Về thăm ATK Định Hóa (Thái Nguyên)
ATK Định Hóa là một Di tích quốc gia đặc biệt, là điểm tham quan, du lịch về nguồn mang ý nghĩa giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ… Từ đây, du khách có thể di chuyển đến đồi Khau Tý, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Điểm du lịch cộng đồng bản Quyên, đền Đuổm… Về với ATK Định Hóa hôm nay là về với địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, ATK Định Hóa là nơi có địa thế hiểm trở đảm bảo “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”.
Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết trên địa bàn huyện Định Hoá hiện nay có 182 điểm di tích, trong đó có 17 điểm di tích cấp quốc gia và 1 điểm di tích quốc gia đặc biệt: "Chúng tôi xác định trong đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên, việc phát triển du lịch sinh thái gắn với phát huy giá trị của các di tích lịch sử cũng như danh lam thắng cảnh trên địa bàn là hướng đến địa bàn huyện Định Hoá. Trong giai đoạn này, chúng tôi đang tập trung phát huy các di tích lịch sử, gắn với việc tuyên truyền, quảng bá trong các nhà trường, các cơ sở giáo dục; tiếp tục xây dựng tập trung điểm du lịch cộng đồng tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình. Cùng với đó tiếp tục triển khai phát triển du lịch cộng đồng ở bản Quyên".
Ông Lê Ngọc Linh - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên (thứ hai từ trái sang)
Từ ATK Định Hóa – trung tâm của an toàn khu Trung ương, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định nhiều chủ trương lớn: Chiến dịch phản công Việt Bắc, chiến dịch Đông Bắc, Tây Bắc, các chiến dịch biên giới. Đặc biệt là phê duyệt kế hoạch tác chiến, quyết định mở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ… Ghi nhận giá trị di tích ATK Định Hóa, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Di tích lịch sử - ATK Định Hóa là Di tích quốc gia đặc biệt.
Chị Sinh Thị Hiền - hướng dẫn viên tại Ban Quản lý Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa cho biết sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, huyện Định Hóa cùng với các huyện Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), huyện Chợ Đồn, Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn), huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) đã trở thành An toàn khu của Trung ương trong căn cứ địa Việt Bắc, trong đó Định Hóa được coi là trung tâm Thủ đô gió ngàn, Thủ đô khu giải phóng. "Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh đã lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Hầu hết các quyết sách của Đảng của Chính phủ mang tính chất lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đều ra đời tại ATK Định Hóa".
Quần thể di tích ATK trong đó có hơn 20 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia là những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, thu hút đông đảo du khách tham quan như Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khau Tý; Di tích Địa điểm diễn ra Lễ phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của quân đội ta ở Nà Lọm; Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đồi Nà Đình, xóm Khuôn Tát…
"Bản Khuôn Tát chúng tôi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ đã ở và làm việc để quyết sách trong chiến dịch Thu đông năm 53-54. Đây là di tích đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến và đến giờ được Đảng, Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và huyện Định Hoá, lãnh đạo xã Phú Đình tập trung xây dựng, tôn tạo", ông Triệu Đình Thịnh, Bí thư chi bộ xóm Khuôn Tát chia sẻ.
Về ATK Định Hóa, du khách không chỉ được tận mắt thấy đèo De, núi Hồng - các địa danh đã đi vào thơ ca, lịch sử; đắm mình với thiên nhiên rừng cọ, đồi chè, chinh phục thác Khuôn Tát 7 tầng hùng vĩ… mà còn được tham quan, tìm hiểu nhiều điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng.
Điểm đến đầu tiên du khách thường lựa chọn là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De, thuộc xã Phú Đình (Định Hóa) một công trình trang nghiêm với lối kiến trúc truyền thống thể hiện lòng thành kính với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Từ cổng Tứ trụ bước lên 115 bậc - ghi nhớ công trình xây dựng đúng vào dịp kỷ niệm 115 Ngày sinh của Bác (19/5/2005) tới nhà Tam quan. Tiếp theo là 79 bậc thang ghi nhớ 79 mùa xuân của Bác...
Du khách thăm và chụp hình lưu niệm tại căn lán đồi Khau Tý
Đồi Khau Tý thuộc khu di tích ATK Định Hóa, là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Bác Hồ tại ATK Định Hóa, thuộc xóm Nà Tra, xã Điềm Mặc. Bác đã ở và làm việc tại đây đến giữa tháng 10/1947… Vào cuối năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan đã di chuyển vào sát chân núi Hồng để tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Sau giờ làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để sáng tác một bài thơ rất nổi tiếng trên đồi Khau Tý. Đó là bài thơ Cảnh Khuya: "Tiếng suối trong như tiếng hát xa. Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa. Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ. Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.
Và chính tại đây, Bác còn viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh là X.Y.Z.
Đến đây, du khách còn được thăm căn lán trên đồi Khau Tý còn lưu lại những dấu tích lịch sử như là cây trám, cây đa cổ thụ, vầng hoa dâm bụt Bác trồng năm 1947... Di tích lịch sử đồi Khau Tý được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2006. Nơi đây gắn với sự kiện lịch sử, Bác Hồ ký quyết định lấy ngày 27 tháng 7 năm 1947 là ngày thương binh toàn quốc.
Làng văn hóa du lịch bản Quyên cũng là 1 điểm du lịch du khách không nên bỏ qua. Nơi đây, đoàn có thể trải nghiệm những điệu hát Then, đàn tính của đồng bào Tày Nùng và được trải nghiệm những món ăn đặc sản như: cơm lam, xôi ngũ sắc, gà đồi, cá suối, hít thở bầu không khí trong lành trên đồi Khau Tý và những ruộng bậc thang...
Ngoài ra, du khách còn có thể tham quan một số địa điểm khác như: địa điểm Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam (1949 – 1954). Đây là trụ sở làm việc của đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn phòng Tổng Quân ủy và địa điểm Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh trên đồi Khau Cuội; thăm Cụm di tích Bác ở Khuôn Tát: Cây đa, Đoạn suối Khuôn Tát - nơi Bác tắm, giặt và câu cá, Nhà sàn và hầm Bác ở đồi Nà Đình (xã Phú Đình, huyện Định Hóa), Địa điểm đồi Pụ Đồn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (1948) (xã Phú Đình, huyện Định Hóa)./.
Diệu Linh