trái thường xuyên”.

Du lịch sinh thái ngày càng được nhiều du khách lựa chọn, trải nghiệm.

Song song với phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, xã đang có kế hoạch khôi phục lại làng nghề đan đát truyền thống. Lợi thế là trên địa bàn xã còn hàng chục hộ dân duy trì nghề này. Nếu kết hợp tốt với làm du lịch trải nghiệm, làm sản phẩm lưu niệm, không chỉ thúc đẩy du lịch của địa phương phát triển mà còn vực dậy nghề đan đát truyền thống.

Bên cạnh đó, Đảng bộ, Nhân dân xã Nguyễn Phích phấn khởi khi được UBND tỉnh đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm Làng Văn hoá du lịch giai đoạn 2020-2025. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, UBND huyện U Minh chỉ đạo Phòng Văn hoá - Thông tin phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn xã Nguyễn Phích xây dựng kế hoạch, bước đi cụ thể từng năm.

Tuy nhiên, rào cản lớn hiện nay là đa số bà con làm du lịch tự phát, việc phối hợp với các hộ khác để thực hiện du lịch cộng đồng còn gặp khó khăn. Kinh phí đầu tư phát triển du lịch khá lớn nên bà con cần được hỗ trợ vốn vay, nguồn lực đầu tư…

Trọng Nguyễn - Trần Chương

 

Nguồn: baocamau.com.vn

Cùng chuyên mục