Hành trang lữ khách

Ẩm thực Tây Nguyên xiêu lòng du khách

Cập nhật: 24/04/2020 07:19:54
Số lần đọc: 1219
(TITC)  -Du lịch Tây Nguyên mà không thưởng thức những món ngon, vật lạ thì thật uổng phí cả chuyến đi.

Sau khi bạn khám phá những địa điểm du lịch ấn tượng, thăm thú danh lam thắng cảnh của đất vùng Tây Nguyên hùng vĩ như bài trước tôi đã giới thiệu, thì thưởng thức đặc sản địa phương là điều không nên và không thể bỏ qua. Nơi đây có nhiều món ngon mang hương vị rất riêng, đậm chất của núi rừng, giúp bạn hiểu hơn về con người và văn hóa nơi bạn ghé qua.

Rượu Cần say nồng

Nói về Tây Nguyên mà không nghĩ ngay đến rượu cần coi như một thiếu sót. Đây là loại rượu được ủ men không qua chưng cất, khi đem ra uống phải dùng các cần làm bằng tre/trúc đục thông lỗ để hút rượu. Đồng bào các buôn làng Tây Nguyên xem rượu cần là thứ đồ uống quý thường chỉ dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội làng, dành tặng đãi khách và mỗi dân tộc đều có nghi thức uống rượu cần riêng. Cái say của rượu cần không giống cái say của bất cứ loại rượu bia nào. Chất men thơm nồng làm cho bạn lâng lâng ngây ngất, và kỳ lạ là dẫu say nhưng vẫn cứ uống được mãi. Bởi tiếng cồng chiêng ngân vang giữa cái nắng, cái gió bao la của Tây Nguyên đại ngàn, hay ánh lửa bập bùng trong bóng đêm hoang sơ của núi rừng sẽ khiến cho du khách không làm sao say khướt.

Gỏi lá Kon Tum lạ miệng

Đến Kon Tum mà chưa thử một lần với món gỏi lá thì thật uổng phí. Đúng như tên gọi thôi, một mâm lá với khoảng trên dưới 40 loại,  nào là lá cải, tía tô, đinh lăng, lá sung, lá mơ, hành, rau húng… đến các loại lá ít xuất hiện trong bữa ăn như: lá xoài, lá ổi, lá chua, lá chùm ruột, ngũ gia bì… và rất nhiều loại lá là riêng biệt của Tây Nguyên mà nhiều người chưa biết hết tên. Món ăn kèm với mâm lá là ba chỉ luộc, tôm hấp, bì lợn, tiêu hạt, muối hạt kèm với nước chấm đặc trưng. Mỗi lần thưởng thức một cuốn gỏi là mỗi cảm nhận khác nhau về hương vị lá vì có đến hơn 40 loại lá trong mâm gỏi.Tất cả như hòa vào nhau, mang đến cho thực khách những trải nghiệm thật khó quên về hương vị núi rừng. Các quán, nhà hàng bán gỏi lá nổi tiếng ở thành phố Kon Tum hầu hết nằm trên đường Trần Cao Vân (Nhà hàng Út Cưng, Yến Vy, Sức Sống Mới…)

Bún đỏ Đắk Lắk bình dị và dân dã

Chẳng biết món bún đỏ ra đời từ khi nào và ai đã sáng tác nhưng chỉ biết rằng hiện là một ăn khá phổ biến ở thành phố Buôn Ma Thuột. Bạn sẽ thấy sợi bún không có màu trắng như bình thường bởi nó được cho vào nồi nước dùng nấu từ xương heo, gạch cua và đặc biệt là hạt điều để có được màu đỏ bắt mắt như vậy. Bún đỏ ở Đắk Lắk thường bày bán vào buổi chiều cho tới khuya. Giữa không gian phố núi, thưởng thức món bún đỏ nóng hổi, vị ngọt thơm của thịt, nước cua, trứng cút với ít cải ngọt, giá chần sơ và đặc biệt không thể thiếu vị giòn giòn cay cay của rau cần nước.. cứ quyến luyến nơi đầu lưỡi, đón hương vị lạ miệng để cảm nhận một Buôn Ma Thuột rất riêng biệt. Bạn dễ dàng tìm thấy món bún đỏ ở các quán trong chợ hoặc chiếc xe đẩy đơn giản, nhưng dễ dàng bắt gặp hơn cả là ở đường Phan Đình Giót, với giá nhẹ nhàng, bình dân từ 20.000 đến 30.000 đồng một bát./.

Phở khô – nhất định phải thử khi đến Gia Lai

Phở khô hai tô ngon đúng điệu. Lạ nhỉ? Không như các loại phở thông thường có phở và nước dùng cùng chung một tô, phở khô Gia Lai luôn được phục vụ riêng bằng hai tô, một tô đựng phở khô trộn và một tô nước lèo. Phở khô Gia Lai cũng có cách ăn riêng, phải đúng kiểu mới cảm nhận được hết vị ngọt, vị béo của thịt heo bằm, thịt bò viên, vị dai của bánh, vị mằn mặn, đậm đà của tương nâu, thơm phức, nóng hổi của nước súp. Rau ăn kèm với phở khô cũng đơn giản chỉ có xà lách, húng quế và giá. Với nhiều người, buổi sáng thưởng thức phở khô rồi nhâm nhi ly cafe trước khi bắt đầu ngày mới đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống thường ngày.Ở Pleiku có quán phở khô nổi tiếng nhất là phở Hồng ở đường Nguyễn Văn Trỗi.

Cơm lam gà nướng cầu kỳ công phu

Gà nướng ăn với cơm lam được coi là món ăn của núi của rừng bởi chắt lọc trong đó vị ngọt của dòng suối mát trong đầu rừng và hương thơm của rừng tre nứa xanh ngút đầu non…Gà được kẹp que tre, nướng trên bếp than hồng. Để thêm vị cho gà người ta còn thêm muối lá é, khiến món gà ngon miệng hơn. Cơm lam ăn kèm cũng được tạo ra từ loại gạo ngon nhất, hạt thon nhỏ, cực dẻo thơm khi chín. Hầu như món này đều có bán tại các nhà hàng, khu du lịch của các tỉnh/thành Tây Nguyên.

Bò một nắng chấm muối kiến vàng độc đáo

Ngay cái tên cũng đã đủ gây tò mò cho bạn rồi phải không? Sự độc đáo của món bò một nắng là được kết hợp với muối kiến vàng. Bò một nắng được chế biến từ thịt bò đặc trưng của vùng Tây Nguyên, được cắt thành lát theo sớ và tẩm gia vị rồi phơi qua nắng trong một buổi sáng. Người đồng bào của Gia Lai thường lấy tổ kiến vàng về làm muối ớt, Tổ kiến có vị chua chua, ngây ngấy.Ớt cay xè và mằn mặn của muối quyện với vị chua và ngấy của tổ kiến lại tạo ra món chấm rất lạ.Đến Gia Lai phải thưởng thức bò một nắng chấm muối kiến vàng. Rồi đến ngày về phải đặt trước để mang về làm quà người thân, bạn bè…

Cá lăng sông Sêrêpôk

Cá lăng sống rất nhiều ở sông Sêrêpốk. Cá lăng có thể chế biến thành nhiều món, đồng bào bên dòng Sêrêpôk nấu cá lăng với măng rừng, um với cà đắng, hoặc nướng chấm muối tiêu trộn ớt xanh giã nát. Vị chua của măng le, chút đắng của quả cà hay vị cay nồng của ớt cộng thêm với cái ngọt của cá kết hợp lại tạo nên hương vị đậm đà, nồng nàn và thử một miếng nhớ mãi không quên.

Cà đắng, lá mì ăn một lần nhớ mãi

Cà đắng, lá mì có mặt trong nhiều món ăn của bữa cơm đồng bào dân tộc như cà đắng cá khô, cá hấp hoặc tôm tép khô, lá mì xào... Thường nếu lần đầu tiên ăn món này có lẽ bạn không thích nhưng hãy cứ thử những món cà đắng, lá mì bạn sẽ “nghe” được vị ngọt đằm thắm hòa với vị ngọt, vị mặn của cá khô, của tôm tép và vị cay xé lưỡi tạo nên một khẩu vị rất lạ, rất riêng của núi rừng. Các món từ cà đắng, lá mì được chế biến đúng hương vị chuẩn xác nhất, ngon thực sự thì chỉ khi nào do chính tay người đồng bào nấu.

Nhắc đến Tây Nguyên mà không nói đến cà phê thì coi như bạn có lỗi với đất rừng nơi này. Với Tây Nguyên, cây cà phê là linh hồn của đất, là chất kết nối giữa con người với con người, giữa con người và thiên nhiên, là loài cây gắn bó mật thiết với nhiều thế hệ và là nguồn sống cho người dân nơi đây. Đến vùng đất này, bạn có thể thưởng thức cà phê bằng nhiều hình thức: Một ly cà phê pha phin hoặc pha máy đậm đặc, đắng mà thơm nồng, hay một ly bạc xỉu thơm ngon khó tả. Ngồi ngắm nghía phố phường xung quanh nhâm nhi, chậm rãi từng hớp một, từng hớp nhỏ một để từng giọt cà phê thấm vào đầu lưỡi, váng lên cả óc. Cứ thế, cà phê đã mê hoặc, đang mê hoặc và chắc chắn còn tiếp tục mê hoặc hàng triệu người.

Rau rừng, măng le, tiêu xanh cũng là những thứ tuyệt cú mèo nơi đây. Ngoài ra, vùng Tây Nguyên thêm lôi cuốn với bao nhiêu là trái cây ngon nổi tiếng như bơ, sầu riêng, chanh dây...để bạn rời đi với bao nhớ nhung và thầm hẹn ngày trở lại với đại ngàn xanh mướt, núi rừng hoang dại và những món ăn, men rượu cần nồng ấm./

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục