Trải nghiệm làm chuồn chuồn tre ở Yên Tử
Những chú chuồn chuồn xinh xắn làm từ tre ở làng hành hương Yên Tử.
Từ bao đời nay ở Việt Nam, cây tre đã gắn bó với người dân, nhất là các vùng quê. Ngoài dùng đóng các đồ gia dụng, cây tre có thể tạo ra nhiều đồ chơi mộc mạc nhưng không kém phần độc đáo như làm quà tặng cho trẻ em, người làm việc văn phòng hoặc khách du lịch.
Chuồn chuồn tre được biết đến như một trò chơi dân gian có từ lâu đời và phát triển cho đến ngày nay dựa trên vật liệu quen thuộc là tre.
Các nghệ nhân của làng nghề “chuồn chuồn tre” tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 40km về phía Tây đã luôn gìn giữ nghề thủ công này từ nhiều năm nay. Không ít doanh nghiệp đã chọn chuồn chuồn tre là sản phẩm chủ đạo từ mây tre đan để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Nhằm bảo tồn, quảng bá nghề truyền thống này đến với du khách, làng hành hương Yên Tử đã đưa trải nghiệm làm chuồn chuồn tre về nơi đây.
Nghệ nhân Trần Hồng Phong, Trung tâm Văn hóa Trúc lâm Yên Tử, cho biết: Để làm ra được một chú chuồn chuồn tre sinh động, các nghệ nhân phải chọn được những thân tre bánh tẻ, không quá già cũng không quá non, tre phải mỏng nhưng có độ cứng cao. Những thân tre ưng ý sẽ được cạo bỏ lớp vỏ xanh bóng và phơi khô, sau đó mới được chẻ ra thành từng đốt để làm chuồn chuồn.
Nghệ nhân sẽ vót và tạo hình cẩn thận cho 4 cánh chuồn bằng nhau và một thân là trục giữa. Sau đó, nghệ nhân còn phải tạo đuôi và hơ vào lửa để tạo độ cong cho đầu chuồn chuồn.
Công đoạn cuối cùng là lắp cánh vào thân, thử độ cân bằng để chuồn chuồn có thể giữ thăng bằng. Cái khéo là làm sao để trọng lượng của chuồn chuồn tre tập trung vào phần đầu để khi nó đậu mỏ xuống vẫn thăng bằng, không bị rơi, đổ.
Hai bạn nhỏ say mê trang trí chuồn chuồn tre.(Ảnh chụp ngày 26/1/2020).
Đến làng hành hương Yên Tử trải nghiệm làm chuồn chuồn tre, trẻ em thường thích nhất vẫn là tô màu cho chuồn chuồn. Đó chính là công đoạn mà các bé sẽ tự thỏa sức sáng tạo để trang trí cho những chú chuồn chuồn của mình.
Để trang trí được những chú chuồn chuồn này, cần phải có giấy trắng và bút chì. Các em sẽ phác thảo chú chuồn chuồn lên giấy, sau đó vẽ các họa tiết mà mình muốn vẽ lên đây.
Sau khi được hình vẽ ưng ý, các bạn nhỏ sẽ tiến hành tô mầu lên chuồn chuồn thật. Để vẽ được đẹp cần dùng màu Acrylic với 6 màu cơ bản là trắng, vàng, đỏ, đen, xanh da trời, xanh nước biển. Bút vẽ cũng phải có nhiều loại khác nhau.
Đối với dạng bút bẹt đầu to dùng trong trường hợp vẽ các mảng to, tô toàn bộ kín màu thân chuồn chuồn. Ngược lại, bút nhỏ dùng để vẽ những mảng nhỏ và hoạ tiết trên thân chuồn. Ngoài ra, còn phải dùng đến băng dính, len… để hỗ trợ cho việc trang trí họa tiết trên chuồn chuồn.
Với trí tưởng tượng phong phú của trẻ thơ, những chú chuồn chuồn tre ban đầu sẽ được biến hóa thành những nàng công chúa, hoàng tử, cánh bướm, chim công, máy bay chiến đấu... Việc làm chuồn chuồn tre hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách tại làng hành hương Yên Tử./.