Việt Trì(Phú Thọ) - Điểm hẹn Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam
Phục dựng và mở rộng không gian lễ hội truyền thống
Thành phố Việt Trì hiện có 117 di sản văn hóa vật thể thuộc 04 loại hình (di tích lịch sử- danh nhân, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích văn hóa- kiến trúc tôn giáo, di tích khảo cổ học) và 52 di sản văn hóa phi vật thể thuộc 05 loại hình (Lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống). Những năm qua, bên cạnh công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di sản văn hoá với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, thành phố đã xây dựng chương trình hành động, triển khai thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để gìn giữ, bảo tồn di sản Hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đặc biệt là hệ thống các lễ hội gắn liền với di tích.
Bảo tồn, gìn giữ các lễ hội để các thế hệ con cháu người Việt chiêm nghiệm quá khứ, trân trọng hiện tại và hướng về tương lai. Các lễ hội truyền thống với mục tiêu gắn lễ hội với phát triển du lịch được nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả. Hoạt động lễ hội đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách, tạo nên khí thế vui tươi phấn khởi trong cộng đồng, tiêu biểu như: Lễ hội cướp bông ném chài đền Vân Luông (phường Vân Phú), Lễ hội bơi Chải, Lễ hội rước kiệu làng Hùng Lô (xã Hùng Lô), Lễ hội hát Xoan (xã Kim Đức, Phượng Lâu), Lễ hội đình Việt Trì (phường Bến Gót) lễ hội Chạy kem, lễ hội khao quân định làng Thượng (ở xã Chu Hóa); lễ hội Thánh hóa đền Phúc Long, lễ hội Tam Giang, lễ hội giã bánh giầy – phường Bạch Hạc, lễ hội đình làng Hương Trầm – phường Dữu Lâu, Lễ hội đình làng Kim Đái xã Kim Đức….
Đặc biệt, năm 2018, theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép phục hồi sau nhiều năm gián đoạn. Theo truyền thuyết, đồng Lú là nơi vua Hùng đã xuống đồng dạy dân cấy lúa. Vua được tôn là Thần nông, hàng năm có tục cầu Thần nông và thực hành lại tích vua Hùng dạy dân cấy lúa. Trong phần lễ, các nghi thức như: Cáo yết, cúng Thần Nông, Tế lễ đã tái hiện đầy đủ các nghi thức Vua Hùng dạy dân cấy lúa trang nghiêm, đậm bản sắc.
Bà Lê Thị Khuyên, khu Hồng Hải, phường Minh Nông phấn khởi cho biết: “ Tôi là người dân địa phương, được sinh ra và lớn lên ở quê hương đất Tổ. Bản thân tôi cùng bà con làng xóm được tham gia vào việc luyện tập và trình diễn lại tích xưa, tôi rất vui mừng và tự hào về truyền thống của ông cha”. Ông Nguyễn Quang Chung, Chủ tịch UBND phường Minh Nông khẳng định: “Đây là lễ hội duy nhất mang tính đặc trưng, tiêu biểu khởi thủy của nghề trồng lúa nước của cư dân nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy, việc khôi phục lễ hội vừa là để đáp ứng nguyện vọng tín ngưỡng của nhân dân địa phương; nhưng cùng là nhiệm vụ bảo tồn di tích lịch sử văn hóa của Nhà nước, tôn vinh thời đại Hùng Vương và các Vua Hùng” .
Nhìn vào không gian văn hóa lễ hội có thể nhận thấy rõ nét sự phục hồi tích cực của các nghi lễ, trò chơi, trò diễn dân gian cùng những giá trị văn hóa phi vật thể… có tác động tích cực đến đời sống sinh hoạt xã hội cộng đồng, góp phần tạo thêm nhiều mảng màu tươi sáng trong bức tranh tổng quát về văn hóa dân gian của thành phố Việt Trì.
Điểm hẹn văn hóa
Nhằm khơi dậy niềm tự hào trong nhân dân về truyền thống con Lạc cháu Hồng; thể hiện lòng tôn kính, tri ân công đức tổ tiên; Thành phố Việt Trì đã chú trọng và tổ chức thành công Lễ hội văn hóa dân gian đường phố, Hội thi trình diễn xe mô hình, hội thi Bơi Chải Việt Trì mở rộng, hội thi bơi chải truyền thống trên Sông Lô, đêm hội rước đèn “Kinh đô Văn Lang, trăng rằm tỏa sáng”… với quy mô hoành tráng, ấn tượng. Ở cấp cơ sở, hoạt động trình diễn xe mô hình vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng và Tết Trung thu...đã làm nên thương hiệu cho lễ hội dân gian đường phố của Việt Trì ngày càng có sức lan tỏa trong cộng đồng. Mỗi xe mô hình là một sản phẩm của sự sáng tạo và tinh thần tự nguyện đóng góp của nhân dân, từ ý tưởng, công sức đến kinh phí thực hiện. Ở cấp thành phố, liên tiếp trong nhiều năm, lễ hội văn hóa dân gian đường phố đã phản ảnh rõ nét văn hóa truyền thống đặc sắc của từng địa phương, đơn vị. Quy mô và chất lượng nghệ thuật của lễ hội mỗi năm lại được nâng cao hơn. Từng nét văn hóa dân gian độc đáo, mang đậm màu sắc tâm linh, tín ngưỡng vùng Đất Tổ được tái hiện trong những mô hình, những đoàn văn hóa dân gian, do nhân dân trình diễn.
Chị Hà Hoàng Lan – huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Tôi lần đầu tiên được dự và chứng kiến một không khí lễ hội đường phố sôi động, đậm chất dân gian ngay tại thành phố Việt Trì. Một không gian văn hóa nghệ thuật mới mẻ, ấn tượng với chất lượng nghệ thuật cao đã cho tôi hiểu thêm về truyền thuyết Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh”. Còn anh Nguyễn Văn Điền- phường Gia Cẩm- TP Việt Trì góp ý: “Tôi mong muốn các lễ hội sẽ được tổ chức thường xuyên hàng năm, để nhân dân được trực tiếp tham gia và hưởng thụ, nâng cao đời sống tinh thần”.
Để giúp đồng bào và du khách có thêm nhiều trải nghiệm về nét văn hoá của vùng đất Tổ cội nguồn, Việt Trì đã tổ chức nhiều không gian văn hóa mở như: xem và học biểu diễn Hát Xoan làng cổ; tìm hiểu về làng nghề truyền thống làm bánh Chưng - bánh Dày (tượng trưng cho trời tròn, đất vuông) trong truyền thuyết về Hoàng tử Lang Liêu, sau được truyền ngôi trở thành vua Hùng thứ bảy; tham quan các ngôi nhà cổ và tìm hiểu đời sống sinh hoạt, phong tục, lễ nghi của cộng đồng dân cư các ngôi làng sống trong vùng ven Kinh đô cổ Văn Lang cách ngày nay hàng ngàn năm… Anh Thomas Kloss, một du khách đến từ Đức chia sẻ: “Rất ấn tượng, không gian cổ kính ở những ngôi đình khiến tôi thật sự ngạc nhiên, các nghệ nhân và đào - kép Xoan ở đây có lối biểu diễn thuần thục, nhuần nhuyễn từ tiếng trống phách, lời hát, tay múa, chân đưa luôn toát lên vẻ đẹp của sự uy nghiêm, thành kính mà hồn hậu, mộc mạc, sâu đậm khiến chúng tôi không thể nào quên”.
Trong giai đoạn mới, TP Việt Trì đã và đang có những kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hơn chất lượng tổ chức, phục dựng các lễ hội truyền thống; khẳng định những nỗ lực tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở….để khơi dậy và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống được “sống” trong đời sống của nhân dân.
Ông Lê Công Luận – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Thành phố coi trọng bản sắc văn hóa, giữ gìn và phát huy trở thành yếu tố hấp dẫn trong phát triển sản phẩm du lịch; coi giá trị văn hóa là cơ sở nền tảng của hoạt động du lịch. Vì vậy, Thành phố đã phối hợp với các sở, ngành tiếp tục tiến hành đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phê duyệt quy hoạch chi tiết cho 08 điểm di tích lịch sử văn hóa (gồm đình Hùng Lô, Thiên Cổ Miếu, cụm di tích đình Việt Trì và chùa Hoa Long, đình Ngoại Lâu Thượng, đình Thét, đình Bảo Đà, Di tích lịch sử Đàn Tịch Điền, đình Hương Trầm). Lập điều chỉnh quy hoạch phân khu các phường, xã ; trong đó xác định rõ quy mô, diện tích các khu vực đất công trình di tích, văn hóa (đặc biệt là các công trình có liên quan đến Hát Xoan và các nghi lễ, lễ hội liên quan đến thời đại Hùng Vương) để bảo vệ và làm địa điểm phục dựng các lễ hội đặc sắc thu hút du lịch. Đến nay, Việt Trì đã hình thành một số điểm du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm- mua sắm như: Điểm du lịch đường sông đình Hùng Lô và đền chùa Tam Giang phường Bạch Hạc. Điểm du lịch hát Xoan làng cổ phục vụ du khách và nhân dân khi có nhu cầu và dịp Giỗ tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng. “City tour Việt Trì” đã được công bố (tháng 3/2017) đi vào hoạt động gắn với 9 điểm đến: Khu DTLS Đền Hùng- Miếu Lãi Lèn- Đình Hùng Lô- Bảo tàng Hùng Vương- Trung tâm thương mại Vincom- Đình Thét- Làng rau an toàn Tân Đức- Quần thể di tích đền, chùa Tam Giang- Miếu Lãi Lèn...
Với nỗ lực tạo dựng những không gian lễ hội mới, mang màu sắc và hơi thở hiện đại nhưng vẫn đậm dấu ấn dân gian, đang góp phần đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời thu hút, tạo ấn tượng với du khách khi về với Việt Trì, góp phần để TP sớm hoàn thành mục tiêu: trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Thu Phương