Hoạt động của ngành

Tuyên Quang: Thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào du lịch

Cập nhật: 29/05/2019 14:01:02
Số lần đọc: 851
Để du lịch phát triển nhanh, hiệu quả và là 1 trong 3 khâu đột phá như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định, thì ngoài quảng bá, thu hút khách du lịch, cần thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch.


Dịch vụ homestay tại thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình) đáp ứng
nhu cầu lưu trú của khách du lịch.

Đi vào hoạt động từ năm 2013, Khách sạn Á Châu thuộc Công ty TNHH Linh Nguyệt xây dựng với quy mô 7 tầng với hơn 60 phòng nghỉ và phòng tắm khoáng. Khách sạn còn có khu bể bơi, khu tắm bùn, tắm khoáng tập trung. Đây chỉ là 1 trong 3 công ty tư nhân đã đầu tư vào Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm trong những năm trở lại đây.  

Ông Lê Quốc Thu, Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm cho biết, trong vòng 10 năm trở lại đây, đã có 7 đơn vị tư nhân đầu tư vào khu du lịch này. Trong đó có 3 công ty tư nhân và 4 cơ sở kinh doanh lưu trú, cùng lúc có thể phục vụ được khoảng 400 khách nghỉ, 700 khách tắm. Ông Thu cho biết, sự có mặt của các doanh nghiệp tư nhân đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch, làm phong phú hơn các dịch vụ, sản phẩm phục vụ khách du lịch như tắm khoáng, tắm bùn, ăn uống, nghỉ ngơi, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Nếu như năm 2018, Khu du lịch đón 120 nghìn lượt khách, thì 4 tháng năm 2019 đón trên 40 nghìn lượt. Không chỉ thu hút các doanh nghiệp nhỏ, hiện Mỹ Lâm đã được Tập đoàn Vingroup lựa chọn đầu tư thực hiện Dự án Vinpearl Tuyên Quang với quy mô gần 30 ha. Ông Lê Quốc Thu cho rằng, sau khi dự án đi vào hoạt động, lượng khách du lịch đến với Mỹ Lâm sẽ tăng dần đều, từ 20-50%/năm.

Thu hút, kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch được tỉnh triển khai mạnh mẽ và bước đầu đạt được những kết quả khả quan, đã có một số nhà đầu tư chiến lược thực hiện nhiều dự án phát triển du lịch, xây dựng cơ sở lưu trú đạt chất lượng cao như: Trung tâm Thương mại, nhà phố thương mại Vincom Shophouse, Dự án Vinpearl Tuyên Quang của Tập đoàn Vingroup; Khách sạn Mường Thanh Grand Tuyên Quang của Tập đoàn Mường Thanh; Tập đoàn FLC khảo sát đầu tư tại thành phố Tuyên Quang và Sơn Dương… Cùng với đó, trong số 15 dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017 - 2020 cũng có nhiều dự án về phát triển du lịch như dự án xây dựng Khu đô thị nghỉ dưỡng Sông Lô; Khu du lịch sinh thái Phiêng Bung; Khu du lịch sinh thái Núi Dùm…

Không chỉ tham gia vào đầu tư phát triển hạ tầng, các doanh nghiệp tư nhân đã tạo được những dấu ấn đậm nét trong việc thu hút khách du lịch đến với địa phương. Bà Hoàng Thị Đẹp, Trưởng phòng Du lịch Vietrantour - Chi nhánh Tuyên Quang cho biết, chi nhánh có văn phòng đại diện tại Tuyên Quang từ năm 2014, nhưng đến năm 2017 mới thực sự tham gia vào xây dựng và khai thác các tour, tuyến du lịch trong tỉnh. Ngay sau khi khai thác dịch vụ này, chi nhánh đã xây dựng được nhiều tour du lịch đến các điểm di tích, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, từ tour 1 ngày đến tour 3 ngày, trong đó điểm đến là Tân Trào, suối khoáng Mỹ Lâm, Thác Bản Ba, Na Hang, Lâm Bình. Chị Đẹp cho biết, riêng dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa rồi đã có hàng trăm lượt khách đăng ký các tour đến với Tuyên Quang qua Vietrantour và mỗi năm chi nhánh cũng đưa đến Tuyên Quang hàng chục nghìn lượt khách du lịch. 

Theo ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc đầu tư vào du lịch có đặc điểm là khả năng thu hồi vốn chậm nên số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào du lịch tỉnh nhà chưa nhiều. Khắc phục điều này, tỉnh khuyến khích với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, từ tiền thuê đất đến hỗ trợ về mặt thủ tục hành chính. Một số điểm du lịch như thác Khuổi Nhi (Lâm Bình) đã được giao cho Công ty TNHH Du lịch Non nước Lâm Bình khai thác, quản lý; điểm du lịch thác Bản Ba (Chiêm Hóa) được giao cho Công ty TNHH Sông Gâm khai thác quản lý.

Trong năm 2019, cũng đã có 1 doanh nghiệp tại Hà Nội là Công ty lữ hành Fivestar liên kết với các hộ dân tại Nặm Đíp, xã Lăng Can và Bản Bon, xã Phúc Yên (Lâm Bình) xây dựng dịch vụ homestay, đưa khách du lịch đến với địa phương… Ông Sơn cho biết, khi các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào khai thác, quản lý các điểm du lịch, liên kết với người dân xây dựng homestay, ngành văn hóa yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, cam kết không thay đổi cảnh quan, giữ nguyên hiện trạng, tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương. 

Tuyên Quang đang từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, từ du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử đến du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng… Sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong đầu tư phát triển du lịch sẽ góp phần không nhỏ trong việc định hình du lịch Tuyên Quang trên bản đồ du lịch của cả nước. 

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục