Trùng tu Thái Miếu: Phục hồi yếu tố gốc của di tích
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tiến hành tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu (Thái Tổ Miếu) để gìn giữ một cụm di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật và lịch sử, văn hóa đặc sắc.
Thái Miếu vốn là một công trình có kiến trúc đẹp, tiêu biểu của kiến trúc Huế
Phục hồi công trình kiến trúc đẹp, tiêu biểu
Thái Miếu là một trong năm miếu thờ quan trọng của triều Nguyễn được xây dựng sớm nhất trong Hoàng thành Huế, thờ các vị tổ tiên của nhà vua, tức các đời chúa Nguyễn. Di tích này còn là nơi bảo lưu các nghi lễ thờ tự của cả cụm di tích Thái Miếu – Triệu Miếu, có giá trị trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về việc thờ tự nói chung của các triều đại trước đó ở Việt Nam.
Tổng thể di tích Thái Miếu là một tổ hợp kiến trúc khá lớn, với trên 10 hạng mục công trình nằm trong khuôn viên có tổng diện tích 14.904m2, được bố trí đúng theo nguyên tắc chung của kiến trúc triều Nguyễn. Trong đó, nhà chính Thái Miếu là ngôi nhà bằng gỗ lớn nhất trong tất cả các cung điện được xây dựng dưới triều Nguyễn, một công trình kiến trúc gỗ theo lối “Trùng thiềm điệp ốc”. Ngoài ra, còn có các công trình phụ trợ được bố trí đăng đối nhịp nhàng, như: Tả, Hữu Tòng Tự, Quang Hy môn, Diên Hy môn, Tuy Thành các, Công Thần miếu, Chiêu Kính điện, Mục Tư điện, Long Đức điện…
Nhìn lại quá trình lịch sử, khu di tích Thái Miếu trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Từ một cụm công trình thờ cúng quan trọng, uy nghiêm, to lớn bậc nhất trong Hoàng cung Huế dưới thời các vị vua Nguyễn, trở thành một khu vực gần như là “bình địa” sau năm 1947. Duy nhất Thái Miếu, công trình chính của di tích này được phục dựng lại năm 1972 phục vụ nhu cầu thờ cúng tổ tiên của Nguyễn Phước tộc, nhưng cũng thu hẹp về quy mô, hiện cũng xuống cấp và sụp đổ một phần. Sự tàn phá của chiến tranh, khắc nghiệt của thời tiết và thiếu sự quan tâm đầu tư trong thời gian dài đã khiến di tích này xuống cấp nghiêm trọng. Đến nay, khu vực Thái Miếu hiện chỉ còn ba công trình chính: Thái Miếu (gần như đổ nát), điện Long Đức (được trùng tu) và điện Chiêu Kính (mới được phục dựng).
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, Thái Miếu là một công trình có kiến trúc đẹp, tiêu biểu của kiến trúc Huế và đậm nét kiến trúc dân tộc. Mặc dù phần lớn các công trình trong cụm di tích này đã bị phá hủy nhưng căn cứ vào các miêu tả bằng chữ viết và hiện trạng nền móng còn tồn tại, công tác phục hồi được tiến hành sẽ tái hiện miếu thờ quan trọng bậc nhất dưới triều Nguyễn. Việc tu bổ, phục hồi, tôn tạo tổng thể di tích này là cần thiết nhằm trả lại không gian thờ cúng được xếp vào hàng Đại tự. Khu vực Thái Miếu hoàn thiện sẽ phục dựng lại các nghi thức lễ tế, tái hiện lại một phần di sản phi vật thể đáng được lưu truyền và sẽ là hạt nhân trong việc khai thác du lịch của khu vực Thái Miếu – Triệu Miếu, vốn bị để ngỏ suốt thời gian dài do sự xuống cấp của các công trình.
Bảo tồn dấu tích kiến trúc thời vua Gia Long
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu giai đoạn 1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tu bổ, phục hồi các hạng mục: Thái Miếu, Thái Miếu Môn, hệ thống sân, đường đi, cây xanh, thảm cỏ và hạ tầng kỹ thuật. Dự án dự kiến được thực hiện trong 4 năm với tổng kinh phí trên 265 tỷ đồng.
Thái Miếu được tu bổ, phục hồi dựa trên quan điểm giữ gìn nguyên vẹn các thành phần của di tích được coi là nguyên gốc. Trong đó, sẽ bảo tồn dấu tích kiến trúc, cảnh quan của thời vua Gia Long và những bổ sung, thay đổi về mặt trang trí, màu sắc, vật liệu dưới các thời vua sau này; hạ giải các hạng mục, cấu kiện, chi tiết sai lệch làm ảnh hưởng tới công trình trong các lần sửa chữa cơi nới; ưu tiên sử dụng vật liệu và quy trình kỹ thuật truyền thống.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ căn cứ trên phế tích nền móng hiện còn của Thái Miếu Môn, nền móng hiện trạng của Thái Miếu, kết hợp với phương pháp luận nghiên cứu phục hồi dựa trên cơ sở phân tích thông tin lịch sử, phân tích hiện trạng công trình, ảnh tư liệu, các công trình tương đồng… để hình thành phương án phục hồi Thái Miếu. Trong thiết kế tu bổ cũng như thi công tôn trọng tuyệt đối các yếu tố nguyên gốc cấu thành nên di tích; chỉ thay thế, phục hồi các chi tiết, bộ phận cấu kiện khi có đủ các căn cứ khoa học. Các cấu kiện bộ phận kiến trúc thay thế, phục hồi đảm bảo tính chân xác về chất liệu, thẩm mỹ cũng như công nghệ chế tác.
Để hoàn thiện phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu giai đoạn 1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức hội nghị lấy ý kiến của giới chuyên môn. Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Thái Miếu là một tổ hợp công trình được xây dựng từ thời Gia Long. Dù trải qua nhiều lần tu bổ nhưng phong cách kiến trúc, trang trí của các công trình trong cụm di tích này, đặc biệt là tòa Thái Tổ Miếu vẫn giữ phong cách đặc trưng của thời Gia Long. Phương án trùng tu, phục hồi các công trình cần phải bảo tồn được đặc trưng này. Đối với công trình Thái Tổ Miếu, nên tập trung đầu tư nghiên cứu phục hồi các bộ phận cơ bản trước, như hệ nền móng, bộ khung gỗ, hệ mái. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nên tổ chức khai quật khảo cổ học tổng thể khu di tích Thái Miếu để có sự đánh giá đầy đủ, chính xác về diễn biến thay đổi của các công trình trong cụm di tích này; tiếp tục đầu tư sưu tầm nguồn tư liệu viết, tư liệu ảnh, bản vẽ về Thái Miếu, trong đó đặc biệt chú ý nguồn tư liệu Châu bản và nguồn ảnh tư liệu.
TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh cho rằng, Thái Miếu là công trình kiến trúc quy mô, vì vậy cần nghiên cứu bổ sung các phương án về vật liệu, các vấn đề kỹ thuật. Đồng thời, cần ưu tiên sử dụng phương pháp thủ công và vật liệu thủ công truyền thống. Khi triển khai phải đảm bảo các nguyên tắc đã phê duyệt và có những dữ liệu khoa học chính xác. Do đây là công trình ra đời sớm nhất và quy mô vào loại lớn nhất do vậy việc hạ giải, triển khai tu bổ, phục hồi cần được làm hồ sơ khoa học kỹ lưỡng phục vụ cho nghiên cứu bảo tồn di tích lâu dài.
Bài, ảnh: MINH HIỀN
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế