Việt Nam là điểm đến yêu thích của du khách “Đất nước mặt trời mọc”
Khách Nhật Bản đến giai đoạn 2015 - 2019 (Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục Thống kê)
“Sản phẩm du lịch Việt Nam phong phú, đa dạng từ các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, sinh thái đến các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp trải dài từ Bắc đến Nam, phù hợp với sở thích của người Nhật Bản. Do vậy, khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam ngày càng tăng” - Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tại Hội thảo "Xúc tiến Du lịch song phương Việt Nam – Nhật Bản" diễn ra vào tháng 1/2020 tại TP Đà Nẵng.
Nhật Bản thuộc top 5 thị trường nguồn hàng đầu gửi khách đến Việt Nam (Ảnh: Internet)
Giai đoạn 2015-2019, khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng 1,4 lần, từ 671 nghìn lượt (năm 2015) lên 952 nghìn lượt ( năm 2019), mức tăng bình quân đạt 9,1%/năm. Tính riêng 2 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã đón 162 nghìn lượt khách Nhật Bản, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với du lịch Việt Nam, Nhật Bản thuộc top 5 thị trường nguồn hàng đầu gửi khách đến Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Nhật Bản cũng là điểm đến yêu thích của du khách Việt Nam.
Hội An là một trong những điểm đến yêu thích của khách du lịch Nhật Bản (Ảnh: Internet)
Để có được kết quả này là nhờ các hoạt động hợp tác, xúc tiến văn hóa và du lịch giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản ngày càng được tăng cường. Các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam thường xuyên được tổ chức tại nhiều thành phố lớn của Nhật Bản như Tokyo, Kanagawa, Hokkaido, Osaka, Nagoya, Fukuoka... Trong đó, hợp tác xúc tiến du lịch giữa các địa phương của Việt Nam và Nhật Bản đang được mở rộng, có thể kể đến hợp tác giữa Hà Nội và Tokyo để quảng bá du lịch Hà Nội tại tàu điện ngầm ở Tokyo, quảng bá du lịch Tokyo trên các đường phố chính và phương tiện truyền thông của Hà Nội.
Năm 2020, ngành du lịch Việt Nam nói riêng và du lịch thế giới nói chung bị ảnh hưởng nặng nề do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Đến nay, Việt Nam đang kiểm soát tốt, cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh. Tình hình tại Nhật Bản đã có nhiều tiến triển tốt, Chính phủ nước này cũng đưa ra lộ trình nới lỏng xã hội, đồng thời tái khởi động nền kinh tế. Đây là cơ sở để kỳ vọng vào sự phục hồi ngành du lịch giữa hai nước, từ đó tăng cường trao đổi khách, thúc đẩy các hoạt động du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19 dần được kiểm soát. Vừa qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã có chủ trương chuẩn bị mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép, trước hết tại các nước, vùng lãnh thổ đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Khánh Trang