Hành trang lữ khách

Tiềm năng du lịch của núi trong phố, núi ven phố

Cập nhật: 20/04/2020 09:50:44
Số lần đọc: 731
Núi trong phố, núi ven phố luôn là lợi thế lớn, tạo nên không gian thiên nhiên khoáng đạt, trong lành và yên tĩnh giữa đô thị ồn ào, náo nhiệt. Phú Yên có đỉnh Chóp Chài, nhìn về bốn phía nơi nào cũng gợi lên vẻ đẹp trù phú, bình yên của núi, sông, đồng bằng, biển cả.

Từ điểm cao trong phố nhìn về núi Chóp Chài. Ảnh: TRẦN QUỚI

Dọc các tỉnh duyên hải miền Trung, từ TP Đà Nẵng đến Ninh Thuận, hầu như tỉnh nào cũng có núi ở trong phố, núi ở ven đô, tạo nên một nét đặc trưng về địa lý và trở thành điểm đến du lịch của địa phương thu hút du khách gần xa.

Núi ven phố các tỉnh miền Trung

Bắt đầu từ phía bắc, TP Đà Nẵng, trung tâm kinh tế xã hội, chính trị của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ được thiên nhiên ưu đãi với thế núi, sông, biển đảo. Nói về du lịch Đà Nẵng, người ta có thể gọi tên nhiều điểm đến, nhưng xét về núi ven đô thì có hai danh thắng nổi tiếng là Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà.

Quần thể thắng cảnh Ngũ Hành Sơn thuộc quận Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 8km. Dãy núi là một kiệt tác thiên nhiên, tượng trưng cho Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) với Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn. Ngũ Hành Sơn không chỉ mang ý nghĩa tâm linh đối với người dân địa phương mà còn có giá trị về mặt cảnh quan thẩm mỹ, là một trong những địa điểm hút khách tại Đà Nẵng.

Núi Sơn Trà trên bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà), cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10km về phía đông bắc. Đỉnh cao nhất cao 696m so với mực nước biển là nơi cư trú của rất nhiều loài khỉ, voọc. Sơn Trà có 3 mặt giáp biển, mặt còn lại giáp thành phố, khách du lịch đến đây thỏa đam mê khám phá mạo hiểm, ngắm nhìn toàn cảnh thành phố và biển Đông trải dài trong tầm mắt.

Vào Quảng Nam có địa danh Núi Cấm, cách trung tâm TP Tam Kỳ chưa đầy 5km, gần biển Tam Thanh. Nơi đây có tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng nổi tiếng, là địa điểm du lịch về nguồn của du khách gần xa.

Rồi từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, tới Ninh Thuận, tỉnh nào cũng có núi gần với thành phố và là điểm đến không thể bỏ qua. Đó là núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi) cao 106m, cách TP Quảng Ngãi 3,5km về hướng đông bắc, có dạng hình thang, tựa như chiếc ấn từ trời cao nghiêng xuống dòng sông Trà. Dãy núi Xuân Vân (Bình Định), dưới chân là Ghềnh Ráng Tiên Sa, có diện tích gần 35ha; từ đây có thể ngắm nhìn thành phố biển Quy Nhơn với bãi cát trắng chạy dài, nước biển trong xanh, phong cảnh đẹp hữu tình, khí hậu mát mẻ. Đến với Nha Trang (Khánh Hòa), nhiều ngọn đồi ven thành phố đang trở thành “đất vàng” để phát triển du lịch như núi Cô Tiên, núi Cù Hin... Còn Ninh Thuận có Đồi Trầu, cách trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm 9km về phía tây bắc, nơi tọa lạc quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Po Klong Garai, cụm tháp của người Chăm hùng vĩ và đẹp nhất còn lại ở Việt Nam...

Có thể nói đó là những “thành phố trên núi” tuyệt vời!

Từ đỉnh Chóp Chài nhìn về Tuy Hòa phố

Phú Yên ngoài núi Nhạn ở ngay trong lòng thành phố là biểu tượng của Tuy Hòa cùng với sông Đà Rằng “Núi Nhạn - Sông Đà”, còn một ngọn núi ven đô cũng không kém phần địa lợi về phong thủy và thiêng liêng trong tín ngưỡng, đó là núi Chóp Chài.

Núi Chóp Chài thuộc xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, cách trung tâm thành phố khoảng 4km về phía tây bắc, với chiều cao 391m so với mực nước biển, đứng độc lập giữa đồng bằng Tuy Hòa. Theo nhà báo, thạc sĩ, Ủy viên thường trực Hội Sử học Việt Nam tỉnh Phú Yên Phan Thanh Bình, nơi đây có thế đất “trên cao sơn dưới bình điền”. Sông Ba là con rồng uốn khúc, đầu ở thượng nguồn, đuôi vắt qua làng Phước Hậu, để giao nhau với Chóp Chài, tạo nên thế đất Long Quy giao nhau, vì thế Chóp Chài còn có tên là Quy Sơn, hòn Cổ Rùa. Từ xa trông về hướng núi thì Chóp Chài tựa như một chiếc chài đang khởi vãi trên mặt hồ rộng, vì vậy núi có tên chữ là Nựu Sơn (núi như cái nút nhỏ).

Từ núi Nhạn nhìn xuống TP Tuy Hòa, nơi cuối dòng sông Đà Rằng đổ ra biển. Ảnh: TRẦN QUỚI

Từ đỉnh Chóp Chài có thể nhìn bao quát cả TP Tuy Hòa và các vùng phụ cận. Sáng sớm, chiều tà, mây phủ lên ngọn núi, tạo những màn sương trắng lơ lửng trên núi như chốn tiên cảnh. Từ đây phóng tầm mắt về phía đông bắc là làng mạc, bãi biển chạy dài ra tận các đảo, hòn, vịnh; nhìn về hướng tây là cánh đồng lúa bát ngát; về phía nam là thành phố trẻ Tuy Hòa, là núi Nhạn - sông Đà, khách sạn Cendeluxe cao 17 tầng; chếch về phía đông là đô thị mới hai bên đại lộ Hùng Vương kéo dài ra bờ biển với những khách sạn, khu nghỉ dưỡng, resort ven biển mới mọc lên...

Xung quanh đỉnh Chóp Chài, bốn hướng đông, tây, nam, bắc là những ngôi chùa có từ thời xa xưa: Bảo Lâm, Minh Sơn và chùa Hang (tổ đình của chùa Minh Sơn), Khánh Sơn và Hòa Sơn. Trên núi có những nơi cư trú của động vật hoang dã như hang Dơi, hang Sáo, vườn cò. Khu vực này có nhiều quần thể thực vật rừng còn nguyên sinh, các loại cây quý, hiếm như trắc, xoay, bằng lăng, thị..., có những cây to trên 300 năm tuổi. Núi Chóp Chài còn là căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nơi giải thoát thành công Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Thế núi hình sông kỳ vĩ, trong tương lai không xa, núi Chóp Chài và vùng phụ cận được kỳ vọng sẽ trở thành một “đô thị” du lịch của TP Tuy Hòa.

Điểm du lịch lý tưởng

Với những giá trị về cảnh quan và nhân văn, Chóp Chài có nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh; tham quan, ngắm cảnh, nghỉ dưỡng... Điều này đã được cụ thể hóa qua đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Đánh giá toàn diện tiềm năng và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch khu vực núi Chóp Chài, TP Tuy Hòa” do Sở VH-TT-DL Phú Yên chủ trì.

Đề tài nghiên cứu này đã thống kê, đánh giá toàn diện tiềm năng tự nhiên và nhân văn khu vực núi Chóp Chài, xác định cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội khu vực núi Chóp Chài, mở ra triển vọng tạo ra bước đột phá cho ngành Du lịch Phú Yên với một khu du lịch quy mô, nhiều loại hình sản phẩm du lịch: sinh thái, văn hóa tâm linh, mạo hiểm...

Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL, đồng chủ nhiệm đề tài trên, cho biết: Một trong những kết quả cụ thể và quan trọng nhất của đề tài này là đã gọi được tên, đề xuất cụ thể các dự án. Nhóm các dự án phục hồi sinh thái, gồm: Xây dựng hệ sinh thái tre trúc; hệ sinh thái rừng mưa ẩm nhiệt đới, nửa rụng lá, á nhiệt đới trên đỉnh núi; bảo tồn các vườn cò, sáo, dơi, bướm, động vật hoang dã khác, các vườn thú. Nhóm các dự án hạ tầng giao thông: Nâng cấp đường bộ lên đỉnh núi, đường bộ trong rừng, nối các cơ sở tôn giáo, đầu tư trung tâm dịch vụ, đường ray, đường cáp treo, đường sông/ghe thuyền. Nhóm dự án các công trình tâm linh: Tháp hội tụ khí thiêng trời đất (từ truyền thuyết Thành hoàng Lương Văn Chánh xây tháp), chùa Liễu Quán, đền Vọng, chùa Ngọc. Nhóm công trình hạ tầng văn hóa: Nhà truyền thống các dân tộc Phú Yên và Bảo tàng thiên nhiên Phú Yên. Nhóm chủ đề đầu tư các công trình kinh tế và kinh doanh: Đầu tư phát triển làng nghề văn hóa tre, làng bonsai - cây kiểng, dự án đầu tư các công trình kinh doanh du lịch, công viên trò chơi, giải trí.

 “Chúng tôi kỳ vọng, những kết quả của đề tài là cơ sở để thiết lập các dự án kêu gọi đầu tư, phát triển núi Chóp Chài thành một khu du lịch trọng điểm của Phú Yên. Với giao thông thuận lợi, du lịch tại Chóp Chài sẽ mang lại sức sống mới cho các điểm tham quan khác, kích thích đầu tư, đưa TP Tuy Hòa thành trung tâm du lịch biển có thể sánh với các tỉnh lân cận”, ông Tiến nói.

 TRẦN QUỚI

 

Nguồn: baophuyen.com.vn

Cùng chuyên mục